MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải mã máu của loài động vật đắt đỏ nhất thế giới: Màu xanh kỳ dị, ẩn chứa khả năng vô hiệu hóa vi khuẩn, mỗi lít trị giá hơn 500 triệu đồng

07-06-2024 - 10:02 AM | Tài chính quốc tế

Giới khoa học lo ngại rằng, nếu như loài Sam tuyệt chủng, trong khi chúng ta vẫn chưa thể phát minh ra một biện pháp phát hiện vi khuẩn hữu hiệu thì mạng sống của hàng tỷ người trên thế giới sẽ bị đe dọa.

Với chiếc vỏ khổng lồ bao trùm cả thân, chiếc đuôi đầy gai nhọn và 5 cặp chân được nối trực tiếp tới miệng, cua móng ngựa huyết xanh hay còn gọi là con sam là một trong những loài có ngoại hình kỳ lạ nhất thế giới động vật.

Ở nước ta, con sam biển có nhiều ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hóa, Bình Thuận,... Hai loài sam phổ biến nhất ở bờ biển Việt Nam là Tachypleus tridentatus và Carcinos corpius rotundicauda.

Giải mã máu của loài động vật đắt đỏ nhất thế giới: Màu xanh kỳ dị, ẩn chứa khả năng vô hiệu hóa vi khuẩn, mỗi lít trị giá hơn 500 triệu đồng- Ảnh 1.

Cua móng ngựa huyết xanh hay còn gọi là con sam biển

Theo "Sách đỏ IUCN", loài sam đã xuất hiện trên Trái Đất từ khoảng 450 triệu năm trước. Đây là một trong những sinh vật cổ xưa nhất từng xuất hiện trên Trái Đất vẫn còn tồn tại, được các nhà khoa học gọi là "hóa thạch sống". Bởi dù đã xuất hiện từ thời tiền sử, hình hài của chúng, đến nay, không có sự thay đổi so với hàng trăm triệu năm trước.

Dẫu vậy, giá trị lớn nhất của loài Sam không nằm ở ý nghĩa về mặt lịch sử, mà lại chính là ứng dụng to lớn của nó trong nền khoa học hiện đại, cụ thể là y học. Và đây cũng chính là lý do khiến máu của con Sam trở thành một trong những nguồn tài nguyên quý giá nhất hành tinh.

Máu loài sam có gì đặc biệt?

Theo CNN, sam là loài động vật có máu đắt đỏ nhất trên thế giới hiện nay, có giá lên tới gần 20.000 USD/lít (khoảng hơn 500 triệu đồng). Do đó, nuôi sam lấy máu là một trong những ngành công nghiệp ở nhiều quốc gia.

Máu của loài sam đặc biệt ngay ở hình thức. Khác với màu đỏ thường thấy ở động vật trên cạn, máu sam biển có màu xanh do cấu tạo thay thế hemoglobin bằng hemocyanin để vận chuyển oxygen trong cơ thể. Chính sự thay đổi này đã giúp sam tồn tại và phát triển trong những môi trường "đậm đặc" vi khuẩn chết người.

Giải mã máu của loài động vật đắt đỏ nhất thế giới: Màu xanh kỳ dị, ẩn chứa khả năng vô hiệu hóa vi khuẩn, mỗi lít trị giá hơn 500 triệu đồng- Ảnh 2.

Máu của loài Sam có chứa LAL có khả năng phản ứng với vi khuẩn Gram âm

Ngoài ra, máu của loài Sam có chứa một nhân tố đông máu đặc biệt có tên là Limulus amebocyte lysate (LAL) có khả năng phản ứng với vi khuẩn Gram âm - có thể làm hỏng thuốc, kim tiêm và các thiết bị.

Trước khi khám phá ra LAL, giới khoa học đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định xem liệu vắc xin hay các dụng cụ y tế có bị nhiễm khuẩn hay không? Cách được áp dụng phổ biến vào thời kỳ đó chính là tiêm thử vắc xin vào những con thỏ thí nghiệm và chờ xem phản ứng (đương nhiên cách làm này tốn khá nhiều thời gian cũng như phi nhân đạo).

Mãi đến năm 1970, thứ chất lỏng màu xanh này sau đó đã trở thành "cứu tinh" cho các xét nghiệm tiêu chuẩn nhiễm độc công nghiệp khi chỉ 45 phút để tiếp xúc với máu sam cũng đủ để khám phá ra các nội độc tố từ vi khuẩn Gram âm.

Giải mã máu của loài động vật đắt đỏ nhất thế giới: Màu xanh kỳ dị, ẩn chứa khả năng vô hiệu hóa vi khuẩn, mỗi lít trị giá hơn 500 triệu đồng- Ảnh 3.

Mỗi con sam sẽ được khai thác khoảng 30% máu trong cơ thể

Cụ thể, chỉ cần nhỏ 1 vài giọt LAL vào thiết bị y tế hay vắc xin, hợp chất này sẽ ngay lập tức phủ lên bất kỳ vi khuẩn Gram âm nào mà nó phát hiện bằng một cái kén dạng dẻo, đây cũng chính là dấu hiệu cảnh báo cho chúng ta biết sự hiện diện của vi khuẩn trong các vật tư y tế, thứ có thể cướp đi mạng sống của người bệnh.

Chính vì ứng dụng to lớn và hiện chưa thể thay thế bằng các biện pháp nhân tạo, nên hàng năm ngành công nghiệp dược phẩm vẫn đang đánh bắt khoảng 600.000 con Sam, để phục vụ cho việc chiết xuất loại thuốc phát hiện nhiễm khuẩn này.

Loài sam có bị đe dọa?

Người ta chỉ khai thác mỗi con sam khoảng 30% máu trong cơ thể. Sau khi lấy máu, sam được đưa lại về biển và một tuần sau lượng máu của chúng sẽ phục hồi. Tuy nhiên, khoảng 30% cá thể Sam thường không thể qua khỏi trong quá trình lấy máu. Điều này đã làm suy giảm nghiêm trọng số lượng quần thể sam trên thế giới, biến sinh vật này trở thành loài động vật bị đe dọa tuyệt chủng.

Giải mã máu của loài động vật đắt đỏ nhất thế giới: Màu xanh kỳ dị, ẩn chứa khả năng vô hiệu hóa vi khuẩn, mỗi lít trị giá hơn 500 triệu đồng- Ảnh 4.

Mạng sống của con người sẽ bị đe dọa nếu loài sam sẽ bị tuyệt chủng

Theo số liệu của các tổ chức bảo tồn, số lượng Sam ở nước Mỹ đã ở mức đáng báo động và nếu không có biện pháp can thiệp thì trong 40 năm nữa, dân số của loài Sam ở đây sẽ giảm xuống 30%. Thực trạng loài Sam ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu của con người ngày một tăng, đã khiến giá của máu Sam vốn đã ở trên trời lại vẫn liên tục nhảy vọt.

Tuy nhiên, điều thực sự đáng sợ không phải nằm ở chi phí cao, mà là khi đã không còn Sam để đánh bắt, trong khi chúng ta vẫn chưa thể phát minh ra một biện pháp phát hiện vi khuẩn hữu hiệu như LAL, thì mạng sống của hàng tỷ người trên thế giới sẽ bị đe dọa vì nhiễm trùng!

Theo Nguyễn Phượng

Đời sống và Pháp luật

Trở lên trên