Giải mã mô hình kinh tế đằng sau câu hỏi: Liệu Việt Nam có thể bắt kịp các nước có thu nhập cao hơn không?
Nếu tính toán cơ học một cách đơn giản như ông IL Houng Lee, cựu Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam, rằng Việt Nam và các quốc gia có thu nhập cao hơn đều duy trì tốc độ tăng trưởng hiện tại, thì sau một thời gian, có thể là rất lâu, Việt Nam có thể bắt kịp thu nhập của các quốc gia khác. Song, hãy xem xét kỹ hơn mô hình kinh tế dưới đây, để hiểu thêm về quá trình nước có thu nhập thấp hơn bắt kịp các nước phát triển.
- 09-07-2021Nhìn lại tính toán chuyên gia cách đây 15 năm: Việt Nam cần 197 năm mới đuổi kịp Singapore?
- 03-07-2021GDP Việt Nam vượt Singapore nhanh hơn chuyên gia Singapore nghĩ
Với tốc độ tăng trưởng cao hơn, phải chăng đến một lúc nào đó, Việt Nam có thể bắt kịp các quốc gia có thu nhập cao hơn?
Có nhiều lý thuyết kinh tế ở các trường phái khác nhau có thể giải thích về nguyên nhân của quá trình tăng trưởng ở các quốc gia. Một trong số những mô hình quan trọng có thể trả lời câu hỏi được nêu ở trên là mô hình Solow-Swan, được phát triển độc lập bởi Robert Solow và Trevor Swan năm 1956.
Đây là mô hình tăng trưởng ngoại sinh, cho rằng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn chỉ có thể đạt được khi có tiến bộ công nghệ. Các yếu tố còn lại như lao động và tư bản đều gặp phải giới hạn do quy luật lợi tức cận biên giảm dần nên không thể mang lại tăng trưởng vĩnh viễn.
Mô hình Solow có thể giải thích khá tốt nguyên nhân của quá trình tăng trưởng ở các quốc gia cũng như quá trình hội tụ và phân kỳ về thu nhập giữa các nước. Tức là có thể giải thích được việc quốc gia nghèo có thể bắt kịp quốc gia giàu, hay hai quốc gia có xuất phát điểm giống nhau sau đó lại có sự chênh lệch về thu nhập.
Các kết quả thực tiễn cho thấy, có một số nước có xu hướng hội tụ về cùng một mức thu nhập nhưng có khá nhiều quốc gia khác lại cho thấy xu thế phân kỳ - tăng trưởng của nước giàu vẫn cao hơn nước nghèo.
Theo mô hình này, quá trình hội tụ về cùng một mức thu nhập chỉ có thể xảy ra giữa các nước có cùng tỷ lệ tiết kiệm, tỷ lệ tăng dân số và trạng thái công nghệ, tức là hội tụ có điều kiện. Điều này tương đối đúng với các quốc gia thuộc nhóm OECD cũng như một số nước đã công nghiệp hóa thành công. Họ có mặt bằng công nghệ tương đương nhau, hoặc có thể rất nhanh chóng tiếp nhận công nghệ từ các nước đi trước, tỷ lệ tiết kiệm và tốc độ tăng dân số cũng tương đối đồng đều.
Ngoài ra, có tình huống một số nước có thể có cùng xuất phát điểm về tỷ lệ tiết kiệm (tích lũy tư bản) và tăng trưởng dân số cũng như công nghệ, nhưng sau đó một nước có thể đạt được tiến bộ công nghệ cao hơn và phát triển hơn. Ví dụ như hơn một thế kỷ trước, Mỹ và nhiều quốc gia công nghiệp khác có mức thu nhập gần như tương đương nhau. Tuy nhiên, dựa trên nền tảng tiến bộ công nghệ có được do thu hút được nhiều nhân tài nên Mỹ tăng trưởng cao và vượt xa nhiều quốc gia công nghiệp khác.
Hay một số nước có xuất phát điểm thu nhập thấp hơn, nhưng có tiến bộ công nghệ cao hơn, có thể đuổi kịp các nước đi trước. Ví dụ như các nước Đông Á và Argentina. Đầu thế kỷ 20, thu nhập đầu người của Argentina cao hơn rất nhiều, nhưng các quốc gia Đông Á đã bắt kịp Argentina vào năm 1970-80 và tới giờ thì đã vượt xa Argentina.
Ý nghĩa của mô hình tăng trưởng Solow được tóm tắt như sau:
1. Các nước nghèo có tiềm năng tăng trưởng nhanh.
2. Khi thu nhập quốc gia tăng lên, tăng trưởng có xu hướng chậm lại.
3. Nếu có chung những tính chất quan trọng, các nước nghèo có tiềm năng đuổi kịp các nước giàu.
4. Tăng tỷ lệ tiết kiệm không dẫn đến tăng trưởng bền vững dài hạn.
5. Tiếp thu công nghệ mới là yếu tố quyết định để duy trì tăng trưởng bền vững.