MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Giải mã” nghịch lý lãi suất

26-07-2019 - 07:09 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục giảm cho thấy thanh khoản của hệ thống đang rất dồi dào thì lãi suất huy động từ dân cư vẫn neo cao.

“Giải mã” nghịch lý lãi suất - Ảnh 1.

Lãi suất liên ngân hàng đang có xu hướng giảm

Lãi suất biến động trái chiều

Theo công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm khá mạnh trong tuần từ 15/7 – 19/7, ghi nhận tuần giảm thứ 3 liên tiếp kể từ đầu tháng 7. Theo đó, khép lại tuần qua, lãi suất qua đêm đã giảm về 2,75%/năm, giảm 0,5 điểm phần trăm so với thời điểm cuối tháng 6, và giảm 2 điểm phần trăm so với đầu năm; lãi suất kỳ hạn 1 tuần giảm còn 2,9%/năm, thấp hơn tương ứng là 0,35 điểm và 1,9 điểm; lãi suất kỳ hạn 2 tuần giảm còn 3,1%/năm, thấp hơn 0,4 điểm và 1,8 điểm. "Việc lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm trong tuần qua và xuống dưới mức 3%/năm cho thấy thanh khoản hệ thống đã có phần dư thừa trở lại", BVSC nhận định.

Một dẫn chứng khác cho thấy, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dư thừa đó là hoạt động đấu thầu trái phiếu cũng đã khởi sắc trở lại trong tháng 7. Mới đây nhất, trong phiên ngày 24/7 vừa qua, Kho bạc Nhà nước cũng huy động thành công 7.021 tỷ đồng trong tổng số 7.500 tỷ đồng. Tính chung trong tháng 7, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 25.761 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong tổng só 27.500 tỷ đồng gọi thầu, có nghĩa tỷ lệ thành công đạt tới 93,7%, cao hơn rất nhiều so tỷ lệ 75,5% trong nửa đầu năm.

Không khó để nhận thấy thanh khoản của hệ thống dư thừa một phần cũng nhờ NHNN đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ kể từ đầu năm. Quả vậy, với việc mua vào 8,35 tỷ USD bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại tệ, NHNN đã bơm ra thị trường khoảng 194 nghìn tỷ đồng. Trong khi theo số liệu thống kê của BVSC, từ đầu năm đến nay, NHNN mới hút về tổng cộng 86.506 tỷ đồng, có nghĩa vẫn còn hơn 100 nghìn tỷ đồng đang nằm lại thị trường bổ sung thanh khoản cho các TCTD.

Vì đâu nên nỗi?

Vậy tại sao các ngân hàng vẫn chạy đua huy động vốn cho dù thanh khoản đang dư thừa? Tại sao lãi suất giảm mạnh trên thị trường liên ngân hàng không lan tỏa sang thị trường dân cư? Nguyên nhân nào khiến hai thị trường này không liên thông? Mang những băn khoăn này đến hỏi một chuyên gia ngân hàng, vị này gói gọn cả 3 câu hỏi trong một cầu trả lời ngắn gọn: "Thiếu vốn cục bộ" mà ở đây cụ thể là "vốn trung – dài hạn".

"Về lý thuyết, thị trường liên ngân hàng chỉ có vai trò như một kênh hỗ trợ khẩn cấp những nhu cầu vốn cấp bách cho các ngân hàng. Có nghĩa vốn trên thị trường liên ngân hàng là những nguồn vốn rất ngắn hạn. Việc lãi suất liên ngân hàng giảm cũng chỉ báo hiệu là các ngân hàng không thiếu, thậm chí còn đang dưa thừa nguồn vốn ngắn hạn", vị chuyên gia này phân tích.

Thế nhưng, cái thiếu của các ngân hàng lại là nguồn vốn trung – dài hạn, trong khi nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng chỉ có kỳ hạn rất ngắn nên không thể giải tỏa "cơn khát vốn" trung dài - hạn cho các nhà băng. Đó chính là lý do động thái tăng lãi suất của các ngân hàng trong thời gian gần đây chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn dài mà nguyên nhân chủ yếu là để tuân thủ quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của NHNN.

Đó cũng chính là lý do, dù lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, song lãi suất huy động vẫn neo cao. Thậm chí trong thời gian gần đây, lãi suất huy động có xu hướng giảm nhẹ đối với kỳ hạn dưới 12 tháng, do nguồn vốn ngắn hạn ở các ngân hàng khá dồi dào. Tuy nhiên, đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên có sự điều chỉnh trái chiều do phụ thuộc tình hình cân đối vốn để đáp ứng yêu cầu tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Trên thực tế, những ngân hàng đang có mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay đều là những ngân hàng có tỷ trọng tín dụng trung - dài hạn rất cao. Đơn cử như VIB, tại thời điểm cuối tháng 6/2019, tỷ trọng dư nợ trung- dài hạn của nhà băng nay lên tới 81,8%... Đây đều là các nhà băng có biểu lãi suất huy động rất hấp dẫn trên thị trường hiện nay.

Ngược lại, các NHTM Nhà nước như Vietcombank chỉ có tỷ trọng dư nợ cho vay trung – dài hạn ở mức 46,11%. Đó có thể là nguyên nhân khiến Vietcombank đang duy trì mức lãi suất huy động cao nhất có 6,8%/năm, thấp hơn tới 1,8 điểm phần trăm so với mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay.

Trong thời gian tới, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn sẽ không có nhiều biến động, thậm chí có thể giảm do nguồn vốn ngắn hạn trong hệ thống khá dồi dào do tác động của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD. Đối với kỳ hạn dài trên 12 tháng, lãi suất sẽ tiếp tục tăng nhẹ do các ngân hàng đang phải tái cơ cấu nguồn vốn, nhất là trong trường hợp dự thảo Thông tư về việc tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống chỉ còn 30% vào năm 2020 của NHNN được thông qua và có hiệu lực.

Theo Hà Anh

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên