MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải mã những số liệu việc làm khiến chứng khoán Mỹ tăng đột biến: Chưa từng có trong lịch sử

05-06-2020 - 22:51 PM | Tài chính quốc tế

Trái ngược với dự báo, số việc làm của Mỹ tăng lên 2,5 triệu trong tháng qua, mức tăng chưa từng được ghi nhận trong lịch sử nền kinh tế này.

Tâm lý lạc quan bao trùm khắp nước Mỹ

Được mô tả bằng cụm từ "đáng kinh ngạc", 2,5 triệu việc làm mới được tạo ra trong tháng 5, khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm xuống 13,3%. Con số mà Bộ Lao động Mỹ công bố tốt hơn rất nhiều so với dự báo của các chuyên gia kinh tế, những người lo sợ tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên mức cao nhất kể từ Đại suy thoái 1930 vì các biện pháp đóng cửa kinh tế để ngăn chặn Covid-19 lây lan.

Trước khi số liệu chính thức được công bố, khảo sát mà Dow Jones tiến hành với các nhà kinh tế cho thấy lượng việc làm sẽ giảm tới 8,33 triệu trong tháng 5, đưa con số thất nghiệp lên 19,5% so với mức 14,7% của tháng 4. Nếu những dự đoán này là chính xác, đây sẽ là những số liệu tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái.

Tuy nhiên, con số chính thức được công bố lại vẽ ra một bức tranh tươi sáng hơn rất nhiều. Trái ngược với lo sợ tụt xuống mức tệ nhất nhì lịch sử, những số liệu việc làm tháng 5 lại cho thấy một cú phục hồi chưa từng được ghi nhận ở nước Mỹ. 2,5 triệu việc làm phi nông nghiệp được tạo ra kéo theo tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 13,3% bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa Covid-19 lây lan.

Giải mã những số liệu việc làm khiến chứng khoán Mỹ tăng đột biến: Chưa từng có trong lịch sử - Ảnh 1.

Việc làm theo tháng của Mỹ tăng kỷ lục trong tháng 5/2020 sau khi giảm kỷ lục trong 1 tháng trước đó.

Scott Clemons, chiến lược gia trưởng tại Brown Brothers Harriman, nói rằng: "Nó cho thấy dường như việc đóng cửa nền kinh tế trên quy mô toàn quốc không nghiêm trọng hoặc kéo dài như những gì chúng ta lo sợ cách đây một tháng".

Như một điều đương nhiên, chứng khoán Mỹ đã phản ứng tích cực với những số liệu việc làm mà Bộ Lao động công bố. Dow Jones có lúc tăng gần 1.000 điểm để lần đầu tiên trở lại mốc 27.000 điểm sau những tháng sóng gió. Lợi suất trái phiếu chính phủ cũng cao hơn trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ tăng lên 0,91%.

Mức tăng việc làm trong tháng 5 được đánh dấu là lớn nhất theo tháng trong lịch sử nước Mỹ, ít nhất là từ khi số liệu này được thu thập năm 1939. Trước đó, tháng duy nhất có số lượng việc làm mới tăng hơn 1 triệu là tháng 9/1983. Con số khi đó chỉ là 1,1 triệu việc làm mới được tạo ra.

"Ngăn chặn được một làn sóng Covid-19 thứ 2, nền kinh tế Mỹ có thể thay đổi hoàn toàn. Bằng chứng chính là số việc làm mới đầy bất ngờ được công bố ngày hôm nay. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa thể biết chính xác bình thường mới sẽ có hình dạng như thế nào", Tony Bedikian, người đứng đầu lĩnh vực chứng khoán toàn cầu cảu Citizens Bank, cho biết.

Nước Mỹ tăng 2,5 triệu việc làm bằng cách nào?

Lý giải cho sự tăng trưởng việc làm đột biết trong tháng 5, người ta nhắc đến những người "thất nghiệp tạm thời" vì Covid-19 trong tháng 4 và những tháng trước đó. Việc đóng cửa nền kinh tế hoặc nỗi ám ảnh từ virus corona khiến nhiều người tạm thời mất việc bởi nơi họ làm bị đóng cửa hoặc không có khách. Khi nền kinh tế trở lại, những việc làm này được phục hồi vì không bị mất đi.

Những người làm trong lĩnh vực giải trí, khách sạn chiếm một nửa trong số việc làm được tạo ra trong tháng trước với 1,2 triệu người trở lại làm việc sau khi bị mất việc hồi tháng 4. Việc làm trong các quán bar và nhà hàng tăng 1,4 triệu khi các bang bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Xây dựng là công việc có mức tăng lớn tiếp theo với 464.000 việc làm mới, tương đương một nửa số người mất việc trong tháng 4. Y tế và giáo dục có 424.000 việc làm trong khi bán lẻ có thêm 368.000 việc làm mới sau khi giảm 2,3 triệu một tháng trước đó. Các loại dịch vụ khác tăng 272.000 nhờ bước nhảy vọt 182.000 việc làm trong lĩnh vực các dịch vụ cá nhân và giặt là.

Giải mã những số liệu việc làm khiến chứng khoán Mỹ tăng đột biến: Chưa từng có trong lịch sử - Ảnh 2.

Tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 ở Mỹ giảm xuống còn 13,3% từ mức 14,7% trong tháng 4.

"Có vẻ như các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh sớm hơn và với tốc độ lớn hơn dự kiến. Xu hướng này có thể tiếp tục khi các lệnh phong tỏa được gỡ bỏ trên toàn nước Mỹ. Phải nói rõ ràng rằng, những điều này còn cách rất xa so với bình thường của thị trường lao động. Tuy nhiên, nếu tốc độ cải thiện này được duy trì, chúng ta có nhiều lý do để hy vọng vào những con số lạc quan trong nửa cuối năm", Eric Winograd, chuyên gia kinh tế cấp cao tại AllianceBernstein, nhận định.

Trong nửa năm qua, nền kinh tế Mỹ đã chứng kiến những biến động lịch sử. Chỉ vài tháng sau khi nền kinh tế Mỹ tự hào mới mức thất nghiệp 3,5%, thấp nhất trong 50 năm, đại dịch Covid-19 ập đến và xóa sổ mọi thành tựu. Từ một nền kinh tế đang có cú tăng trưởng dài nhất lịch sử, nước Mỹ rơi vào tình cảnh bị phong tỏa để hạn chế virus lây lan.

Ở thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Gần 1,9 triệu người Mỹ được xác định mắc Covid-19 với 108.068 ca tử vong là con số khiến nền kinh tế này rúng động. Các cuộc biểu tình đòi công lý liên quan đến cái chết của một người đàn ông da màu đe dọa khiến dịch bệnh lây lan một cách phức tạp hơn tại Mỹ.

Dẫu vậy, trong những tuần gần đây, tất cả các bang đều đã bắt đầu mở cửa trở lại. Tuy nhiên, sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, nhất là khi chưa thể tìm ra vắc xin phòng chống Covid-19. Những bất ổn trong xã hội là lời nhắc với những thách thức mà nền kinh tế lớn nhất thế giới phải đối mặt khi cố gắng đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên