MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải mã những “vố ngã đau” của loạt ứng viên Cơ hội cho ai ra về tay trắng

21-12-2019 - 08:24 AM | Doanh nghiệp

Không hiểu được mục tiêu nghề nghiệp, đánh giá cao năng lực của bản thân, đưa mức lương không tương xứng với khả năng của mình… là những lý do khiến nhiều ứng viên Cơ hội cho ai không tìm được công việc như kỳ vọng.

Ứng viên non kinh nghiệm nhưng "trèo cao"

Ứng viên trẻ Phùng Thị Hồng Ngọc (22 tuổi) vừa tốt nghiệp Đại học ngành Kinh tế Luật nhưng lại chỉ muốn làm lễ tân. Mặc dù được sếp Lưu Nga (Elise) bênh vực rằng "chuyện học nhầm ngành là bình thường", Sếp Tiến (FPT) động viên "Công việc đầu tiên của tôi cũng chẳng biết lễ tân, trợ lý hay thư ký nữa. Công việc lễ tân giúp cho tôi rất nhiều" thì sếp Tuấn Hà (PETROSETCO) và sếp Thanh Hưng (CenGroup) lại tỏ ra không hài lòng và phê phán gay gắt.

Sếp Hưng bày tỏ: "Vị trí nào cũng đáng tôn trọng, nhưng việc được học hành, nhiều ưu đãi như bạn nhưng bạn có mục tiêu công việc của mình quá thấp là điều đáng tiếc". Sếp Hà cũng đánh giá thấp ứng viên này: "Bố mẹ đã mất rất nhiều tiền nong và tạo mọi điều kiện nhưng ra trường bạn không theo nghề, lại xin đi làm lễ tân. Tôi không đánh giá thấp nghề này, nhưng 4 năm tiền bạc, thời gian, đã được trang bị những kiến thức thì bạn nên nỗ lực. Vì bạn bỏ cuộc nên tôi bấm đèn đỏ ngay, tôi phê bình để cảnh tỉnh các bạn chứ không phải ác ý hay không thiện cảm".

Trước tình huống đó, Sếp Nga tâm lý bênh vực Hồng Ngọc và khuyên Sếp Hưng bật đèn xanh. Tuy nhiên, mức lương kỳ vọng mà Hồng Ngọc đưa ra là 9 triệu đồng, trong khi đó, mức lương mà Sếp Nga đề xuất chỉ là 7 triệu và sếp Hưng là 5 triệu đồng. Mức lương kỳ vọng không tương xứng với năng lực khiến Hồng Ngọc phải ra về tay trắng.

Chia sẻ sau chương trình, Hồng Ngọc bày tỏ sự hối hận vì không xác định được mục tiêu của bản thân: "Em cảm động, vì chị Nga rất tâm huyết với em. Mức lương em đưa ra không phù hợp với chị Nga thật đáng tiếc. Đề xuất của chị Nga và anh Hưng rất phù hợp với vị trí lễ tân hiện nay. Nếu được thể hiện lại phần trả lời các Sếp, em sẽ trình bày lại mục tiêu nghề nghiệp của mình".

Trường hợp Hồng Ngọc thất bại vì mục tiêu công việc không phù hợp với năng lực của bản thân cùng với mức lương kỳ vọng cao hơn đề xuất của các Sếp cũng là một bài học cho các bạn trẻ mới tập tành đi xin việc.

Trong khi đó, ứng viên Bùi Văn Dương sinh năm 1990, có 6 năm kinh nghiệm làm kinh doanh và đang làm cho một công ty Mỹ bất ngờ đưa ra mức lương kỳ vọng 50 triệu đồng, không khớp với bất kỳ Sếp nào và đành nói lời chia tay dù đã được nhiều Sếp bật đèn xanh.

Qua đó có thể thấy không phải cứ có kinh nghiệm và từng làm công ty nước ngoài thì các Sếp sẽ đề xuất lương cao. Sếp Hoàng Nam Tiến (FPT) nhắc nhở Văn Dương: "Bạn là người tự tin. Chúng tôi là người kinh nghiệm trong chuyện lương thưởng vì đó là công cụ kích thích các bạn phát triển tốt nhất. Khi bạn hòa nhập với mức lương vừa phải thì có lợi cho bạn hơn".

Giải mã những “vố ngã đau” của loạt ứng viên Cơ hội cho ai ra về tay trắng - Ảnh 1.

Ứng viên Bùi Văn Dương

Ứng viên ra về trắng tay dù dày dặn kinh nghiệm

Đó là câu chuyện của ứng viên Lê Văn Duẩn trong tập 12. Anh lặn lội từ Hà Nội vào TP.HCM ghi hình, với 11 năm kinh nghiệm làm Trưởng phòng và Giám đốc vẫn bị thất bại ngay ở vòng "đối mặt" trước Phạm Thị Nhung (7 năm kinh nghiệm làm công việc kinh doanh), với kết quả 1/7.

Tương tự trong tập 10 của chương trình, ứng viên Võ Xuân Vinh (39 tuổi) bị thất bại ở vòng chinh phục các Sếp, khi 6 đèn đỏ được bật lên sau thời gian trả lời chất vấn. Sếp Hưng hoài nghi về tuổi tác của nam ứng viên: "Bạn gần 40 rồi, tuổi này thông thường phải có vị trí vững chắc, nếu có chuyển việc thì cũng không phải do mình xin việc".

Nhận xét về ứng viên, vị Sếp nữ duy nhất của chương trình tiết lộ: "Ngay từ đầu tôi không chọn vì khi tôi đọc CV và nghe kỳ vọng của bạn khá khập khiễng. Hơn nữa, công ty tôi không có vị trí nào phù hợp với bạn. Lúc đầu, các Sếp còn lại chọn bạn nhưng vào vòng trong tất cả đều bật đèn đỏ không chọn. Kết quả này là cơ hội cho Vinh nhìn nhận lại mình. Đây cũng là lúc các Sếp nhắn nhủ các bạn trẻ rằng khi kỳ vọng được nhận ở vị trí nào đấy, mức lương nào đấy bạn phải thấy mình thật sự phù hợp. Nếu không, khi trả lời phỏng vấn, với tài năng và kinh nghiệm của các Sếp, các bạn rất khó thuyết phục các Sếp".

Nhận xét về phần thi của ứng viên Xuân Vinh, Sếp Nga cho rằng ứng viên chưa hiểu người chủ của mình lắm. Sức hút mạnh mẽ nhất đối với tất cả các doanh nghiệp là niềm đam mê và khát khao mà ứng mang đến cho doanh nghiệp đó, không phải là khó khăn, vướng mắc hay vấp váp mà họ đã trải qua.

Còn về phía ứng viên Xuân Vinh cũng đúc kết được nhiều kinh nghiệm sau chương trình: "Tôi trả lời theo thực tế của công ty tôi đã và đang vận hành, về phía các Sếp cần doanh thu, doanh số rất cao ở các tập Đoàn mình đang điều hành nên không khớp. Đó là điểm giữa tôi và các Sếp không có tiếng nói chung và không có cơ hội dành cho nhau. Tôi buồn nhưng vẫn tiếp tục giữ lửa... và tìm cơ hội khác".

Dưới góc nhìn của một chuyên gia về nhân sự, bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc toàn quốc dịch vụ tuyển dụng và tư vấn nhân sự Tập Đoàn ManPower Việt Nam cho biết: "Một ứng viên phù hợp với môt doanh nghiệp sẽ là một sự tổ hợp của nhiều yếu tố (bao gồm năng lực, kinh nghiệm, phong cách quản lý, động lực, chế độ phúc lợi, v.v). Vì vậy, việc một ứng viên chưa phù hợp với doanh nghiệp không nên quy về bất kỳ một yếu tố nào duy nhất. Trường hợp ứng viên Xuân Vinh, anh ấy 40 tuổi và chưa thành công trong việc thuyết phục các sếp, điều đó không có nghĩa việc anh ấy không thành công là do độ tuổi của anh. Không có bất cứ ứng viên nào hoàn hảo, sẽ có điểm A mạnh hơn hoặc điểm B cần nhiều cải thiện hơn. Vì vậy, nhà tuyển dụng - ở đây là các Sếp cũng sẽ nhìn nhận một bức tranh tổng quát cân nhắc giữa các yếu tố khác nhau.

Việc ứng viên có độ tuổi lớn, thì đồng nghĩa, họ sẽ có nhiều va chạm, kinh nghiệm trong cuộc sống, nếu ứng viên có thể làm sáng và chi tiết các điểm nổi bật này của mình (gián tiếp giải quyết các lo ngại của nhà tuyển dụng) thì chắc chắn các Sếp sẽ có sự đánh giá rất tốt và có thể trao mức lương cao. Vì lúc này, ứng viên được mời làm công việc để cống hiến những điểm mạnh của họ cho sự phát triển của doanh nghiệp, sẽ không mất nhiều thời gian cho đào tạo, huấn luyện".

Về vấn đề deal lương giữa các ứng viên và Sếp tại Cơ hội cho ai, bà Nguyễn Thu Trang nhận định: "Format chương trình đưa ra nhằm tạo sự kịch tính về việc trao đổi khung lương, cũng như các ứng viên cần cân nhắc việc đưa ra mức lương mong muốn phù hợp nhằm nắm bắt được các cơ hội từ các Sếp.

Tuy nhiên, chúng ta nên tôn trọng quyết định của ứng viên và nhà tuyển dụng khi đưa ra những đánh giá riêng của mình. Trong việc thương thảo, không tránh khỏi các đánh giá mang tính chủ quan, đó sẽ là bài học kinh nghiệm mà ứng viên cũng như nhà tuyển dụng cần lưu ý cho các lần thương thảo khác".

Tường Vy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên