MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Giải mã" Trumponomics - Bộ chính sách kinh tế được "xào nấu" bởi Tổng thống Trump

18-05-2017 - 08:00 AM | Tài chính quốc tế

Các nhân tố khác của Trumponomics đều là những công cụ quen thuộc trong chính sách trọng cung. Đó là giảm thiểu luật lệ và cải cách thuế - những chính sách quen thuộc từ thời Reagan.

“Nếu bạn muốn kiểm tra tính cách của 1 người, hãy cho anh ta quyền lực”. Đối với các phóng viên Economist, câu châm ngôn của Abraham Lincoln không thể chính xác hơn. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với tờ báo này kể từ khi nhậm chức và ngồi vào vị trí có thể coi là quyền lực nhất thế giới, Tổng thống Donald Trump dường như đã thay đổi rất nhiều. Những cố vấn thân cận – như Gary Cohn và Steve Mnuchin hay Jared Kushner, Reince Priebus, và Phó Tổng thống Mike Pence – đã thành công trong việc biến đổi vị Tổng thống từng có nhiều phát ngôn giật gân và hành động khó đoán thành một người tuân thủ lịch trình chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, khi nói về chính sách kinh tế, Donald Trump lại trở về với chính mình.

Cuộc phỏng vấn bắt đầu bằng câu hỏi “Liệu có tồn tại học thuyết kinh tế Trump - Trumponomics?” và Tổng thống Trump đã gật đầu đồng ý. “Điều này thực sự liên quan đến lòng tự tôn dân tộc, đến những thỏa thuận thương mại buộc phải công bằng”, ông nói.

Nhìn lại lịch sử thì đây là một ưu tiên khá kỳ lạ đối với 1 vị Tổng thống xuất thân từ đảng Cộng hòa. Nhưng ông Trump là trường hợp ngoại lệ. Đối với hầu hết các vấn đề, Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ thường xuyên đưa ra những phát ngôn trái ngược nhau. Nhưng từ trước đến nay, ông vẫn giữ vững niềm tin rằng các hiệp định thương mại mà Mỹ đang tham gia chỉ đem lại lợi ích cho các nước còn lại chứ không phải bản thân nước Mỹ.

Cảm giác nước Mỹ thất bại trên mặt trận thương mại của ông Trump cho thấy thói quen tận dụng mọi cơ hội và sự giận dữ ảnh hưởng đến suy nghĩ của Tổng thống Mỹ như thế nào. Gần 1 nửa thế kỷ qua, Donald Trump luôn tự nhận mình là bậc thầy về đàm phán. Phê phán kịch liệt những thỏa thuận thương mại mà những người tiền nhiệm đã đạt được là một phần của tính cách ấy. Bên cạnh đó, từ ký ức về những công trường xây dựng ở ngoại ô New York của người cha, ông Trump không chỉ hiểu thấu mà còn đồng cảm sâu sắc với thái độ phẫn uất trước toàn cầu hóa của tầng lớp trung lưu Mỹ.

Do đó, những lời chỉ trích nhằm vào các hiệp định thương mại mà ông Trump đưa ra khá xa vời thực tiễn kinh tế. Và mới đây nhất, ông đã bị thuyết phục về việc không rút Mỹ ra khỏi NAFTA – “quả bom” mà nhiều người lo ngại sẽ phát nổ vào ngày thứ 100 làm Tổng thống. Trong số các cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump, có lẽ chỉ duy nhất Peter Navarro và Stephen Bannon là những người tôn sùng chủ nghĩa bảo hộ. Bộ trưởng Tài chính Mnuchin và cố vấn kinh tế trưởng Cohn đều là cựu lãnh đạo ngân hàng đầu tư và là nằm trong nhóm những người ủng hộ toàn cầu hóa (dẫn đầu bởi con rể ông Trump, Jared Kushner).

Trumponomics gồm những gì?

Bỏ qua những yếu tố ồn ào, mục tiêu trọng tâm, rõ ràng nhất của Trumponomics là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi tranh cử, Trump hứa hẹn về mức tăng trưởng 5% mỗi năm. Nội các của ông đưa ra mức mục tiêu khiêm tốn hơn – 3%. Nhưng mục tiêu này sẽ khá khó nhằn nếu như tham vọng rút khỏi mọi hiệp định thương mại trở thành hiện thực. NAFTA đã giúp kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Mexico tăng gấp 10 lần, do đó 1 phiên bản hạn hẹp hơn của hiệp định này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ.

Các nhân tố khác của Trumponomics đều là những công cụ quen thuộc trong chính sách trọng cung. Đó là giảm thiểu luật lệ và cải cách thuế - những chính sách quen thuộc từ thời Reagan. Những chính sách này rất cần thiết, nhưng chúng phải được triển khai tốt. Theo thống kê, hiện nước Mỹ có 1,1 triệu điều luật được áp dụng trên toàn liên bang, tăng mạnh so với mức 400.000 của năm 1970. Sắc lệnh yêu cầu các cơ quan liên bang phải xóa bỏ 2 luật lệ tương ứng với mỗi luật lệ mới được ban hành là 1 động thái đáng hoan nghênh.

Tương tự, luật thuế hiện quá rắc rối, đến nỗi thống kê của ĐH George Washington cho thấy nước Mỹ có tới hơn 1 triệu người giúp kê khai thuế, nhiều hơn cả tổng số cảnh sát và lính cứu hỏa cộng lại. Tổng thống Trump hứa hẹn sẽ giảm mức thuế thu nhập cá nhân và hạ thuế đánh vào doanh nghiệp xuống còn 15%.

Yếu tố thứ tư của Trumponomics là đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo đó, ông Trump cam kết trong thời gian tới sẽ đầu tư từ 550 triệu đến 1.000 tỷ USD cho “đường xá, cầu cống, sân bay, hệ thống trung chuyển, bến cảng…”.

Cột trụ thứ năm là tăng cường hoặc cải cách luật nhập cư. Bản thân ông Trump cũng như đội ngũ của ông không gọi đây là chính sách kinh tế, nhưng rõ ràng chính sách này sẽ tác động rất mạnh đến nền kinh tế. Sắc lệnh nhập cư của ông Trump nhằm vào những người bị ảnh hưởng bởi chính sách hạn chế nhập cư và trục xuất lao động chưa có giấy phép dù họ chưa từng phạm tội lần nào sẽ tác động đến một nửa số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo giới phân tích, ở Trumponomics thiếu vắng những giải pháp nhằm giải quyết triệt để gốc rễ vấn đề. Tự động hóa chứ không phải sự cạnh tranh từ Trung Quốc là nguyên nhân lớn nhất khiến nhiều người Mỹ bị mất việc. Trong ngành bán lẻ, các xu hướng mới mà công nghệ đem lại sẽ tước đi việc làm của lao động tay nghề thấp chứ không phải mối đe dọa từ lao động nhập cư Mexico.

Ông Trump chưa bao giờ đề cập đến các biện pháp nâng cao trình độ mà hàng triệu người lao động Mỹ sẽ cần đến. Ông thường xuyên nhắc đến chuyện tạo thêm việc làm trong ngành sản xuất, nhưng thực ra chỉ có 8,5% lao động Mỹ làm việc trong ngành này. Tương tự, ông muốn hồi sinh ngành khai mỏ nhưng hiện nay số lao động trong các công ty sản xuất năng lượng mặt trời lớn gấp 2,5 lần. Tăng trưởng là tốt, nhưng dường như có sự lệch pha giữa Trumponomics và những yêu cầu của kinh tế Mỹ hiện nay.

Tương lai nào cho Trumponomics?

Trumponomics đang đi về đâu? Chỉ số S&P500 đã tăng trưởng 12% kể từ khi ông Trump thắng cử, cho thấy nhà đầu tư tin vào những lời hứa của ông và bỏ qua những lời phê phán của các chuyên gia kinh tế.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump đang mất đi quyền kiểm soát ở nhiều phần của kế hoạch phát triển kinh tế mà ông đã đặt ra. Chính sách cải cách thuế và đầu tư cho cơ sở hạ tầng phải được thông qua ở Quốc hội, tức cần sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng Dân chủ. Thế nhưng ông Trump đã không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để “tấn công” đảng Dân chủ, trong đó có người tiền nhiệm Barack Obama. Do đó không khó để hình dung các nghị sĩ đảng Dân chủ làm khó dễ khi các kế hoạch của Tổng thống được đưa ra thông qua ở Quốc hội, đồng thời ông Trump cũng không hề có thái độ sẵn sàng thuyết phục đảng đối lập.

Thu Hương

The Economist

Trở lên trên