Giải mật tài liệu CIA: Biến các nhà ngoại cảm thành gián điệp chính phủ
Trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã thử nghiệm trên những người có khả năng huyền bí nhằm nỗ lực mở khóa thông tin tuyệt mật về các mục tiêu nước ngoài.
- 01-04-2024Hé lộ thân thế "đáng giật mình" của siêu cẩu 1.000 tấn đang dọn dẹp “thảm hoạ” Baltimore: Vũ khí bí mật của CIA, ra đời để góp phần trục vớt xác tàu ngầm Liên Xô
- 11-02-2024CIA sử dụng động vật cho các chiến dịch do thám tuyệt mật như thế nào?
- 24-01-2024Nga bình luận về video chiêu mộ điệp viên hai mang của CIA
- 29-11-2023CIA đã thu hồi được 2 UFO còn nguyên vẹn
Năm 1972, nghệ sĩ và nhà ngoại cảm người Mỹ Ingo Swann chỉ trong vài giây đã thay đổi được từ trường bên trong một thùng chân không được che chắn dày đặt dưới lòng đất. Swann không dùng đến bất kỳ công cụ, thiết bị gì, chỉ nghĩ về việc thay đổi từ trường.
Khi chứng kiến từ kế (thiết bị đo từ trường) từ từ thay đổi kết quả hiển thị, ông Harold Puthoff, một nhà vật lý của Viện nghiên cứu Stanford, đã há hốc miệng vì kinh ngạc.
Không có lời giải thích vật lý nào cho việc thay đổi đó. Và ngay khi Puthoff yêu cầu Swann ngừng nghĩ về từ kế, những thay đổi không giải thích được trong từ trường đột ngột dừng lại.
Ngoại cảm
Nhà ngoại cảm là người tuyên bố sử dụng sức mạnh bắt nguồn từ cận tâm lý học như nhận thức ngoại cảm (ESP) để xác định thông tin ẩn giấu khỏi các giác quan bình thường, đặc biệt liên quan đến thần giao cách cảm hoặc khả năng thấu thị , hoặc người thực hiện các hành vi dường như không thể giải thích được theo quy luật tự nhiên, như tác động lên sự vật mà không có sự tương tác vật lý (di chuyển đồ vật, khiến nó bay lơ lửng… bằng ý nghĩ) hoặc dịch chuyển tức thời.
Thử nghiệm “ thiên lý nhãn ”
“Những hiện tượng này là có thật. Hiện tượng ngoại cảm là có thật”, TS Dean Radin, trưởng khoa học gia tại Viện Khoa học Trí tuệ có trụ sở tại bang California (Mỹ), nói với Popular Mechanics .
Ông đã nghiên cứu cận tâm lý học (nghiên cứu về các sự kiện ngoại cảm), trong bốn thập kỷ qua. Và vào đầu những năm 1970 (giữa thời kỳ Chiến tranh Lạnh), Chính phủ Mỹ đã đồng ý với các cuộc thử nghiệm.
Vào thời điểm Puthoff và đồng nghiệp Russel Targ, một nhà vật lý khác tại Viện Nghiên cứu Stanford (nay gọi là SRI International), trình bày kết quả của họ tại một cuộc họp quốc tế về vật lý lượng tử và cận tâm lý học, CIA bắt đầu hợp tác với SRI để thực hiện các nghiên cứu tuyệt mật về các hiện tượng huyền bí, chủ yếu là thấu thị , “thiên lý nhãn” (nhìn xa ngàn dặm) để thu thập thông tin tình báo .
Thấu thị, hay “thiên lý nhãn”, là một loại nhận thức ngoại cảm liên quan việc sử dụng tâm trí để “nhìn thấy” hoặc điều khiển vật thể, con người, sự kiện ở xa hoặc thông tin bị ẩn khỏi tầm nhìn vật lý.
Vào giữa những năm 1980, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) đã tiếp quản chương trình này và gọi nó là “Stargate”.
DIA có ba mục tiêu chính cho nghiên cứu của mình: Xác định cách áp dụng chế độ xem từ xa để thu thập thông tin tình báo chống lại các mục tiêu nước ngoài; Tìm hiểu xem các quốc gia khác có thể làm điều tương tự và sử dụng nó để chống lại Mỹ như thế nào; Thực hiện các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm để tìm cách cải thiện khả năng xem từ xa nhằm sử dụng trong lĩnh vực tình báo.
Chương trình này gần như tuyệt mật. Radin, người từng là nhà khoa học đến thăm chương trình Stargate, cho biết nhân viên an ninh hai tuần một lần thông báo cho ông và các đồng nghiệp của ông về tính nhạy cảm đáng kinh ngạc của công việc bí mật này, và hỏi họ xem họ có lý do gì để tin rằng có ai đó bên ngoài dự án biết bất cứ điều gì về nó.
“Về cơ bản, bạn phải trở thành một kẻ hoang tưởng chuyên nghiệp. Tôi cảm thấy rất khó chịu”, Radin nói. Ông nhớ là đã hỏi một trong những người giám sát của mình rằng điều gì sẽ xảy ra nếu họ có một bước đột phá, như chế ra một loại thuốc có thể khiến ai đó trở nên siêu ngoại cảm.
Câu trả lời có ngay lập tức. “Nó sẽ biến mất và bạn sẽ không bao giờ có thể nói về nó nữa, điều này trái ngược với toàn bộ quá trình khoa học, nhưng tôi cũng hiểu tại sao”, Radin kể. Bất kỳ vũ khí hoặc công cụ tình báo nào được phát triển dưới thời Stargate có lẽ đều quá giá trị và quá nguy hiểm khi được công bố rộng rãi.
-Thần giao cách cảm (telepathy): khả năng giao lưu ý nghĩ giữa những người không giao tiếp với nhau, không nhìn thấy nhau.
-Tiên tri (precognition): khả năng biết trước các việc xảy ra trong tương lai.
-Hậu tri (retrocognition): khả năng giải đoán quá khứ.
-Thấu thị (clairvoyance): khả năng nhìn thấy các vật ngoài tầm mắt hay bị che khuất.
-Tâm vận (psychokinesis): khả năng dùng năng lực tâm linh để di chuyển các vật thể.
CIA tiếp quản
DIA tiếp tục dự án cho đến giữa những năm 1990, khi CIA bắt đầu giải mật các tài liệu về nghiên cứu “thiên lý nhãn” để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá bên ngoài về dự án, và DIA nhanh chóng làm theo.
Tháng 6/1995, CIA yêu cầu Viện Nghiên cứu Mỹ - AIR (một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại bang Virginia có nhiệm vụ đánh giá và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong nghiên cứu khoa học xã hội và hành vi) tiến hành đánh giá bên ngoài về chương trình Stargate.
Để trình bày một đánh giá cân bằng về độ tin cậy khoa học của chương trình, AIR đã yêu cầu hai nhà nghiên cứu có quan điểm trái ngược nhau về cận tâm lý học viết báo cáo: TS Jessica Utts - một nhà thống kê tài năng và hiện là giáo sư danh dự tại Đại học California, người coi cận tâm lý học là một ngành khoa học đầy hứa hẹn; và TS Ray Hyman - một nhà tâm lý học nổi tiếng và hiện là giáo sư danh dự tại Đại học Oregon, một người nổi tiếng hoài nghi về cận tâm lý học.
Bà Utts kể với Popular Mechanics : “Họ gửi cho chúng tôi những chiếc hộp chứa đầy báo cáo và giấy tờ và nói với chúng tôi rằng chúng tôi có một mùa hè để viết báo cáo này”. Bà và TS Hyman đã xem xét riêng hàng chục thí nghiệm của Stargate đồng thời tính đến dữ liệu từ cộng đồng khoa học rộng lớn hơn vào thời điểm đó.
Siêu năng lực của con người hay sai sót của các thử nghiệm?
Kết luận cá nhân của người đánh giá đúng như mong đợi. TS Utts nhận thấy số liệu thống kê thuyết phục và tin rằng các nghiên cứu này cung cấp bằng chứng mạnh mẽ cho thấy “thiên lý nhãn” là khả năng của con người.
Một trong những điều bà thấy thuyết phục nhất là kết quả các nghiên cứu ở các phòng thí nghiệm khác nhau đều rất giống nhau. “Và tất cả đều có ý nghĩa thống kê, vì vậy thật khó để giải thích điều đó là do ngẫu nhiên, hay gian lận, hay trùng hợp ngẫu nhiên, hay may mắn”, bà nói.
Ở mức độ đó, TS Hyman đồng ý với TS Utts, nhưng điều đó không đủ để thuyết phục ông rằng việc xem từ xa là có thật. TS Hyman đã tìm thấy những gì ông cho là sai sót tiềm ẩn trong các phương pháp thử nghiệm, như sử dụng cùng một người để đánh giá khả năng ngoại cảm trong mỗi thử nghiệm và xác định rằng kết quả thử nghiệm không đủ nhất quán với các thử nghiệm bên ngoài chương trình.
Tuy nhiên, TS Hyman viết trong báo cáo cuối cùng: “Trường hợp hoạt động ngoại cảm có vẻ tốt hơn bao giờ hết. Những phát hiện hiện tại cùng với kết quả của chương trình [Stargate] dường như chỉ ra rằng có điều gì đó ngoài những vấn đề thống kê kỳ lạ đang diễn ra”.
Bất chấp những gì có thể được coi là một đánh giá lạc quan, chương trình Stargate không còn tồn tại và theo như nhiều người biết, Chính phủ Mỹ đã không tiếp tục nghiên cứu như vậy. TS Utts nói: “Tôi rất tiếc vì nó đã kết thúc vì tôi thực sự nghĩ rằng còn nhiều điều nữa cần được khám phá ở đó”.
Nhưng có lẽ Stargate vẫn chưa kết thúc, có lẽ dự án vẫn thuộc hàng tuyệt mật, chỉ có nhà ngoại cảm thực sự mới biết.
Nhận thức ngoại cảm hay còn gọi là giác quan thứ sáu là khả năng siêu thường của con người tiếp nhận không dựa vào năm giác quan thông thường mà bằng ý nghĩ. Thuật ngữ này đã được nhà tâm lý học J. B. Rhine (Đại học Duke, Mỹ) áp dụng để biểu thị các khả năng tâm linh như trực giác, thần giao cách cảm, thấu thị… và hoạt động xuyên thời gian của chúng như tiên tri và hậu tri.
Các nghiên cứu về khả năng ngoại cảm thuộc về ngành siêu tâm lý học thường bị cộng đồng khoa học thế giới liệt vào giả khoa học và sự tin tưởng cực đoan vào năng lực ngoại cảm được xem là mê tín dị đoan.
Tiền Phong