Giải ngân vốn đầu tư công thấp: Cắt vốn, xử lý trách nhiệm
Với hàng loạt giải pháp quyết liệt từ Chính phủ, theo Bộ Tài chính, ước 9 tháng đầu năm nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 48%. Tuy nhiên, cả nước vẫn còn hơn 30 bộ, ngành và địa phương giải ngân vốn đầu tư công dưới 30% kế hoạch. Bộ Tài chính đề xuất cắt vốn với dự án chưa giải ngân đồng nào...
- 01-10-2023Vì sao Bộ Nông nghiệp 9 lần điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công?
- 30-09-2023Bộ Kế hoạch Đầu tư báo tin mừng về đầu tư công
- 29-09-2023Đề xuất cắt vốn dự án đầu tư công đang 'bất động'
Năm gần hết, vẫn “giậm chân tại chỗ”
Nền kinh tế khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những động lực góp phần tăng trưởng. Giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% sẽ giúp tăng trưởng kinh tế tăng 0,06%. Tuy nhiên, hết 9 tháng đầu năm 2023, dù được giao hàng chục tỷ đồng vốn đầu tư công nhưng có nhiều đơn vị vẫn “giậm chân tại chỗ”, chưa giải ngân được đồng nào, ví dụ như Kiểm toán Nhà nước và Tổng Công ty Thuốc lá...
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước có khoản vốn đầu tư công gần 24.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, ước tính hết tháng 9/2023, đơn vị này mới giải ngân được 388 tỷ đồng, tương đương 1,62% kế hoạch. Trong khi đó, kể từ đầu năm tới nay, người dân, doanh nghiệp mong ngóng giảm lãi suất để vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhiều bộ, ngành, đơn vị giải ngân dưới 10% lượng vốn như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Thông tin Truyền thông, Đại học Quốc gia Hà Nội…
Tại công điện mới đây về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương: Có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; Thay thế kịp thời cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.
Là một trong những đơn vị “đốc thúc” giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên, Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT đều nằm trong top giải ngân dưới 30%. Trong đó, Bộ Tài chính chỉ giải ngân đạt 3,8% và Bộ KH&ĐT 12,2%. Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân giải ngân chậm là vốn mới được phân bổ theo kế hoạch. Bên cạnh đó, dự án đầu tư công của Bộ Tài chính liên quan tới hệ thống công nghệ thông tin nên công tác chuẩn bị như đấu thầu tốn nhiều thời gian so với dự án khác.
Có tốc độ giải ngân nhanh hơn so với bộ, ngành nhưng cả nước còn 2 địa phương giải ngân dưới 30% gồm: Hòa Bình và Cao Bằng. Theo Sở KH&ĐT Hòa Bình, nguyên nhân chậm giải ngân là: Dự án chậm hoàn thành thủ tục đầu tư, chậm thực hiện thủ tục đấu thầu và lựa chọn nhà thầu; Vướng mắc trong thương thảo, ký kết phụ lục hợp đồng. Một số dự án gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Phương án bồi thường còn chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành...
Tại Cao Bằng, một số dự án giao thông gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu, nguồn đất đắp cho công trình, vị trí đổ đất, đá thải. Tiêu biểu như: Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 205; Dự án cải tạo, nâng cấp đường từ thị trấn Xuân Hòa - thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng; Dự án cải tạo, nâng cấp đường Chu Trinh (Thành phố) - Hồng Nam (Hòa An); Dự án nâng cấp, cải tạo đường Nà Pồng - Đức Hạnh (Bảo Lâm).
Đề xuất cắt vốn dự án đầu tư “bất động”
Dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao hơn năm trước nhưng cả nước vẫn còn 298 dự án ở 57 địa phương giải ngân đạt dưới 10%. Đặc biệt, có tới 109 dự án tại 41 địa phương chưa giải ngân đồng nào. Trước thực tế trên, Bộ Tài chính đề xuất, cắt giảm vốn đã bố trí cho dự án đến ngày 30/10 chưa giải ngân. Theo Bộ Tài chính, bộ, ngành, địa phương phải đánh giá, kiểm điểm trách nhiệm trong việc giảm kế hoạch vốn, rút kinh nghiệm trong xây dựng kế hoạch 2024 đảm bảo sát với khả năng thực hiện. Tổ công tác tại bộ, cơ quan trung ương và địa phương kiểm tra, đôn đốc tiến độ theo tuần để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, dự án chưa giải ngân do khâu chuẩn bị dự án, lập kế hoạch chưa tốt. Chủ đầu tư chỉ có khả năng hấp thụ một phần vốn nhưng cơ quan chức năng giao tới 10 phần, dẫn đến chậm giải ngân.
“Không giải ngân được vốn đầu tư công chứng tỏ việc phân bổ vốn đầu tư và năng lực của địa phương có vấn đề. Cùng một quy định chung, có địa phương giải ngân đạt tỷ lệ cao, tại sao có địa phương chậm giải ngân. Dự án không giải ngân được cần kiên quyết cắt vốn, xử lý trách nhiệm người đứng đầu như chỉ đạo của Thủ tướng”, đại diện Vụ Đầu tư cho biết.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tổng vốn đầu tư công năm 2023 hơn 700 nghìn tỷ đồng, cao hơn nhiều so với các năm trước nên cũng tạo sức ép với bộ, ngành trong giải ngân vốn. Các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp hơn mức trung bình của cả nước một phần do tâm lý sợ trách nhiệm, không dám quyết, không dám làm. Theo ông Việt, dù nhìn thấy điều này từ cuối năm 2022 nhưng tới nay, cơ quan chức năng mới xây dựng dự thảo nghị định để giải tỏa tâm lý sợ trách nhiệm của cán bộ thực thi. “Nhiều quy định trong đấu thầu, triển khai dự án đầu tư công, vốn ODA phức tạp đã góp phần khiến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khách quan khiến chậm giải ngân vốn đầu tư công như: thiếu hụt nguyên vật liệu, nhiều dự án luật sửa đổi và thay đổi quy hoạch ảnh hưởng tới chi tiêu công”, ông Việt cho biết.
Để đẩy nhanh vốn đầu tư công, TS Việt đề xuất, cơ quan chức năng cần: Tháo gỡ nút thắt thiếu vật liệu đắp nền đường dự án cao tốc trên cả nước; Mạnh dạn điều chuyển, dồn vốn cho những dự án sẵn sàng tiếp nhận, nhằm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành để đưa vào khai thác. Cơ quan chức năng cũng cần điều chỉnh kịp thời đơn giá, định mức đầu vào của dự án để hỗ trợ nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án.
Tiền phong