MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải ngân vốn đầu tư: Đồng Nai khắc phục “đầu năm thong thả, cuối năm tăng tốc"

04-01-2024 - 13:52 PM | Bất động sản

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, các tháng đầu và giữa năm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thực hiện rất thong thả, nhẹ nhàng, nhưng những tháng cuối năm lại chạy đua với tiến độ, nên cần phải xây dựng tiến độ giải ngân theo từng quý


Là một tỉnh công nghiệp nằm trong địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, năm 2023, Đồng Nai phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt như kỳ vọng. Bước sang năm 2024, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đưa ra những yêu cầu ngay từ đầu năm để các đơn vị trong tỉnh tập trung thực hiện.

Thiếu quyết liệt từ đầu năm

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt hơn 73% kế hoạch. Tính theo chỉ tiêu kế hoạch vốn của Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt hơn 90%, nằm trong nhóm có tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước. Theo ông Nguyên, bên cạnh những khó khăn về mặt bằng, cơ chế, chính sách, còn có nguyên nhân các đơn vị, chủ đầu tư chưa quyết liệt thực hiện giải ngân vốn ngay từ thời điểm đầu năm mà chỉ thực sự tăng tốc vào thời điểm cuối năm.

Giải ngân vốn đầu tư: Đồng Nai khắc phục “đầu năm thong thả, cuối năm tăng tốc" - Ảnh 1.

Nhiều dự án hạ tầng trọng điểm qua Đồng Nai chậm tiến độ - Ảnh: Duy Phương

“Các tháng đầu và giữa năm tiến độ giải ngân thực hiện rất thong thả, nhẹ nhàng, nhưng những tháng cuối năm lại chạy đua với tiến độ. Do đó cần phải xây dựng tiến độ giải ngân theo từng quý. Đặc biệt là quý III, hết tháng 9 phải giải ngân ít nhất 60%”, ông Nguyên đưa ra yêu cầu.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng với khu vực Đông Nam Bộ và cả nước như sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và đường Vành đai 3 TP.HCM. Việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp phản ánh tiến độ và hiệu quả thực hiện các dự án này.

Ngoài việc giải ngân vốn đầu tư công thấp, nhiều nội dung trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng gặp tình trạng chậm chạp. Năm 2023, trong số 31 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thì có 8 chỉ tiêu không đạt. Trong đó, có những chỉ tiêu quan trọng như: tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ đạt 5,3% so với mục tiêu là từ 7,5-8,5%; kim ngạch xuất khẩu giảm 11,73% (mục tiêu tăng 8-8,5%); tổng thu ngân sách 58.035 tỷ đồng, trong khi kế hoạch là 65.865 tỷ đồng.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu

Ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, có một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các chỉ tiêu không đạt, như thái độ làm việc một bộ phận cán bộ công chức cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm; thiếu quỹ đất khu công nghiệp có diện tích lớn. Cùng với đó, việc triển khai chương trình nhà ở xã hội chưa khởi công được dự án mới; tình hình lao động việc làm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là lao động có trình độ thấp, thiếu chuyên môn…

Bước sang năm 2024, ông Đức yêu cầu các đơn vị trong tỉnh xác định việc triển khai dự án trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đặc biệt, gắn trách nhiệm cho người đứng đầu trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

“Đồng Nai nỗ lực cao nhất ngay từ đầu năm để đạt tỷ lệ giải ngân ở mức cao nhất. Tránh tình trạng như năm 2023, đến tháng 11 tỷ lệ giải ngân mới đạt 37,8% nhưng trong tháng 12 đã giải ngân bằng 11 tháng”, ông Đức cho biết.

Theo ông Hồ Thanh Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai, tỉnh còn những hạn chế, có mặt còn yếu trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tăng trưởng kinh tế chưa thật sự bền vững; một số dự án trọng điểm triển khai còn chậm, nhiều vướng mắc trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng; quản lý đất đai, môi trường còn nhiều hạn chế.

Giải ngân vốn đầu tư: Đồng Nai khắc phục “đầu năm thong thả, cuối năm tăng tốc" - Ảnh 2.

Đồng Nai nỗ lực giải ngân đầu tư công các dự án trọng điểm - Ảnh: Duy Phương

Ông Sơn đề nghị, năm 2024, ngành chức năng tỉnh Đồng Nai phân bổ vốn đầu tư công một cách khoa học, có tính khả thi cao. Các đơn vị triệt để chỉ phân bổ vốn cho những dự án có ít nhất 75% mặt bằng sạch, tuyệt đối không bố trí vốn cho các dự án chưa có đất sạch.

“Những chủ đầu tư, huyện, thị nào còn nói vướng mắc về đền bù giải tỏa, không được bố trí vốn, không đẩy nhanh vừa đền bù giải tỏa vừa xây lắp… thì đồng chí Bí thư cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy”, ông Sơn chỉ ra.

Nhằm cụ thể hóa quyết tâm chính trị, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ban hành 8 chỉ thị ngay từ đầu năm 2024 để giải quyết những bất cập, vướng mắc trong năm 2023. Đây mới là bước đầu, việc quan trọng là mỗi cán bộ, mỗi đơn vị trong tỉnh phải nỗ lực thực hiện để sớm đưa Đồng Nai trở lại vị thế, lấy lại “phong độ”.

Theo Duy Phương

VOV

Trở lên trên