MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Giải ngố" về đường cong lợi suất - thứ khiến thị trường lao dốc trong phiên vừa qua

15-08-2019 - 12:31 PM | Tài chính quốc tế

Đường cong lợi suất đảo ngược sẽ là chỉ báo đáng tin cậy cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, giống như những gì đã xảy ra trong năm 2007.

Nếu bạn đang tự hỏi đường cong lợi suất là gì và tại sao việc nó thay đổi hình dạng lại khiến thị trường tài chính ở cả hai bờ Đại Tây Dương "dậy sóng" thì cũng đừng lo lắng bởi bạn không hề cô đơn. Từ đầu năm đến nay, lượng tìm kiếm trên Google về "đường cong lợi suất đảo ngược" đã tăng vọt lên mức cao nhất từ trước đến nay.

1. Đường cong lợi suất là gì?

Đó là 1 cách để thể hiện sự khác biệt giữa phần thưởng mà các nhà đầu tư có được khi chọn mua các trái phiếu ngắn hạn so với dài hạn. Thông thường thì thời gian đáo hạn càng dài thì rủi ro sẽ càng tăng lên, dẫn đến lợi suất càng cao và do đó đường cong lợi suất sẽ có chiều hướng đi lên.

2. Đường cong lợi suất đảo ngược là gì?

Một đường cong lợi suất sẽ đi ngang nếu như chênh lệch giữa trái phiếu dài hạn và ngắn hạn (ví dụ như loại kỳ hạn 30 năm và kỳ hạn 2 năm) giảm xuống bằng 0. Còn nếu mức chênh lệch bị âm, khi đó đường cong lợi suất bị đảo ngược.

3. Tại sao đường cong lợi suất lại quan trọng?

Lịch sử cho thấy đường cong lợi suất phản ánh khá chính xác cảm nhận của thị trường về nền kinh tế, đặc biệt là lạm phát. Các nhà đầu tư nghĩ rằng lạm phát sẽ tăng thì sẽ đòi hỏi mức lợi suất cao hơn để bù đắp. Bởi vì lạm phát thường đi kèm với tăng trưởng kinh tế khỏe mạnh, 1 đường cong lợi suất dốc lên sẽ có nghĩa là nhà đầu tư lạc quan về tương lai.

Ngược lại, đường cong lợi suất đảo ngược sẽ là chỉ báo đáng tin cậy cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, giống như những gì đã xảy ra trong năm 2007. Đặc biệt, mức chênh lệch giữa trái phiếu 3 tháng và trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm luôn đảo ngược trước 7 cuộc suy thoái mới nhất của kinh tế Mỹ.

4. Điều gì đang diễn ra?

Kể từ cuối năm 2018, thị trường đã lo ngại về nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái mà một phần nguyên nhân xuất phát từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính những dấu hiệu này cũng đã khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải ngừng theo đuổi lộ trình tăng lãi suất và sau đó là hạ lãi suất vào tháng trước.

Tuy nhiên, Fed cũng phát đi tín hiệu cho rằng lần hạ lãi suất này không nhất thiết phải là khởi đầu của 1 chu kỳ cắt giảm lãi suất. Tín hiệu này khiến lợi suất trái phiếu ngắn hạn bị neo lại, trong khi những nỗi lo về sức khỏe nền kinh tế lại khiến nhà đầu tư đổ xô đi tìm tài sản an toàn mà trái phiếu dài hạn là 1 bến đỗ. Do đó trái phiếu 10 năm của Mỹ tăng giá, đẩy lợi suất rơi xuống mức thấp hơn cả trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Lợi suất của loại kỳ hạn 30 năm thì chạm đáy kỷ lục.

Ở Anh, điều tương tự cũng diễn ra. Còn ở Đức, đường cong lợi suất đang ở trạng thái tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên