MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải Oscar bị trao nhầm do lỗi của... công ty kiểm toán PwC

28-02-2017 - 09:39 AM | Tài chính quốc tế

PricewaterhouseCoopers LLP (PwC), một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, vừa lên tiếng xin lỗi sau sự cố trao nhầm giải Oscar cho bộ phim hay nhất. PwC đứng sau thành công của giải Oscar trong suốt 83 năm qua.

Từ năm 1935, PwC đã tranh thủ ánh đèn sân khấu trong lễ trao giải Oscar để đánh bóng cho hình ảnh của mình, không chỉ trong giới kinh doanh ở Hollywood mà còn trên khắp thế giới. Tuy nhiên, một sự cố nghiêm trọng vừa xảy ra trong Lễ trao giải Oscar lần thứ 89, khi người dẫn xướng tên bộ phim “La La Land” cho giải Bộ phim hay nhất trong khi “Moonlight” mới là cái tên được chọn.

Trong tuyên bố chính thức sau lời xin lỗi, Caroline Nolan, người phát ngôn của PwC, cho biết: “Chúng tôi đang điều tra xem tại sao sự cố này có thể xảy ra. Chúng tôi cũng vô cùng lấy làm tiếc về việc này”.

Sự cố trong chương trình được truyền hình trực tiếp với hàng triệu khán giả là bê bối tồi tệ bậc nhất của Oscar. Nó cũng là điều tồi tệ không kém với PwC. Thay vì đánh bóng tên tuổi, tai tiếng từ vụ việc có thể trở thành cú tát mạnh vào uy tín của công ty kiểm toán nằm trong top 4 toàn cầu, vốn đòi hỏi sự chính xác tối đa.

Để có cái nhìn đầy đủ về tác hại của sự cố công bố nhầm tên giải Oscar với PwC, cần nhìn lại quá khứ. Năm 1929, uy tín của giải Oscar bị đe dọa nghiêm trọng bởi nguy cơ gian lận trong quá trình bỏ phiếu. Chính vì thế, người ta nghĩ tới việc mời đơn vị kiểm toán độc lập tham gia kiểm phiếu, nhằm đảm bảo kết quả cuối cùng hoàn toàn chính xác.

Kể từ đó, PwC được giao trọng trách thu thập và đếm phiếu. Thậm chí, hai quản lý cấp cao của PwC cùng tiến hành việc giám sát một cách riêng biệt. Mỗi lần công bố một hạng mục, họ trao cho người công bố phong bì có tên người chiến thắng. Tuy nhiên, dường như phong bì cho bộ phim hay nhất đã bị nhầm với chiếc chứa kết quả bình chọn nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.

Hai quản lý cấp cao của PwC được giao trọng trách tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 89 là Martha L. Ruiz, người từng 10 năm làm việc sau hậu trường các lễ trao giải Oscar và Brian Cullinan với 3 năm kinh nghiệm. Họ cũng chính là những người đưa bì thư chứa kết quả cho người dẫn chương trình khi họ bước lên sân khấu.

Ngay sau sự việc, PwC đã lên tiếng xin lỗi hai đoàn làm phim, những người công bố kết quả cũng như khán giả của chương trình. Tuy nhiên, lời xin lỗi dường như chưa đủ. Sai lầm của PwC đã phần nào phá hỏng đêm đột phá của bộ phim “Moonlight” trong bối cảnh Hollywood bị cáo buộc phân biệt chủng tộc.

Các nhà phê bình ca ngợi “Moonlight” là bộ phim đa sắc tộc xuất sắc, đầy xúc động và tinh tế. Nó khai thác đề tài xung đột xã hội và sắc tộc của người da màu Mỹ thông qua từng giai đoạn trong cuộc đời Chiron. Thậm chí, Moonlight còn được coi là một trong những phim đồng tính xuất sắc trong lịch sử điện ảnh.

Tỷ mỷ như làm tượng vàng Oscar: Mất 3 tháng để tạo ra 50 bức tượng

Linh Anh

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên