MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải pháp cấp bách để chặn đà doanh nghiệp rút khỏi thị trường

Thông thường quý I hàng năm, số doanh nghiệp thành lập mới và tái hoạt động luôn cao hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Tuy nhiên theo Tổng cục Thống kê (TCTK), do khó khăn kéo dài, quý I/2023, có tới hơn 60.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, cao hơn nhiều số doanh nghiệp được thành lập.

Giải pháp cấp bách để chặn đà doanh nghiệp rút khỏi thị trường - Ảnh 1.

Xuất nhập khẩu hàng hóa giảm những tháng đầu năm 2023. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Tăng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường

Đại diện TCTK cho biết: Trong 3 tháng đầu năm nay, có 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chiếm 71,7% là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn.

Cụ thể: Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 42.858 doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2022; số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 12.766 doanh nghiệp, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp giải thể là 4.617 doanh nghiệp, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết: Đối với lĩnh vực xây dựng, quý I/2023 thường có tỷ lệ thực hiện thấp hơn các quý khác, nhưng trung bình mọi năm đạt khoảng 18 - 20%. Năm nay, có doanh nghiệp cho biết, từ đầu năm chưa có dự án nào. “Hiện diễn ra tình trạng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đề nghị thanh toán cho doanh nghiệp xây dựng bằng sản phẩm do không có tiền mặt. Đây là vấn đề chưa có tiền lệ vì nhiều sản phẩm bất động sản chưa đủ cơ sở pháp lý, không nhận thì lo mất, nhận thì chưa biết xử lý thế nào? Phần lớn doanh nghiệp xây dựng đi vay để thực hiện dự án, giờ không có dòng tiền nên rất lao đao”, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết.

Hàng ngàn doanh nghiệp ở phía Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ không được hoạt động do không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy. Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) than thở: “Chỉ trong vòng 18 tháng, có tới 3 văn bản, trong đó có 2 Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Có doanh nghiệp chia sẻ, họ đang đầu tư theo phương án cũ, giờ lại phải thẩm định, nghiệm thu theo phương án mới mà không có hướng dẫn chuyển tiếp, khiến cả doanh nghiệp cũng như cán bộ thẩm tra bị mắc kẹt”. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp còn lúng túng về Thông tư liên quan đến phòng cháy chữa cháy quy định về vật liệu sơn chống cháy do hiện trên thị trường Việt Nam chưa có loại sơn chống cháy như quy định.

“Thông thường, doanh nghiệp thành lập mới bao giờ cũng nhiều hơn doanh nghiệp đóng cửa khoảng 1,7 - 1,9 lần tùy từng giai đoạn. Tuy nhiên quý I/2023 lại chứng minh điều ngược lại. Đây là điều bất thường, điều này cho thấy rủi ro và thách thức đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rất lớn”, TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết.

Nguyên nhân được nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra là do thế giới cũng như Việt Nam đã trải qua những khó khăn, thách thức rất lớn trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt khi xuất hiện COVID-19 đã gây ra sự đứt gãy, ách tắc, đình trệ trong sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng toàn cầu; xung đột vũ trang Nga - Ukraine tác động rất nhiều đến các hoạt động kinh tế toàn cầu. Đặc biệt gần đây, những biến động trên thị trường tài chính ngân hàng thế giới, những “thành trì” tưởng như rất kiên cường, vững chắc như hệ thống ngân hàng của Thụy Sĩ cũng sụp đổ.

Theo TS Nguyễn Minh Thảo, yếu tố nữa đến từ nội lực của doanh nghiệp hay các thể chế chính sách cũng đang có những bất cập dẫn tới sụt giảm niềm tin của doanh nghiệp, tình trạng rất nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.

“Đây là một trong những chỉ dấu có tính cảnh báo giúp cho các cơ quan hoạch định chính sách phải có sự thận trọng hơn trong việc đưa ra chính sách, để chính sách đảm bảo thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, củng cố lại niềm tin cho doanh nghiệp”, đại diện CIEM chia sẻ.

Bám sát "sức khỏe" để điều hành chính sách tài khóa phù hợp

Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Để gỡ khó cho doanh nghiêp, cần đẩy mạnh hơn nữa tháo gỡ các khó khăn về thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong kết nối với các tổ chức tín dụng để đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất, xây dựng các chương trình kích cầu tiêu dùng và dùng hàng Việt; mở rộng tìm kiếm thị trường mới; triển khai hiệu quả các gói tài khóa, hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp…

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, năm 2023 dự báo kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ thực hiện một số chính sách cắt giảm, hoãn nộp thuế, tiền thuê đất tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Với thuế giá trị gia tăng (GTGT), Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 6 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 1 đến tháng 5/2023 và quý I/2023, gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6 và quý II/2023. Tổng số thuế GTGT gia hạn từ tháng 1 đến tháng 6/2023 và quý 1,2 năm 2023 là khoảng 64.000 - 65.000 tỷ đồng.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN tạm nộp của quý 1, 2 kỳ tính thuế TNDN năm 2023. Thời gian gia hạn là 3 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định. Ước tính số thuế được gia hạn khoảng 42.800 - 43.600 tỷ đồng; Bộ Tài chính cũng đề xuất, gia hạn thời hạn nộp thuế đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá nhân. Thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5 đến ngày 30/11/2023…

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong bối cảnh nhiều khó khăn, cơ quan thuế, hải quan cần bám sát tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp để kịp thời trình Bộ Tài chính trình Chính phủ các giải pháp điều hành chính sách tài khóa phù hợp.

“Thời gian tới, ngành Hải quan tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt gỡ khó trong kiểm tra chuyên ngành liên quan đến nhiều bộ, ngành. Thời gian tới, cơ quan hải quan sẽ có kiến nghị cụ thể với từng bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật trong thực thi công vụ…”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường chia sẻ.

Đối với cơ quan thuế, Bộ trưởng đề nghị tập trung vào nghiên cứu, đề xuất triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam; tăng cường quản lý hóa đơn điện tử; thu trên sàn thương mại điện tử; hoàn thuế GTGT…“Chính sách tài khóa dựa trên sức khỏe doanh nghiệp nên thời gian tới tiếp tục theo sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, từ đó có nguồn thu về cho ngân sách Nhà nước”, người đứng đầu ngành Tài chính chỉ đạo.

Theo Minh Phương

Báo tin tức

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên