Giải pháp Made by FPT IS tạo cú hích trong chuyển đổi xanh
Vừa qua, Hội thảo trực tuyến: “Cẩm nang về tiêu chuẩn kiểm kê khí nhà kính toàn cầu ISO 14064-1” đã được FPT IS tổ chức, cung cấp góc nhìn toàn diện về thực hành kiểm kê khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018, đồng thời chia sẻ kiến thức và công cụ cần thiết để tạo lập báo cáo phát thải chính xác.
Hội thảo có sự tham gia của các lãnh đạo, chuyên gia công nghệ hàng đầu về ESG đến từ FPT IS: Ông Quân Nguyễn - Tiến sĩ về Khoa học Môi trường với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh tín chỉ carbon, quản lý chất thải và là thành viên của Nghị định thư GHG; Ông Tuân Phạm - Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Tài chính Khí hậu tại Châu Âu, Giám đốc sản phẩm VertZéro. Sự kiện đã thu hút sự tham dự đông đảo của gần 500 đại diện doanh nghiệp trên cả nước.
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2023, khoảng 1.920 cơ sở phát thải theo danh sách chỉ định bắt đầu phải thực hiện kiểm kê định kỳ khí nhà kính phát thải. Kể từ năm 2025, hàng nghìn doanh nghiệp sẽ phải thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Là một bên tham gia Thỏa thuận Paris, Việt Nam đã cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với mục tiêu giảm 15,8% (bằng nguồn lực trong nước) và 43,5% (với hỗ trợ quốc tế) vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường.
Theo ông Quân Nguyễn - Tiến sĩ về Khoa học Môi trường với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh tín chỉ carbon, quản lý chất thải và là thành viên của Nghị định thư GHG, để thực hiện kiểm kê khí nhà kính, doanh nghiệp cần tuân thủ nhiều quy chuẩn quốc tế như: Bộ tiêu chuẩn ISO 14064 - Tổng phát thải, giảm thải khí nhà kính, lưu trữ Carbon cho tổ chức, doanh nghiệp, dự án; Tiêu chuẩn ISO 14067 - Đánh giá khí nhà kính vòng đời của sản phẩm; Tiêu chuẩn ISO 14068 - Quản lý biến đổi khí hậu, chuyển đổi Carbon ròng bằng Không - trung hòa Carbon; GHG Protocols; Tiêu chuẩn doanh nghiệp/ tổ chức; Tiêu chuẩn chuỗi giá trị doanh nghiệp (Phạm vi 3 – Scope 3) - Phát thải gián tiếp….
Ông Quân chỉ ra các cách xác lập ranh giới của tổ chức.
Trong đó, ISO 14064-1:2018 là nội dung quan trọng nhất thuộc Hệ thống Tiêu chuẩn ISO 14001 liên quan tới hoạt động quản lý khí nhà kính. Tiêu chuẩn ISO 14064-1 đặt ra các yêu cầu về thiết kế, phát triển, quản lý, báo cáo và thẩm định việc kiểm kê khí nhà kính của doanh nghiệp; đánh giá phát thải cơ sở và phát thải hàng năm; xác định nguồn phát thải và nguồn hấp thụ Carbon; số liệu sơ cấp từ các hoạt động của tổ chức.
Ông Quân cho biết, áp dụng tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018 mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích như: Tăng cường danh tiếng (thể hiện cam kết bảo vệ môi trường, xây dựng hình ảnh xanh và chịu trách nhiệm với cộng đồng); Cải thiện quản lý (hướng dẫn doanh nghiệp xác định, giám sát và báo cáo phát thải khí nhà kính); Giảm thiểu chi phí (kiểm soát và cắt giảm phát thải); Tăng lợi thế cạnh tranh (đáp ứng các yêu cầu về phát thải khí nhà kính của khách hàng và đối tác).
Để thực hiện kiểm kê khí nhà kính, ông Quân nhấn mạnh doanh nghiệp không nên thực hiện một mình. Vì đây là quá trình cần tính xác thực, tính minh bạch và chính xác cao. Do đó, doanh nghiệp cần phối hợp với ba bên: (1) Xác định phạm vi và ranh giới liên quan, (2) Xác minh thông tin và dữ liệu cung cấp bởi bên thứ nhất, (3) Có thẩm quyền đánh giá (ISO 14065).
Ông Quân nhấn mạnh quá trình kiểm kê khí nhà kính cần có sự tham gia của ba bên.
Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, ông Tuân Phạm - Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Tài chính Khí hậu tại Châu Âu, Giám đốc sản phẩm VertZéro, cho biết, quá trình kiểm kê khí nhà kính cần 5 bước: (1) Xác định ranh giới tổ chức và nguồn phát thải; (2) Thu thập dữ liệu hoạt động, hệ số phát thải; (3) Tính toán lượng phát thải cho từng nguồn (nhiên liệu, điện, mua sắm...); (4) Xác định mục tiêu giảm phát thải; (5) Báo cáo kết quả, đề ra mục tiêu giảm phát thải.
Tuy vậy, ông Tuân cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp các thách thức trong kiểm kê khí nhà kính như: Mất thời gian thu thập dữ liệu; Chưa được trang bị đủ kiến thức về tiêu chuẩn và quy định phức tạp, Dữ liệu môi trường của doanh nghiệp chưa sẵn có…
"Trước bối cảnh đó, FPT IS hiện là một trong các đơn vị đầu tiên cung cấp giải pháp kiểm kê khí thải tại Việt Nam - VertZéro. Giải pháp số hóa toàn diện quy trình thu thập dữ liệu môi trường, tính toán, quản lý, tạo báo cáo khí thải, đáp ứng các khung tiêu chuẩn toàn cầu về báo cáo phát thải, loại bỏ khí nhà kính như ISO 14064-1, GHG Protocol và các tiêu chuẩn khác", ông Tuân chia sẻ.
VertZéro hỗ trợ tổ chức đo lường, giảm thải, tạo báo cáo và tự động hóa quy trình kiểm kê khí nhà kính.
VertZéro giúp doanh nghiệp có thể xác định ranh giới, và đo lường mức độ phát thải theo phạm vi 1,2,3; bóc tách phát thải đa chiều và truy cập vào hệ số phát thải toàn cầu. Từ đó, doanh nghiệp có căn cứ để đặt mục tiêu giảm phát thải (theo thời gian, theo phạm vi, theo quy định của Chính phủ…) và theo dõi phát thải theo thực tế. Khi đã minh bạch hóa thông tin, giải pháp giúp doanh nghiệp tiến hành tạo lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính tuân thủ theo các quy định của: Chính phủ Việt Nam (Nghị định 06/2022/NĐ-CP, ISO14064-1:2011), Quốc tế (GHG Protocol, IPCC, EPA, ISO 14064-1:2018), Châu Âu (CBAM). Như vậy, với VertZéro, tổ chức nắm trong tay chìa khóa tự động hóa quá trình kiểm kê khí nhà kính từ: Tuân thủ quy định và tiêu chuẩn, Cập nhật hệ số phát thải, Kết nối dữ liệu từ nhà cung cấp, Tự động tạo báo cáo.
VertZéro đang được triển khai cho FPT Software, hướng tới mục tiêu giúp công ty chủ động kiểm kê khí nhà kính theo 3 phạm vi, kết nối và đồng bộ dữ liệu từ 30 quốc gia, xây dựng hệ số phát thải chuẩn, tuỳ biến từng khu vực. Quá trình triển khai được thiết kế theo định hướng đáp ứng các khung tiêu chuẩn toàn cầu, bám sát yêu cầu phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Với kinh nghiệm triển khai thực tiễn, nền tảng công nghệ vững chắc, kết hợp cùng mạng lưới chuyên gia và đối tác toàn cầu tới từ châu Âu, Đức, Nhật Bản, Úc,… FPT IS kỳ vọng đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng tiếp cận lộ trình thực hành chuyển đổi xanh theo tiêu chuẩn toàn cầu, hướng tới trở thành các tổ chức phát triển bền vững.