Giải pháp tài chính công nghệ cao dành cho doanh nghiệp
Giao dịch thông qua ngân hàng điện tử đang ngày càng được các doanh nghiệp (DN) ưa chuộng khi trở thành "lời giải" cho bài toán tiết kiệm thời gian và chi phí tối đa. Nhưng thực tế, có nhiều hơn một lý do khiến DN quyết định chuyển dịch sang giao dịch trên kênh ngân hàng điện tử.
Tiết kiệm thời gian, chi phí
Trong quá khứ, nhắc đến giao dịch tài chính sẽ khiến chúng ta liên tưởng tới hàng tập hồ sơ, chứng từ, quá trình trình ký qua nhiều cấp và mất nhiều thời gian di chuyển đến ngân hàng, những công việc không mấy dễ chịu đối với bộ phận kế toán, thu chi, đặc biệt là đối với các DN phát sinh hàng trăm giao dịch mỗi ngày. Tại các ngân hàng, việc DN phải xếp hàng và chờ đợi đến lượt giao dịch là điều thường xuyên xảy ra.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã tạo nên một "làn sóng" số tác động tới mọi mặt, mọi lĩnh vực trong cuộc sống ngày nay. Điều đó lại càng được thể hiện rõ nét hơn đối với Ngành Ngân hàng khi dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ mang lại những sản phẩm, dịch vụ (SPDV) hàm lượng công nghệ cao, gia tăng trải nghiệm mới mẻ cho người dùng.
Sự xuất hiện của Ngân hàng điện tử chính là một sản phẩm của công nghệ 4.0, là bước ngoặt cho nền tài chính bởi đây là giải pháp giúp kết nối giữa khách hàng và ngân hàng trở nên trở nên tiện lợi và dễ dàng hơn. Doanh nghiệp có thể chuyển tiền cho các đối tác, thanh toán hóa đơn điện, nước, viễn thông, chi lương cho nhân viên, mua bán, chuyển tiền ngoại tệ… Tất cả các giao dịch từ đơn giản đến phức tạp đều có thể được thực hiện ngay trên ứng dụng Ngân hàng điện tử chỉ bằng vài thao tác đơn giản, thời gian thực hiện 24/7 không phụ thuộc giờ làm việc của các Chi nhánh/PGD ngân hàng.
Bên cạnh đó, phí giao dịch trên kênh Ngân hàng điện tử cũng có xu hướng thấp hơn phí giao dịch kênh quầy. DN đạt được mục tiêu quan trọng là tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí giao dịch, chi phí quản lý nhân sự... Ngân hàng giảm tải khối lượng phục vụ tại quầy để tập trung nguồn lực đầu tư gia tăng chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng.
Đảm bảo an toàn bảo mật và tốc độ giao dịch
Nếu như sự đa dạng tiện ích và giá cả ưu đã là yếu tố thu hút sự quan tâm của khách hàng đến dịch vụ ngân hàng điện tử thì tiêu chí "then chốt" để quyết định lựa chọn sử dụng một sản phẩm tài chính công nghệ chính là yếu tố an toàn và bảo mật. Hay nói cách khác, nếu như các yếu tố bảo mật không được đảm bảo thì các tiện ích, trải nghiệm đi kèm SPDV đó sẽ không có giá trị sử dụng đối với KH.
Nhằm bảo vệ nền tảng hệ thống không có bất cứ một sự cố, sai sót nào liên quan đến an toàn bảo mật dù là nhỏ nhất, các ngân hàng luôn sẵn sàng mạnh tay "chịu chi" cho những giải pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống. Điển hình như VietinBank đã thực hiện mã hóa toàn bộ kết nối, dữ liệu giao dịch trên hệ thống với nhiều lớp kiểm soát chống tấn công và phòng thủ theo chiều sâu nhằm đảm bảo duy trì bức tường bảo mật kiên cố. Đồng thời VietinBank còn cung cấp một hệ thống có khả năng đáp ứng các yêu cầu tùy biến cho KH như cho phép cấu hình truy cập dịch vụ tại các địa điểm, thiết bị tùy chọn. Năm 2019, VietinBank đã triển khai đồng thời 2 giải pháp xác thực giao dịch điện tử là Keypass (Hard Token) và VietinBank OTP (Ứng dụng trên thiết bị di động) với tính năng ký giao dịch C/R OTP (Dynamic Signature) chuẩn quốc tế OATH, đáp ứng tiêu chuẩn xác thực giao dịch giao dịch hạn mức loại cao nhất.
Tốc độ xử lý giao dịch ngày càng đòi hỏi cần rút ngắn, thời gian giao dịch chỉ được tính theo đơn vị giây. Do vậy VietinBank sử dụng giải pháp cân bằng đăng tải cho phép nhiều máy chủ xử lý giao dịch song song, liên tục, đáp ứng việc xử lý số lượng lớn giao dịch trong thời gian ngắn, đảm bảo các giao dịch nhanh chóng và thông suốt cho tất cả các DN.
Sản phẩm thiết kế đặc thù theo nhu cầu DN đề cao trải nghiệm người dùng
Theo dòng chảy của thời đại công nghệ 4.0, Ngân hàng điện tử ngày càng được quan tâm nâng cao trải nghiệm người dùng. Từ giao diện, bố cục đến những chi tiết nhỏ nhất như nút chức năng, tất cả đều được thiết kế thân thiện với người dùng nhằm mang đến cho người dùng trải nghiệm mới mẻ khi sử dụng. Trước đây, khó có một điểm giao dịch ngân hàng nào có thể phục vụ bằng 5 ngôn ngữ nhưng VietinBank đã hiện thực hóa trên nền tảng ngân hàng điện tử của mình. Giờ đây các KH đa quốc gia đều sẽ nhận được trải nghiệm trọn vẹn như KH bản xứ ngay trên ứng dụng Ngân hàng điện tử.
Ngoài việc cung cấp các SPDV đa dạng như kênh quầy, Ngân hàng điện tử còn tích hợp các dịch vụ đặc thù chuyên biệt thiết kế riêng cho DN. Giới kinh doanh chắc hẳn cũng không còn xa lạ với các dịch vụ đặc thù của VietinBank eFAST (Ứng dụng Ngân hàng điện tử dành cho Khách hàng doanh nghiệp) như Dịch vụ Quản lý khoản phải thu, Dịch vụ tích hợp ngân hàng điện tử trên phần mềm kế toán, Dịch vụ We Transfer (Gửi chứng từ qua VietinBank eFAST, hoàn chứng từ gốc sau), chuyển tiền ngoại tệ…
Tổng hòa chung, có nhiều yếu tố để doanh nghiệp quyết định lựa chọn kênh giao dịch. Nhưng vượt qua thói quen thanh toán tiền mặt, ngân hàng điện tử đã dần thuyết phục được các doanh nghiệp và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh về số lượng doanh nghiệp sử dụng và số lượng giao dịch trong các năm sắp tới.