Giải phóng mặt bằng cho cao tốc Bắc - Nam ở 12 tỉnh thành đang chậm tiến độ ra sao?
12 tỉnh, thành phố có dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua cố gắng bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu trước 20/11.
- 07-10-202211 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang triển khai đến đâu?
- 15-08-2022Đường sắt cao tốc Bắc - Nam trị giá hơn 58 tỷ USD đi qua những tỉnh nào?
- 11-07-2022Chuyển đổi hơn 1.000 héc-ta đất rừng làm cao tốc Bắc - Nam
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có văn bản đề nghị UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư 12/12 dự án thành phần. Trong đó tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án do UBND các tỉnh tổ chức thực hiện.
Để tổ chức triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, UBND các tỉnh giao các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đang triển khai đồng thời các công việc.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các ban quản lý dự án (chủ đầu tư) dự án thành phần, hiện nay tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chậm, giá trị giải ngân tương đối thấp, có nguy cơ ảnh hưởng tiến độ bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý 2/2023.
Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh có dự án đi qua chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan đẩy nhanh công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổ chức xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật… phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo từng đoạn, từng khu vực.
Bộ GTVT đề nghị các sở, ngành địa phương phối hợp với các Ban quản lý dự án 2, 6, 7, 85, Đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận, Thăng Long kiểm tra, rà soát đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng năm 2022.
Nhiều địa phương nguy cơ không kịp tiến độ
Tại tỉnh Phú Yên, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công 2 dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh và Chí Thạnh - Vân Phong vẫn chậm trễ. Đến ngày 3/11, công tác kiểm đếm mặt bằng mới đạt 84%. Riêng thị xã Đông Hòa và huyện Tuy An chưa hoàn thành, nguy cơ không đáp ứng được yêu cầu bàn giao 70% mặt bằng đến ngày 20/11.
Phương án đền bù hơn 855,5 ha đất thu hồi cho dự án và công tác chi trả giải phóng mặt bằng đối với số vốn hơn 588 tỷ đồng được bố trí năm 2022 vẫn chưa thực hiện.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông cần huy động nguồn lực để giải phóng mặt bằng
Tại Hà Tĩnh, địa phương có 2 dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng đi qua, công tác kiểm đếm phạm vi mặt bằng dự án đạt 96,8% trên tuyến chính và đạt 100% với 12,18 km các tuyến kết nối.
Tiến độ giải ngân giải phóng mặt bằng dự án toàn tỉnh đạt hơn 432 tỷ đồng (40%). Riêng với huyện Kỳ Anh, tỷ lệ này chỉ đạt 5%. Lý do là địa phương phải hoàn thiện lại bản đồ địa chính phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Tại Quảng Bình, trong tổng số gần 1.193 ha phải thu hồi mới duyệt phương án đền bù được gần 268 ha (đạt 22%), công tác chi trả giải phóng mặt bằng đạt 159/828 tỷ đồng (đạt 19%).
Tỉnh Quảng Trị trình phê duyệt phương án đền bù được 22,2/268,3 ha (đạt 8%), công tác chi trả giải phóng mặt bằng đạt 8,5/282 tỷ đồng (đạt 3%).
Tỉnh Quảng Ngãi có dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đi qua, phương án đền bù duyệt 271/488 ha (đạt 55,5%), công tác chi trả giải phóng mặt bằng mới đạt gần 46/870 tỷ đồng (đạt 5,3%).
Tỉnh Khánh Hòa có dự án thành phần Vân Phong - Nha Trang đi qua trong cảnh tương tự khi phương án đền bù đối với 614 ha đất thu hồi chưa được duyệt, việc giải ngân với hơn 767 tỷ đồng được bố trí năm 2022 chưa được thực hiện.
Tại TP Cần Thơ, trong tổng số 54,3 ha đất thu hồi, phương án đền bù được duyệt với 3,2 ha (đạt 6%), công tác chi trả giải phóng mặt bằng đạt 33,7/161,3 tỷ đồng (đạt 21%).
Với tỉnh Cà Mau, phương án đền bù mới được phê duyệt 22,3/181,4 ha (đạt 12%), công tác chi trả giải phóng mặt bằng đạt gần 55/253 tỷ đồng (đạt 22%).
Số ít địa phương về đích sớm
Tại tỉnh Hậu Giang, trong tổng số hơn 63 km chiều dài thuộc 2 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau đi qua địa bàn, các thủ tục liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng đạt hơn 77% tổng diện tích đất phải thu hồi, về đích sớm trước ngày 20/11.
2 dự án thành phần đi qua 16 xã, thị trấn. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 2.067 hộ và 10 tổ chức quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Tổng diện tích đất thu hồi hơn 361 ha. Tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được 1.683 hộ dân với kinh phí hơn 866 tỷ đồng, chi trả tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng 1.378 hộ, với kinh phí hơn 715 tỷ đồng.
Dự án đi qua Bình Định có 3 dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh với tổng chiều dài khoảng 118,8 km.
Bình Định kiểm kê 10.744 hộ ảnh hưởng (đạt 99,6%), xác nhận nguồn gốc đất đai được 9.988 hộ ảnh hưởng (đạt 94%). 8 địa phương phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng với 111 đợt cho 5.011 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng với số tiền 960 tỷ đồng. Công tác chi trả đạt hơn 507 tỷ đồng, đạt 65,8% vốn cấp.
Địa phương cũng khảo sát hiện trường và xác định khối lượng hạ tầng kỹ thuật cần di dời để triển khai dự án, hoàn thành và phê duyệt quy hoạch 43 khu tái định cư với hơn 103 ha.
BizLive