Giải quyết những bất cập trong nâng cấp Quốc lộ 19, đoạn qua Bình Định
Những mương nước xây trước nhà dân tạo thành những bức tường cao trên 1m chắn lối vào cổng. Ảnh tư liệu: Sỹ Thắng/TTXVN
Trả lời về phản ánh dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (dự án nâng cấp Quốc lộ 19) đang thi công đoạn qua huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) đang tồn tại nhiều bất cập ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 – chủ đầu tư dự án (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay đã chỉ đạo nhà thầu giải quyết ngay những vấn đề trên.
- 09-02-2023IMF dự báo 15 nước tăng trưởng GDP cao nhất thế giới năm 2023: Việt Nam xếp thứ mấy?
- 07-02-2023Một cảng biển Việt Nam nhảy 10 bậc trong top 50 cảng lưu thông hàng hóa lớn nhất thế giới chỉ trong 1 năm
- 06-02-2023Tiềm năng của tỉnh được rót hơn 56.000 tỷ đồng đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép
Cụ thể, về phản ánh các nhà thầu triển khai một số hạng mục như thi công hệ thống rãnh dọc, cống ngang, cầu, nền đường… ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân, đặc biệt là nền đường được đắp cao hơn nền nhà dân, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cho biết: trong quá trình triển khai, Ban đã chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, thi công cuốn chiếu theo từng hạng mục, từng đoạn tuyến nhằm đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt và tiến độ yêu cầu.
Tình trạng trước nhà bị chắn bởi công trình mương nước quá cao, theo lý giải của lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2, do dự án đi qua khu vực đồi núi, đặc thù địa hình khu vực rất phức tạp, thay đổi liên tục, hiện trạng cao độ nhà dân hai bên đường cao, thấp không đồng nhất.
Nhằm xử lý, khắc phục tình trạng nêu trên, Ban quản lý dự án 2 đã yêu cầu tư vấn rà soát, nghiên cứu điều chỉnh thiết kế của dự án, hạn chế việc nâng cao mặt đường hiện hữu.
Liên quan đến vấn đề dự án chưa kết nối với các tuyến đường dân sinh hiện trạng, nguyên nhân là do một số đoạn tuyến chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng nên chưa thể hoàn thành hạng mục đắp lề, vuốt nối các tuyến đường dân sinh hiện trạng để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, nhà thầu cũng đang tích cực thực hiện các giải pháp để đảm bảo việc đi lại thuận lợi cho người dân.
Về giải pháp tổng thể, theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2, hiện nay thời tiết khu vực Tây Nguyên đang thuận lợi, Ban đã yêu cầu các nhà thầu khẩn trương huy động nhân lực, thiết bị thi công, vật tư, vật liệu… đẩy nhanh thi công mặt đường, vuốt nối các đường ngang dân sinh, thảm bê tông nhựa mặt đường,... để tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường khu vực dự án đi qua.
Nhiều hộ dân lọt thỏm dưới đường Quốc lộ 19. Ảnh tư liệu: Sỹ Thắng/TTXVN
Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) có tổng chiều dài khoảng 143km đi qua hai tỉnh Gia Lai và Bình Định. Với tổng vốn đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng, dự án là một trong những công trình quan trọng được đầu tư nhằm góp phần nâng cao năng lực vận hành, khai thác, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 19. Sau khi dự án hoàn thành sẽ góp phần tăng cường khả năng kết nối hệ thống giao thông khu vực Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải miền Trung và kết nối với các nước bạn Lào, Campuchia và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Trước đó, ngày 8/2, phóng viên TTXVN đã có bài: “Người dân dọc Quốc lộ 19 gặp khó do nền đường quá cao” phản ánh việc người dân sống dọc tuyến Quốc lộ 19 đoạn qua xã Tây Giang, Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đang sống cùng nguy cơ mất an toàn giao thông khi Dự án “Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên” được triển khai bởi lẽ một số đoạn đường đã được nâng cấp cao hơn nhà dân từ 1,2 mét, che lấp lối đi vào, khiến nhiều nhà dân như bị “giam lỏng.”
Dọc tuyến Quốc lộ 19 tại xã Tây Thuận, đơn vị thi công đã vội xây dựng hệ thống mương thoát nước với chiều cao hơn 1m, rộng 0,4m (cao hơn nền đường Quốc lộ 19 cũ và nền nhà dân), như "bức tường thành" khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Báo tin tức