MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải quyết nợ bảo hiểm xã hội: Không đưa vào luật để tránh trốn đóng

Thực tế phát sinh hàng trăm nghìn người lao động (NLĐ) bị chủ sử dụng nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) dẫn tới “treo” quyền lợi nhiều năm qua, nhưng Dự thảo Luật BHXH sửa đổi không bổ sung giải pháp xử lý cho vấn đề này. Đại diện đơn vị soạn thảo dự luật cho rằng, không đưa vào luật vì lo ngại chính sách có thể vô tình thành công cụ khuyến khích chủ sử dụng lao động chậm, trốn đóng BHXH.

Cả nước hiện có trên 213.300 NLĐ bị nợ BHXH kéo dài tới nay, nhưng pháp nhân chịu trách nhiệm đã giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn, dẫn tới quyền lợi NLĐ bị ảnh hưởng. Để giải quyết tình trạng trên, không ít chuyên gia đề xuất giải pháp đưa vào Luật BHXH đang tiến hành sửa đổi, gồm quy định về giải quyết quyền lợi, giải quyết phần tiền đóng BHXH của NLĐ bị doanh nghiệp nợ. Một trong các đề xuất được nhiều bên ủng hộ là sử dụng tiền lãi từ đầu tư quỹ BHXH, hoặc hỗ trợ một phần ngân sách để bù cho số tiền NLĐ đang bị nợ BHXH.

Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) lấy ý kiến người dân không có nội dung về xử lý số tiền nợ đóng BHXH, cũng không quy định liên quan tới giải quyết quyền lợi NLĐ khi bị nợ BHXH kéo dài.

Giải quyết nợ bảo hiểm xã hội: Không đưa vào luật để tránh trốn đóng - Ảnh 1.

Giải pháp để xử lý nợ BHXH của người lao động nhưng chủ bỏ trốn, đơn vị giải thể, phá sản gặp nhiều khó khăn, có thể tạo tiền lệ khiến tình trạng này gia tăng.

Trả lời PV Tiền Phong , ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH (đơn vị xây dựng dự thảo luật) - cho hay, mục tiêu của đầu tư quỹ BHXH không phải sử dụng để giải quyết các tình huống phát sinh như trên. Tiền lãi từ đầu tư quỹ BHXH được sử dụng để điều chỉnh tăng các chế độ BHXH, như tăng lương hưu, trợ cấp.

Dự thảo luật chỉ quy định các chế tài ngăn chặn, xử lý với người sử dụng lao động chậm, nợ BHXH, từ phạt hành chính tới khởi tố hình sự. Trong đó, dự luật bổ sung quy định trách nhiệm người sử dụng lao động nếu chậm, nợ BHXH phải bồi thường cho NLĐ. Trên thế giới cũng rất ít quốc gia dùng tiền lãi từ đầu tư Quỹ BHXH để đóng bù số tiền nợ BHXH.

Theo ông Cường, trong số hơn 200.000 NLĐ đang bị nợ BHXH nhưng đơn vị, doanh nghiệp đã giải thể, phá sản chủ bỏ trốn , có khoảng 20% NLĐ đủ điều kiện hưởng các chế độ BHXH; khoảng 20% NLĐ đã nghỉ việc và không tham gia BHXH ở đâu; số còn lại đang làm việc ở nơi khác và tiếp tục đóng BHXH.

Để đảm bảo quyền lợi NLĐ, BHXH Việt Nam cùng Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất một số giải pháp xử lý . Trước mắt, trường hợp NLĐ đủ điều kiện, BHXH sẽ giải quyết các quyền lợi liên quan cho NLĐ; với nhóm chưa đi làm ở đâu và chưa tiếp tục đóng BHXH sẽ bảo lưu thời gian đã đóng trên sổ để chờ xử lý nợ, hoặc tiếp tục tham gia; với nhóm NLĐ đang đi làm, cũng ghi nhận thời gian đóng ở đơn vị cũ và mới để giải quyết quyền lợi cho NLĐ khi có phát sinh.

“Trước mắt, sẽ giải quyết được quyền lợi cho NLĐ đang bị nợ BHXH kéo dài không có khả năng thu hồi, điều mà lâu này NLĐ (có quyền lợi nhưng) chưa được giải quyết do chưa chốt được sổ (vì bị nợ tiền đóng)”, ông Cường nói.

Về bổ sung quy định mới vào Luật BHXH sửa đổi lần này, ông Cường cho rằng, rất khó đưa vào luật, nên trong dự thảo không quy định bổ sung. Bởi vì luật chỉ điều chỉnh các vấn đề mang tính chất chung nhất, không quy định các trường hợp cá biệt như nợ BHXH (nhưng đơn vị đã giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn).

Giải quyết nợ bảo hiểm xã hội: Không đưa vào luật để tránh trốn đóng - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH.

“Nếu đưa vào luật quy định trường hợp NLĐ bị người sử dụng lao động nợ, trốn đóng BHXH sẽ sử dụng tiền ngân sách hoặc quỹ BHXH đóng bù, không khác nào mở đường cho doanh nghiệp chây ỳ, cố tình chiếm dụng, nợ BHXH”, ông Cường nói thêm.

Số liệu từ BHXH Việt Nam cho thấy, hết năm 2022, cả nước có hơn 30.000 đơn vị nợ BHXH thuộc diện đã giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn nên khó thu hồi; với tổng số tiền còn nợ hơn 4.048 tỷ đồng (cả gốc và lãi), của trên 213.300 NLĐ. Toàn bộ NLĐ có quá trình đóng BHXH bị nợ tới nay vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm, kéo theo các quyền lợi vẫn tạm thời chưa được hưởng, do trống quy định để xử lý.

Theo quy định hiện hành, khoản tiền đóng BHXH cho NLĐ gồm 2 phần, một phần do NLĐ đóng trên cơ sở tiền lương hàng tháng, một phần do người sử dụng lao động đóng. Hàng tháng, người sử dụng lao động trích một phần tiền lương của NLĐ, cùng với phần tiền thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp để đóng cho cơ quan BHXH. Với các trường hợp NLĐ bị nợ BHXH, đơn vị sử dụng lao động đã trích tiền lương của NLĐ để đóng BHXH (nhưng không đóng), sau đó đơn vị sử dụng lao động giải thể, phá sản, thậm chí chủ bỏ trốn nên khó trong việc tìm người chịu trách nhiệm và khoản tài chính để trả nợ BHXH.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

Trở lên trên