Giải trí ngày Tết: 2 bộ phim kinh điển về chứng khoán vừa hay vừa cho nhiều bài học về cuộc đời đầu tư
Phim Wall Street: Money Never Sleeps (2010)
Trong loạt những phim về đề tài chứng khoán, Sói già phố Wall – The Wolf of Wall Street (2013) và Wall Street: Money Never Sleeps (2010) là 2 bộ phim được xét vào hàng kinh điển của điện ảnh. Xem phim giúp nhà đầu tư giải trí và rút ra được nhiều bài học về đầu tư chứng khoán.
Sói già phố Wall – The Wolf of Wall Street (2013)
Phim được phóng tác dựa trên kịch bản chuyển thể từ cuốn hồi ký nổi tiếng ăn khách của Jordan Belfort. Phim phản ánh chân thực những tay buôn bán cổ phiếu trong những bộ quần áo chỉnh tề, vẻ ngoài đạo mạo nhưng bên trong thì mục rỗng và tàn nhẫn chẳng kém những gã gangster. Tiêu biểu cho những tên tội phạm mặc vest ấy là Jordan Belfort, kẻ buôn chứng khoán với "cái lưỡi không xương" chuyên sử dụng để lừa đảo.
Jordan đặt chân đến phố Wall khi mới 22 tuổi với hai bàn tay trắng. Mark Hanna đã khai sáng chàng thanh niên này và chỉ cho anh ta mánh khoé kiếm tiền ở phố Wall, đặc biệt để giữ được tỉnh táo thì ma tuý và gái đẹp là điều không thể thiếu. Nếu không chìm trong những bữa tiệc thác loạn thì những kẻ như hắn sẽ bị điên loạn với các con số, thập phân, tần số… nhảy múa trên các bảng giao dịch. Jordan đã kiếm được rất nhiều tiền chỉ sau 6 tháng được "giác ngộ".
26 tuổi, với vai trò là giám đốc công ty môi giới chứng khoán, Jordan Belfort đã kiếm được 49 triệu USD/năm, nhưng anh ta vẫn chưa thỏa mãn vì thiếu chút nữa là kiếm được 1 triệu USD/tuần.
Người bán những cổ phiếu hạng bét với giá trị gấp nhiều lần
Anh ta lái những chiếc siêu xe cỡ Ferrari mới cáu cạnh, những căn biệt thự triệu đô, sở hữu những con ngựa đua đắt tiền, hai nhà nghỉ mát, du thuyền dài 52m, máy bay riêng lộng lẫy và những bữa tiệc nhiều gái đẹp. Tiền biến anh ta trở thành "người tốt". Có tiền, anh có trong tay mọi thứ từ biệt thự chục triệu USD, du thuyền, gái đẹp và làm từ thiện, cứu một động vật khỏi nguy cơ tuyệt chủng…
Nhưng tất cả đã đổ vỡ khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1987 xảy ra. Phố Wall từng đem lại cho anh ta rất nhiều tiền giờ đây đã "nuốt chửng" lại Jordan một lần nữa. Anh ta trắng tay và trở về vạch xuất phát.
Nhưng khi bản năng của một con sói đã được khơi dậy và quen với cuộc sống sa đọa, Jordan sẵn sàng làm tất cả để đạt được cuộc sống giàu sang trước đó. Anh ta kết bạn với Donnie Azoff, một gã bán hàng có vẻ ngoài lù khù sống cùng khu nhà và thành lập một công ty buôn chứng khoán.
Những thành viên đầu tiên dưới trướng của Jordan là một đám ngờ nghệch kiếm sống bằng cách bán cần sa và được Jordan đào tạo để moi tiền khách hàng qua điện thoại. Bằng chiến thuật thổi giá "Pump & Dump", Jordan và các cộng sự đã bán đi những cổ phiếu hạng bét ở mức giá gấp nhiều lần giá trị thật của chúng để rồi đường hoàng thành lập công ty Stratton Oakmont Inc.
Trong phim Jordan Belfort nói rằng thế giới của giới đầu tư, của phố Wall như một khu rừng nhiệt đới mà ở đó, bò rừng, gấu, hổ… xuất hiện ở mọi nơi và hiểm nguy ở mọi ngõ ngách. Và anh ta tự nhận mình và các cộng sự ở công ty Strantton Oakmont là những chuyên gia, dẫn bạn vượt qua vùng hoang vu của tài chính và giúp bạn tránh hiểm nguy, đồng thời làm giàu giúp bạn.
Cuộc vui nào cũng có lúc tàn, những tháng ngày lừa đảo của Jordan cũng có ngày kết thúc trong cay đắng. Năm 1999, Jordan Belfort đã bị FBI bắt với tội danh thao túng thị trường chứng khoán và gian lận, rửa tiền.
Sau khi xem xong bộ phim, nhà đầu tư sẽ thấu hiểu 4 bài học hữu ích trong đầu tư.
Thứ nhất, kiếm tiền dễ dàng cũng có thể mất đi dễ dàng. Jordan Belfort sau khi kiếm được nhiều tiền cuộc sống trong nhung lụa đã ném tiền vào những bữa tiệc xa xỉ, ma tuý, gái gú. Khi giàu sang anh cũng bỏ đi người vợ thuở người khó khăn để kết hôn với chân dài quyến rũ khác.
Thứ hai, những cổ phiếu hạng bét (penny) dưới những thủ thuật bán hàng đỉnh cao, tài thuyết trình nổi trội của Jordan Belfort được bán cho những người giàu với giá không tưởng đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu USD anh ta. Khách hàng là người cầm "hòn than cuối" còn Jordan Belfort trở nên giàu có.
Thứ ba, đừng quá tin môi giới chứng khoán. Thị trường chứng khoán nơi có quá nhiều cạm bẫy. Trong phim những môi giới chứng khoán không có trình độ, sống bằng nghề bán cần sa đã Jordan Belfort đào tạo để bán những cổ phiếu hạng bét với giá gấp nhiều lần. Đây là bài học cho nhà đầu tư, môi giới hoàn toàn có thể "đánh úp" khiến bạn thua lỗ và mất tiền khi khuyên bạn mua vào cổ phiếu "hạng bét" bị thao túng, làm giá.
Thứ tư, cổ phiếu hoàn toàn có thể bị thao túng, làm giá vượt giá trị thật của doanh nghiệp. Jordan Belfort đã bị bắt vì thao túng cổ phiếu năm 1999. Do đó, nhà đầu tư hãy suy nghĩ thật kĩ trước khi mua các cổ phiếu đầu cơ và có yếu tố làm giá này.
Nhờ tài diễn thuyết, Jordan Belfort đã bán được những cổ phiếu hạng bét với giá trị gấp nhiều lần
Wall Street: Money Never Sleeps (2010)
Wall Street: Money Never Sleeps (Phố Wall: Đồng tiền không bao giờ ngủ) là bộ phim của đạo diễn Oliver Stone, sau 23 năm Wall Street (1987) đã thành công đình đám.
Bộ phim xây dựng trong bối cảnh cả thế giới đang trong thời kỳ khủng hoảng tài chính. Nhìn từ bên ngoài phố Wall vẫn vậy, nhưng bên trong là đầy rẫy nguy hiểm và cám dỗ. Phố Wall đã khác xa so với câu chuyện của 23 năm trước, với những cuộc chơi to hơn và tất nhiên, sự tham nhũng cũng nhiều hơn.
Wall Street: Money Never Sleeps vẽ nên một bức tranh muôn màu trong xã hội hiện đại của khu phố Wall - nơi đóng trụ sở của Sở giao dịch chứng khoán New York (Mỹ). Tại đây có những cái đầu thông minh nhất, có những doanh nhân quyền lực nhất và cả những sàn giao dịch sầm uất bậc nhất thế giới. Những con người ở phố Wall có thể biến 100 triệu USD trở thành một tỷ USD, biến những nguồn năng lượng không tên trở thành các mỏ vàng vô tận. Khán giả có thể cảm nhận được cái không khí hối hả, nhộn nhịp của thành phố New York. Ở phố Wall, tiền bạc là số một, kẻ có tiền là kẻ chiến thắng. Công cuộc đào thải vẫn diễn ra hàng ngày tại đây. Số phận con người cũng lên, xuống theo từng con số hiển thị trên màn hình của các sàn giao dịch.
Với những nhà đầu tư chứng khoán, phim đã phác hoạ hiện thực chân thực nhất cuộc sống của những kẻ mù quáng vì đồng tiền, những kẻ nghiện tiền.
Cái giá để trở thành "ông hoàng của phố Wall" Gekko đã bị con gái Winnie quay lưng ruồng bỏ, cậu con trai duy nhất chết trong ma tuý. Gekko luôn đơn độc và chỉ có người bạn duy nhất là đồng tiền. Ngày mà ông bước ra khỏi cánh cổng của nhà tù, không một ai đứng chờ Gekko, không một ai quan tâm tới sự tồn tại của "ông hoàng phố Wall" một thời.
Trong phim Gekko đã nói một câu rất nổi tiếng sau này đó là: "Đồng tiền giống như một ả đàn bà nhõng nhẽo và không bao giờ ngủ. Nếu cậu không quan tâm đến nó thì đến một ngày khi thức dậy, đồng tiền sẽ biến mất hoàn toàn". Câu này cũng có nghĩa là, đồng tiền luôn vận động để sinh ra lợi nhuận, và đây chính là lý do để những kẻ như người đàn ông này rơi vào cơn nghiện kiếm tiền, bất chấp tất cả.
Những kẻ nghiện tiền cuối cùng nhận ra thời gian mới đáng giá nhất
Huyền thoại phố Wall đã phải ngồi tù 8 năm vì tội giao dịch nội gián, nhưng ngay sau khi ra tù, ông ta đã xuất bản cuối hồi ký với tựa đề: "Lòng tham có phải điều tốt không?". Xuất hiện cùng với Gekko trong tuyến nhân vật chính là chàng trai trẻ Jake More, một nhân viên hãng đầu tư, cũng vô tình là con rể tương lai của Gekko. Ngưỡng mộ trước sự uyên bác và kinh nghiệm của người bố vợ tương lai, Jake tìm mọi cách để có được lời khuyên và những mánh khóe bẩn thỉu của ông ta, bất chấp lời can ngăn của vợ. Lý tưởng và công việc có thể đem lại cho cậu hàng triệu USD chỉ trong chớp mắt, nhưng cũng có thể biến cậu trở thành kẻ vô gia cư chỉ sau một giờ.
Bên cạnh những cuộc đấu trí căng thẳng trong giới đầu tư, bộ phim cũng hé lộ những bi kịch gia đình mà "bố già" Gekko phải hứng chịu khi rơi vào cơn nghiện đồng tiền. Con trai duy nhất của ông ta – Rudy – chết vì ma túy. Cô con gái Winni thì nguyền rủa cha và không muốn nhìn thấy ông trong một thời gian dài. Người bạn duy nhất của Gekko là tiền.
Dù giàu có đến thế nào, có một thứ Gekko không bao giờ mua được: đó là thời gian. Sau rất nhiều thăng trầm, kể cả khi lừa đảo thành công con gái và con rể, có lại tất cả sự nghiệp và tiền bạc, người đàn ông này vẫn phải cay đắng kết luận rằng: "Đồng tiền không phải là thứ quan trọng nhất, thời gian mới là tất cả". Dành cả cuộc đời để chạy theo những con số trên sàn chứng khoán, đến cuối cuộc đời, "bố già" Gekko mới nhận ra mình chỉ là một kẻ trắng tay, đơn độc, không gia đình, không tình yêu, không hạnh phúc.