Giải trình, chất vấn 'rất đúng, rất hay', nhưng thực hiện lời hứa, cam kết ra sao?
Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, các phiên giải trình, chất vấn đã được thực hiện rất đúng, rất hay. Tuy nhiên cần xem xét những lời hứa, những cam kết được thực hiện ra sao, sự chuyển biến trong lĩnh vực đó như thế nào?
Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 22, chiều 11/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.
Từ thực tế tham gia một số đoàn giám sát vừa qua, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, công tác giám sát ngày càng đi vào thực chất, góp phần quan trọng cho không chỉ giám sát các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước mà còn tổng kết thực tiễn, nâng cao nhận thức cho chính các thành viên đoàn giám sát.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị cần chú trọng công tác hậu giám sát. Qua đó, các chuyên đề giám sát tối cao cũng cần lưu ý xem sau một năm các kiến nghị của Quốc hội được Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện như thế nào; yêu cầu phải báo cáo trở lại.
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, các phiên giải trình, chất vấn đã được thực hiện rất đúng, rất hay. Tuy nhiên cần xem xét những lời hứa, những cam kết được thực hiện ra sao, sự chuyển biến trong lĩnh vực đó như thế nào? “Phải kiểm đếm kết quả thực hiện chất vấn, giải trình để nâng cao giá trị làm việc”, bà Thanh nêu.
Nhấn mạnh, công tác giám sát không chỉ giúp hoàn thành nhiệm vụ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mà còn giúp nâng cao năng lực của chính các đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị sau phiên giải trình, chất vấn cần có văn bản kết luận chính thức, hoặc một nghị quyết đưa ra đề xuất chi tiết và có thời hạn cụ thể để cơ quan, đơn vị thực hiện các giải pháp đặt ra.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau các phiên giải trình, các Ủy ban đều có ban hành văn bản kết luận để tiến hành hậu giám sát. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị bổ sung thêm những nội dung đổi mới trong giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về cách thức tiến hành giám sát, ông Tùng đề nghị chọn địa điểm khảo sát, giám sát một cách kỹ lưỡng, có trọng điểm, làm rõ những vấn đề cần làm rõ trước khi giám sát, giảm số lần giám sát trùng lặp, qua đó rút ngắn thời gian, tăng tính hiệu quả của việc khảo sát thực tế.
Cùng phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trong báo cáo tổng kết của các khoá Quốc hội trước đây đều nhận định công tác giám sát còn hạn chế. Tuy nhiên, hoạt động giám sát của khoá XV đã được quán triệt và thực hiện rất tích cực.
Đối với việc chất vấn, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn đều chọn trúng vấn đề nóng, bức xúc nổi lên được dư luận xã hội quan tâm và kịp thời giải quyết những bất cập mà cử tri và nhân dân quan tâm.
Theo bà Nga, một trong những dấu ấn nổi bật cho nhiệm kỳ này là việc chuẩn bị cho các phiên chất vấn rất kỹ, trước khi chất vấn có cuộc họp giữa Quốc hội, các cơ quan hữu quan với các cơ quan, qua đó thể hiện sự chuẩn bị chu đáo và thể hiện Quốc hội đồng hành với Chính phủ, với Tòa án, Viện Kiểm sát.
Đối với hậu giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nêu rõ, đây là vấn đề rất quan trọng, do đó đề nghị quan tâm hơn nữa đến việc đôn đốc thực hiện các kiến nghị, đặc biệt là các Nghị quyết giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, chất lượng các báo cáo thẩm tra ngày càng được nâng cao, sắc sảo hơn, tính phản biện cao hơn, “có lạnh, có sôi” nhưng không bị quy “2 sôi 3 lạnh”, khen đích đáng, chê thuyết phục.
Các kết luận, kiến nghị từ giám sát đi vào thực chất hơn. Tiêu biểu như giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí kèm theo phụ lục gửi các cơ quan được đánh giá rất cao khi rõ danh mục, địa chỉ, thời gian cụ thể. Hay giám sát về quy hoạch cũng gỡ nhiều chuyện, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu bức xúc hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, giá trị của hoạt động giám sát thể hiện rõ nhất ở các kiến nghị giám sát, nhưng có lúc còn chung chung. “Giám sát không có tính phản biện thì làm làm gì? Phản biện trên tinh thần xây dựng, động cơ trong sáng thì càng tạo điều kiện phát triển lâu dài”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
4 chuyên đề giám sát được trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát, gồm:
Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023.
Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
tienphong.vn