MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm đọc báo cáo, tăng thảo luận

18-05-2017 - 14:30 PM | Xã hội

Tinh thần của Kỳ họp thứ 3 là tiếp tục tăng cường đối thoại, đi thẳng vào vấn đề cử tri quan tâm. Đây là khẳng định của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khi cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 3 tại phiên họp sáng qua của UBTVQH.

Chưa đầy một tuần nữa, Kỳ họp thứ 3 sẽ khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Công tác chuẩn bị cho Kỳ họp vì thế cũng ngày một gấp rút hơn. Theo dự kiến nội dung chương trình, tại Kỳ họp tới, QH sẽ xem xét thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến về 5 dự án Luật.

Theo Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc, đến nay, đã có 12 dự án luật được gửi đến các ĐBQH. Công tác chuẩn bị về cung cấp thông tin, tài liệu, thông tin tuyên truyền, tiếp dân, an ninh, an toàn kỳ họp và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, công tác lễ tân, hậu cần… đều được chuẩn bị tương đối chu đáo, chặt chẽ và cơ bản hoàn thành.

Xét về nội dung chương trình Kỳ họp thứ 3, so với dự kiến ban đầu cũng có khá nhiều thay đổi. Ví dụ, UBTVQH đã buộc phải rút ra 4 trong số 8 dự án luật trình QH cho ý kiến. Điều này khiến nhiều cử tri băn khoăn và tiếp tục đặt câu hỏi cho ĐBQH tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp.

Vì vậy, nhiều thành viên UBTVQH đề nghị nên giải trình rõ hơn trước QH về việc rút các dự án luật này ra khỏi chương trình (gồm dự án Luật Về hội; dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; dự án Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời). “Chúng ta sẽ giải trình khi thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017”, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết.

UBTVQH cũng đồng ý bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 3 nội dung trình QH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc bổ sung hai nội dung này là cần thiết và cấp bách. Vì nếu cục máu đông (nợ xấu) này vẫn tồn tại thì nền kinh tế có thể đột tử bất cứ lúc nào. “Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, hiện chỉ còn ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh. Ủy ban Kinh tế đang sớm xem xét, hoàn thiện hồ sơ để kịp trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3”, Chủ nhiệm UB Vũ Hồng Thanh cho biết.

Để bảo đảm đáp ứng hơn nữa kỳ vọng của cử tri, một trong những yêu cầu được Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, đó là tại Kỳ họp thứ 3 tới, khi QH thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 cũng có thể kết hợp thảo luận, làm rõ những vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội, hoặc những vấn đề về kinh tế không có chương trình thảo luận riêng ở hội trường. Ví dụ, trong thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội có thể kết hợp thảo luận về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đây là những vấn đề dư luận đang quan tâm.

Đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, theo thông lệ, Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp cuối năm. Còn tại các kỳ họp giữa năm, sẽ do một Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm trả lời. Song tại Kỳ họp thứ 3 tới, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, QH dự định sẽ mời Thủ tướng cùng đăng đàn trả lời với Phó Thủ tướng. Cụ thể, sau khi Phó Thủ tướng thay mặt Thủ tướng trả lời chất vấn theo sự phân công, Thủ tướng sẽ trả lời thêm, ngắn gọn trong vòng 20 phút. Cách thức này sẽ góp phần làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm của Chính phủ trước QH, trước nhân dân. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu, thời gian đọc báo cáo tại phiên chất vấn sẽ chỉ tối đa 15 phút, để tập trung cho việc đối thoại, đi thẳng, trực diện trả lời những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.

Sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, đặc biệt là về mặt nội dung, cách thức tiến hành các phiên họp, cùng những chỉ đạo sát thực, giảm tối đa tính hình thức - tiền đề cho một Kỳ họp QH sôi động, thực chất. Hơn hết, qua công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3 này, có thể thấy rõ rằng, thông điệp chuyển mạnh từ QH tham luận sang QH thảo luận, tranh luận đã, đang được tiếp nối và hiện thực hóa trong sinh hoạt nghị trường.

Theo Ý Nhi

Đại biểu nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên