MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc CDC Mỹ: “Việt Nam và Mỹ sẽ thúc đẩy quan hệ chiến lược về an ninh y tế"

Đặt trụ sở tại trung tâm Hà Nội, một trong những ưu tiên của văn phòng CDC Đông Nam Á là điều phối các hoạt động phòng chống Covid-19 trong khu vực.

“Việt Nam và Mỹ sẽ đẩy mạnh quan hệ chiến lược về an ninh y tế”, đó là nhận định của Tiến sĩ John MacArthur, Giám đốc Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ tại cuộc họp báo vừa diễn ra qua điện thoại. Đặt trụ sở tại trung tâm Hà Nội, một trong những ưu tiên của văn phòng CDC Đông Nam Á là điều phối các hoạt động phòng chống Covid-19 trong khu vực.

Theo Tiến sỹ John MacArthur, Việt Nam đóng vai trò quan trọng tại khu vực ASEAN, đóng vai trò lãnh đạo trong Chương trình nghị sự về An ninh Y tế Toàn cầu, và đáp ứng đủ điều kiện để Mỹ đặt văn phòng CDC khu vực tại Việt Nam. Quan trọng hơn, Mỹ muốn đẩy mạnh quan hệ chiến lược về An ninh y tế với Việt Nam.

“Khi nói về mối quan hệ hơn 70 năm của văn phòng CDC với Đông Nam Á, tôi muốn bắt đầu bằng câu chuyện một chuyến đi của các chuyên gia y tế phòng chống sốt rét CDC Mỹ đến Việt Nam làm việc ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong chuyến đi đó, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ lâu dài của chúng tôi với người dân Việt Nam. Việt Nam đã đóng vai trò lãnh đạo trong ASEAN; dẫn đầu các hoạt động trong Chương trình nghị sự về An ninh Y tế Toàn cầu. Chính phủ Việt Nam rất hoan nghênh và tạo điều kiện làm việc cho chúng tôi. Các bạn đã thấy, ngay trong lễ ra mắt văn phòng CDC khu vực tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham dự. Mở văn phòng khu vực tại Việt Nam, chúng tôi muốn tìm kiếm một sự hợp tác lâu dài với Việt Nam. Điều đó không phải là một cam kết 5 năm hay 10 năm, mà đó là mối quan hệ chiến lược chặt chẽ về An ninh y tế giữa Việt Nam và Mỹ, điều chúng tôi sẽ cùng nhau thực hiện lâu dài", ông John MacArthur cho biết.

Một trong những ưu tiên của văn phòng khu vực Đông Nam Á là điều phối các hoạt động phòng chống Covid-19 trong khu vực. Lĩnh vực trọng tâm ưu tiên của Văn phòng khu vực Đông Nam Á bao gồm ngăn chặn đối phó với dịch bệnh Covid-19,  mở rộng đào tạo xét nghiệm y tế công cộng khu vực, cải thiện sức khỏe cho dân số lưu động và di cư, hướng tới xóa bỏ các bệnh như sởi, dại và sốt rét, đồng thời hỗ trợ các sáng kiến chính sách đối ngoại của Chính phủ Mỹ trong khu vực. Cùng với đó là phát hiện, củng cố hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các bệnh lây từ động vật sang người và bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người. Trước đó, tại lễ khai trương Văn phòng CDC Đông Nam Á tại Hà Nội ngày 25/8, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết, Mỹ đang đào tạo các "thám tử" phát hiện bệnh tật, và chương trình này đã được triển khai ở châu Á từ những năm 1980.

"Đây thực sự là một chương trình cực kỳ quan trọng đối với lực lượng y tế. Đây là chương trình đào tạo những nhà dịch tễ học phản ứng lại với các đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm. Những chuyên gia này sẽ nhận các cuộc gọi phản ánh về các hiện tượng bất thường và điều tra phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đây là những chuyên gia có kỹ năng và kiến thức chuyên ngành, hợp tác chặt chẽ với các cố vấn, phòng thí nghiệm, với văn phòng CDC và Bộ Y tế các nước để phân tích tình hình và đưa ra chiến lược giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Với việc thành lập Văn phòng CDC Mỹ tại khu vực Đông Nam Á, chúng tôi sẽ tích cực làm việc với các đối tác để tăng cường hơn nữa, và đảm bảo tính bền vững của chương trình này", Giám đốc CDC Mỹ khu vực Đông Nam Á nói trong buổi họp báo qua điện thoại sáng 27/8.

Tiến sỹ John MacArthur cho biết, Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đã có lịch sử hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và người dân Việt Nam trong nỗ lực phòng chống các bệnh nguy hiểm như HIV, cúm gia cầm, SARS, và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.  Theo ông John MacArthur, Việt Nam được chọn là nơi đặt văn phòng CDC Mỹ còn nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển thông qua các chương trình PEPFAR (Kế hoạch Khẩn cấp của Tổng thống Mỹ về Cứu trợ AIDS) và các chương trình an ninh y tế toàn cầu khác.

Cho đến nay, Mỹ đã tài trợ hơn 23 triệu liều vaccine cho khu vực ASEAN, trong đó có 6 triệu liều vaccine cho Việt Nam. Tiến sỹ John MacArthur cho biết thêm Mỹ đã cam kết tài trợ 500.000 USD cho Quỹ ứng phó Covid-19 của ASEAN, để hỗ trợ việc mua thêm vaccine cho khu vực và sẽ bổ sung 500 triệu vaccine Pfizer để phân phối thông qua cơ chế COVAX.

Đánh giá về các nỗ lực phòng dịch Covid-19 ở Việt Nam, Tiến sĩ John MacArthur nhận định, Việt Nam đã kiểm soát dịch Covid-19 bước đầu một cách rất tốt. Tuy nhiên, khi biến thể Delta xuất hiện, công tác này trở nên khó khăn hơn và văn phòng CDC Mỹ đang nỗ lực hợp tác cùng Việt Nam để kiểm soát dịch bệnh.

“Ngay từ đầu, Việt Nam đã làm rất tốt việc phòng chống dịch bệnh. Tôi nghĩ rằng với sự xuất hiện của biến thể Delta, nó sẽ đặt ra nhiều thách thức hơn một chút. Hiện Việt Nam đang đẩy nhanh các nỗ lực tiêm chủng cho người dân. Một thông tin tốt là thông qua COVAX và các nỗ lực trao tặng vaccine khác, chúng tôi thấy ngày càng nhiều quốc gia đẩy mạnh nỗ lực tiêm chủng cho người dân - và tôi nghĩ đó là một công cụ quan trọng để kiểm soát dịch bệnh”.

Theo Hồ Điệp

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên