Giám đốc điều hành Do Ventures: "Quỹ nội địa đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn Covid"
Kể từ khi Covid xảy ra, số lượng thương vụ đầu tư nhiều nhất đến từ quỹ nội địa và quỹ có nhân sự tại Việt Nam.
Ngày 31.5.2021, Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đồng phát hành Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2020. Đây là dự án điển hình cho sự kết hợp thành công giữa một quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc khối tư nhân và một cơ quan nhà nước với mục tiêu chung xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Chúng tôi đã có trao đổi với bà Lê Hoàng Uyên Vy, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Do Ventures về những chuyển động của dòng vốn mạo hiểm vào các startups công nghệ trong năm 2020 cũng như tầm nhìn năm 2021 và các năm tới.
PV: Vy có thể chia sẻ cơ duyên khi kết hợp với NIC trong báo cáo lần này không?
Đây là lần đầu tiên Do Ventures kết hợp với một đơn vị nhà nước là NIC phát hành báo cáo về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Có 2 lý do tạo nên "cơ duyên" này.
Chúng tôi khi làm đầu tư thường xuyên kết nối với các quỹ đầu tư nước ngoài. Năm 2019 là năm bùng nổ dòng vốn mạo hiểm vào thị trường khởi nghiệp Việt Nam, cứ cách 2-3 tuần lại có một quỹ sang Việt Nam tìm hiểu, mức độ quan tâm của NĐT nước ngoài rất nhiều nhưng họ chưa đầu tư bao giờ. Do đó, có rất nhiều thông tin mà NĐT nước ngoài lo lắng về môi trường đầu tư tại Việt Nam, như "nghe đồn đầu tư vào Việt Nam rút tiền ra khó lắm", hay họ nghĩ Việt Nam rất sơ khai…
Các nhà đầu tư nội địa trở thành động lực chính rót vốn vào các startups năm 2020
Khi nghe các câu chuyện như vậy thì mình nghĩ là mình cần phải chia sẻ thông tin cho NĐT nước ngoài về các chính sách rõ ràng và khung pháp lý minh bạch của Chính phủ Việt Nam hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp để cho nhà đầu tư yên tâm. Nhưng không phải lúc nào mình cũng gặp được họ và có nhiều quỹ họ tới Việt Nam mà không gặp mình. Do đó khi có cơ hội được làm việc với các cơ quan chính phủ, trong đó có Bộ Kế hoạch & Đầu tư, lúc đó đơn vị phụ trách là Trung tâm đổi mới sáng tạp quốc gia (NIC), tôi thấy rất may mắn khi được các anh chia sẻ tầm nhìn rất rộng mở.
NIC chia sẻ tầm nhìn của Chính phủ đến 2030 nền kinh tế số sẽ đạt 30% GDP (so với mức 5% hiện nay), chính vì vậy NIC có nhiệm vụ thúc đẩy khung pháp lý cho khởi nghiệp. NIC đã chủ động mời chúng tôi hợp tác và chủ đề đầu tiên Do Ventures mong muốn truyền tải trong báo cáo 2020 là khung pháp lý và chính sách, mục tiêu của Chính phủ hiện nay đang hỗ trợ khởi nghiệp như thế nào.
Điều này sẽ giải quyết được 2 vấn đề chính. Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài sẽ hiểu được Startup và Innovation (đổi mới sáng tạo) đang được nhà nước ủng hộ. Hiện nay các Bộ Ban ngành tổ chức rất nhiều các sự kiện thường niên hỗ trợ khởi nghiệp như Techfest, Đề án 844, Vietnam Ventures Summits, các phòng trào cho sinh viên…
Thứ hai, báo cáo có tổng hợp các chính sách hỗ trợ cho startups và các ưu đãi của Nhà nước đối với hệ sinh thái khởi nghiệp. NIC có một trung tâm đã khai trương tại Tôn Thất Thuyết, Hà Nội (cơ sở chính ở Hòa Lạc khởi công vào đầu năm nay) với các cơ chế hỗ trợ cho startup như cung cấp co-working space, khung pháp lý khuyến khích các công ty được thử nghiệm ngành mới (sandbox), ưu đãi thuế..
Đó là với các startups, còn với các quỹ đầu tư mạo hiểm như Do Ventures, các bạn có nhận được sự hỗ trợ từ các Bộ ban ngành Nhà nước không?
Năm 2019, NIC đặt vấn đề với chúng tôi về việc ra báo cáo, điều này làm tôi ban đầu vô cùng ngạc nhiên khi thấy một cơ quan nhà nước có sự chủ động và cởi mở như vậy. Tôi đánh giá cao các sự kiện về khởi nghiệp do các Bộ tổ chức như Vietnam Ventures Summit hay Techfesh. Với Vietnam Ventures Summit Bộ Kế hoạch và đầu tư đã quy tụ được tới 200 quỹ đầu tư trong và ngoài nước giúp thu hút đầu tư đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp Việt Nam, trong khi đó Techfest hỗ trợ các startups giới thiệu gian hàng, set up các cuộc gặp 1:1 với nhà đầu tư. Các chương trình quy mô quốc gia sẽ kết nối các quỹ và startups dễ dàng hơn, và chúng tôi thực sự ghi nhận các hỗ trợ to lớn của nhà nước đối với hệ sinh thái khởi nghiệp trong thời gian gần đây.
Trong nửa đầu năm 2021, các quỹ ventures nội địa đóng góp chủ yếu trong các thương vụ giải ngân và Do Ventures thuộc top 5 các quỹ active nhất. Có phải do tác động của Covid không?
Đúng là kể từ khi Covid xảy ra, số lượng thương vụ đầu tư nhiều nhất đến từ quỹ nội địa và quỹ có nhân sự tại Việt Nam. Điều này là tất yếu bởi trong quy trình đầu tư, các quỹ phải đi khảo sát trực tiếp tới các công ty (onsite visit), thăm nhà xưởng, phỏng vấn không chỉ các nhà sáng lập mà cả nhân viên, khách hàng, ..
Khi Covid xảy ra, các chuyến bay bị giới hạn khiến NĐT nước ngoài không thể bay tới Việt Nam làm ảnh hưởng tới quy trình thẩm định (due diligence). Điều này khiến số lượng deal được rót vốn nửa đầu năm giảm rất nhiều. Đến quý 2/2020 mới hồi phục, đạt 60 thương vụ, tương đương 2019. Lý do là nhà đầu tư đã bắt đầu quen dần với trạng thái bình thường mới, không đến trực tiếp được thì làm onine. Có một số quỹ nước ngoài nhờ các quỹ nội địa (như Do Ventures) phối hợp làm chung các deal. Chúng tôi thời gian qua đã làm rất nhiều báo cáo onsite visit để hỗ trợ quá trình thẩm định từ xa của các nhà đầu tư nước ngoài.
Kể từ khi thành lập, do Ventures đã giải ngân vào 3 công ty, vậy tình hình sức khoẻ của các startup này thời gian qua như thế nào?
Thực tế Do Ventures rót vốn vào nhiều công ty hơn ngoài 3 thương vụ đã công bố là Palaxy, F99, Manabie. Các deal còn lại size khá bé, chúng tôi đầu tư từ vòng seed. Mùa Covid vai trò của nhà đầu tư nội địa rất quan trọng. Chúng tôi hiểu tiềm năng của thị trường nội địa, nên một số ngành như bán lẻ, du lịch có thể gặp khó khăn và bị ảnh hưởng bởi Covid nhưng chúng tôi vẫn đầu tư.
Nguồn vốn mạo hiểm đầu tư vào các startups công nghệ giảm mạnh trong năm 2020 do ảnh hưởng bởi Covid
Quay trở lại với các startups do Do Ventures đầu tư hoạt động như thế nào trong mùa dịch. Tôi lấy ví dụ trong mảng giáo dục, Manabie có cả điểm bất lợi và có lợi. Manabie hoạt động theo mô hình OMO (online kết hớp offline) với 5 trung tâm, học sinh không phải chỉ học giáo trình ở trường mà còn được định hướng nghề nghiệp theo mô hình mentor (người huấn luyện) giúp cá nhân hoá từng trải nghiệm của học viên. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch Covid hầu hết các trung tâm đều bị đóng cửa trong khi các khoá học online lại tăng trưởng. Do đó bản thân Manabie cũng có những khó khăn và thuận lợi nhất định.
Với Palexy, công ty này dùng công nghệ để phân tích dữ liệu trong ngành bán lẻ. Palexy ra đời nhằm giúp các nhà bán lẻ truyền thống hiểu khách hàng, tối ưu vận hành cửa hàng vật lý và trải nghiệm khách hàng thông qua ứng dụng các công nghệ AI và Big Data. Tuy nhiên có một vấn đề xảy ra là mùa Covid, các khách hàng đều đeo khẩu trang, do đó các phân tích lúc này không mang lại kết quả và phải thay đổi nhiều trong thuật toán, qua đó Palexy bị ảnh hưởng trực tiếp. Ngược lại, Palaxy có thời gian tập trung hơn vào sản phẩm, nghiên cứu tính năng mới.
Với F99 , do Covid nên mọi người mua đồ online nhiều hơn, mùa dịch là mùa tăng trưởng mạnh nhất.
Nhận định của Do Ventures về dòng vốn vào các startups công nghệ năm 2021 và 2022 như thế nào?
Đầu năm 2020 chúng ta còn đoán xem khi nào dịch sẽ kết thúc nhưng ở thời điểm này rõ ràng năm 2021 vẫn còn khó khăn và ngành du lịch chưa thể mở cửa. Do đó, các nhà đầu tư đã có những dự báo rõ ràng hơn và quen với trạng thái bình thường mới. Họ có thể tìm cơ hội đầu tư chung với các quỹ nội địa để tối ưu quá trình thẩm định.
Tôi tin rằng sau khủng hoảng sẽ là thời điểm bùng nổ thị trường đổi mới sáng tạo. Đơn cử, năm 2002 khi SARS bùng nổ, do người bán hàng bắt buộc phải bán online nên Alibaba tăng trưởng vượt bậc, năm 2003 học cho ra mắt Taobao, thay đổi hoàn toàn thị trường bán lẻ ở Trung Quốc và thành công ty tỷ USD. Hay như giai đoạn khủng hoảng tài chính đã tạo ra mô hình kinh tế chia sẻ với sự ra đời của Uber, Grab, hay các sản phẩm mới như Bitcoin và P2P Lending (cho vay ngang hàng)…
Nhà đầu tư tin rằng, sau mỗi đợt khủng hoảng sẽ là trạng thái bình thường mới. Trước đây, nhiều doanh nghiệp không chú trọng chuyển đổi số nhưng giờ đã mạnh dạn chi tiền trong quản trị doanh nghiệp. Năm nay nhiều startups nhìn thấy cơ hội, vì đây là thời làm thật ăn thật chứ không phải làm để chạy theo trend. Nên những nhà sáng lập xác định xây dựng công ty một cách nghiêm túc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Theo đánh giá của chúng tôi, năm 2021, với các vòng huy động vốn nhỏ (seed, pre A), các thương vụ sẽ tăng trở lại. Nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội trong chuyển đổi số và nhiều ngành thuộc lĩnh vực giải trí với lượng người dùng tăng vọt. Trong khi đó các công ty gọi vốn ở vòng sau, series B,C vẫn phải phụ thuộc vào việc di chuyển quốc tế được khôi phục, giả sử đâu đó trong năm 2022 khi các nước đã có miễn dịch cộng đồng và được tiêm đầy đủ vaccine. Với sự xuất hiện của nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong vòng hai năm qua, nguồn vốn sẽ sớm dồi dào trở lại nếu các startup của chúng ta nắm bắt cơ hội kịp thời.
Xin cảm ơn bà!