Giám đốc khu vực châu Á của WEF: Việt Nam sẽ phải đối diện với thách thức khi công nghệ "phá bĩnh"
Lực lượng lao động trẻ là lợi thế lớn của Việt Nam, nhưng cuộc cách mạng 4.0 cũng đang làm thay đổi hoàn toàn bản chất của việc làm, đem đến nhiều thử thách với tốc độ nhanh chưa từng thấy và sẽ ngày một tăng lên.
Trao đổi với Trí Thức Trẻ, ông Justin Wood, Giám đốc khu vực châu Á của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã có nhiều chia sẻ liên quan đến vị thế, tương lai phát triển của Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhiều lần đề cập đến công nghệ là một trong những yếu tố chủ chốt tác động đến các nền kinh tế ASEAN, vậy theo ông Việt Nam đã thích ứng với công nghệ đến đâu?
Việt Nam còn có một chặng đường dài cần phải đi. Khi nói đến cách mạng công nghiệp 4.0, có nghĩa là đang nói đến nền tảng kết nối. Ở đó, con người, vạn vật được kết nối với nhau.
Đơn cử như ở một thành phố thì xe cộ, đèn hiệu, các tòa nhà, các con đường phải có sự liên kết nhất định. Tại Việt Nam, theo tôi nhận thấy, sự kết nối giữa con người với con người là tốt nhưng về cơ sở hạ tầng thì chưa. Tôi nghĩ là Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận thức được còn rất nhiều việc phải làm để đất nước này có thể sẵn sàng ứng dụng một cách hiệu quả các công nghệ mới đang nổi lên trong cách mạng 4.0.
Ông Justin Wood, Giám đốc khu vực châu Á của WEF
Tuổi trẻ - Công nghệ - Tăng trưởng là 3 yếu tố được ông nhấn mạnh là làm nên tương lai của khu vực ASEAN. Hiện Việt Nam có dân số trẻ, tăng trưởng trung bình khoảng 6%/năm, công nghệ cũng được tiếp nhận nhanh chóng. Theo đánh giá của ông, vị thế của Việt Nam sẽ ở đâu trên bản đồ của khu vực về kinh tế?
Nhìn khắp ASEAN thì khu vực này đang làm khá tốt, đã có một số nền kinh tế phát triển và giàu có như Singapore – nhưng đang tốc độ tăng trưởng chậm lại, và sự vươn lên của các quốc gia ở nấc thấp hơn như Việt Nam.
Nhìn về tương lai, Việt Nam có khả năng tăng trưởng nhanh chóng trong nhiều năm nữa để bắt kịp các quốc gia khác. Một trong những mục tiêu mà Việt Nam nên theo đuổi là tăng cường mở cửa với quốc tế, kết nối kinh tế Việt Nam với chuỗi giá trị cũng như hệ thống sản xuất và dịch vụ toàn cầu. Đây sẽ là một trong những động cơ giúp kinh tế đất nước tăng trưởng.
Về nguồn nhân lực, có trong tay lực lượng lao động trẻ là một lợi thế lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhớ rằng cách mạng 4.0 làm thay đổi hoàn toàn bản chất của việc làm và đem đến rất nhiều thử thách, với tốc độ thay đổi nhanh chưa từng thấy và sẽ ngày càng tăng lên.
Do đó đối với một quốc gia như Việt Nam thì thách thức là làm thế nào để bắt kịp với hoàn cảnh mọi thứ đều đang tăng tốc. Việc thích ứng với những công nghệ "phá bĩnh" ở các ngành nghề truyền thống là thách thức khá lớn.
Tôi được biết là ở Việt Nam có rất nhiều công nhân da giày và dệt may, vào khoảng 5 triệu người, nhưng ngày nay ở nhiều nơi các robot công nghiệp đang "cướp đi" việc làm của những người công nhân trên dây chuyền sản xuất. 10 năm nữa những công nhân này có thể mất việc khi mà robot có thể may quần áo và đóng giày với chi phí rẻ hơn nhiều. Đây sẽ là câu hỏi lớn mà Việt Nam cần phải giải đáp.
Tuy nhiên đây cũng không nhất thiết là một câu chuyện tồi tệ. Nó hoàn toàn có thể trở thành một câu chuyện tốt đẹp khi công nghệ cũng giúp tạo ra các việc làm hoàn toàn mới. Nhưng đó là thách thức lớn, đòi hỏi phải dịch chuyển từ mô hình kinh tế hiện tại sang mô hình của tương lai phù hợp với các thay đổi công nghệ.
Đối với blockchain – vốn đang được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây, ông nghĩ Việt Nam có cơ hội gì?
Tôi nghĩ là blockchain sẽ tạo ra cuộc cách mạng ở tất cả các quốc gia và những cơ hội mà công nghệ này mang lại là rất rộng lớn. Sẽ là sai lầm nếu như cho rằng blockchain chỉ có những thứ như bitcoin và tiền số. Blockchain là thứ to lớn hơn rất nhiều. Ví dụ như ở WEF chúng tôi đang tìm cách sử dụng công nghệ blockchain để theo dõi lượng cá trong đại dương hay theo dõi lượng nước sử dụng, đó là những ứng dụng về môi trường.
Ý tưởng ở đây là có thể để công nghệ tự kiểm soát nó mà không cần đến một cơ quan quản lý tập trung. Đó có thể là cách để Việt Nam có thể sử dụng công nghệ blockchain một cách tốt nhất.
WEF sẽ làm gì để hỗ trợ Việt Nam trong sự thay đổi nhanh chóng của cách mạng 4.0?
WEF và Chính phủ Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác công tư (PPP) và thỏa thuận hợp tác này có trọng tâm là giúp Việt Nam hiểu rõ hơn về cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như làm thế nào để chuẩn bị sẵn sàng thích ứng với cuộc cách mạng này.
Quá trình này vẫn đang được triển khai. Đơn cử như WEF đang làm việc với Bộ LĐ-TB&XH để nghiên cứu về tương lai việc làm, các kỹ năng mà người lao động cần đến. Chúng tôi thực hiện một khảo sát trên toàn cầu, yêu cầu các lãnh đạo doanh nghiệp liệt kê những việc làm và kỹ năng mà họ cần đến ở người lao động trong 5 năm nữa, so sánh với hiện tại.
Khảo sát này sẽ cho thấy khoảng cách giữa những gì chúng ta đang có và những gì sẽ cần đến trong tương lai. Khi đã biết khoảng cách là gì, chúng ta có thể cải cách chương trình đào tạo, tạo ra những nhân lực đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong tương lai. WEF và Bộ LĐ-TB&XH đang làm việc này, sẽ có kết quả vào tháng 9 tới. Đó là cách WEF giúp Chính phủ Việt Nam định hình chính sách để thích nghi tốt với tương lai khó đoán mà CMCN 4.0 mang lại.
Hội nghị WEF ASEAN 2018 do Việt Nam và WEF tổ chức sắp diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11-13/9 với chủ đề ASEAN Thời đại 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Diễn đàn tập trung xây dựng những phương hướng mới trong công tác quản trị quốc gia và địa chính trị, tăng cường các hoạt động kinh doanh, thúc đẩy kinh tế và thiết lập những chính sách mới nhằm hỗ trợ cho sự phát triển bền vững và toàn diện.
Dự kiến Hội nghị sẽ có khoảng 55 phiên thảo luận, tập trung vào các nhóm vấn đề được ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng quan tâm như: Tìm kiếm các mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số, doanh nghiệp với cách tiếp cận mới đối với quản trị toàn cầu và khu vực…