MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc phân tích TVSI: "Dòng tiền cứ vào thì chúng ta sẽ có những đỉnh cao mới"

Giám đốc phân tích TVSI: "Dòng tiền cứ vào thì chúng ta sẽ có những đỉnh cao mới"

Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ thường sẽ có một tỉ trọng margin thấp hơn so với nhóm bluechip, và trong giai đoạn gần đây những nhóm đó lại tăng rất mạnh, tăng liên tục chứng tỏ dòng tiền đó là dòng tiền thực.

Theo Bloomberg, VNIndex từ đầu năm đến nay đã tăng trên 32%, trong đó riêng 6 tháng đầu năm 2021 tăng27,6%. Bước sang quý 3, sự phân hoá diễn ra rõ rệt, dòng tiền đứng ngoài những nhóm ngành dẫn dắt thị trường đầu năm như ngân hàng, thép…, trong khi midcap đều tăng bằng lần. Trả lời trên Talkshow Phố Tài chính, các chuyên gia cho biết, sự luân chuyển ngắn hạn sẽ còn diễn ra.

BTV Mùi Khánh Ly: Xuất hiện hiện tượng dòng tiền đổ vào nhiều cổ phiếu midcap và penny, bất kể cổ phiếu đó có kinh doanh có lãi hay không. Theo các ông tại sao lại có hiện tượng như vậy?

Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Nghiên cứu CTCK VCB (VCBS)

Nhìn nhận nửa đầu năm rõ ràng là thị trường rất tích cực, chúng ta có một hệ thống mới, lãi suất rất thấp và mặt bằng giá thời điểm đấy vẫn hấp dẫn. Như vậy dòng tiền sẽ tìm đến những nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và kéo theo đó tạo ra một đợt sóng tăng rất mạnh. Tuy nhiên câu chuyện của nửa cuối năm nó lại hoàn toàn ngược lại đó là mặt bằng giá lúc này khá cao trong khi nhu cầu đầu tư vẫn đang rất dồi dào tạo ra một sự luân chuyển, nhà đầu tư sẽ buộc phải tìm đến những cơ hội với các cổ phiếu ở tầm trung hơn nhưng vẫn chứa đựng những câu chuyện riêng, hoặc chứa đựng khả năng tăng trưởng về kết quả kinh doanh đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch.

Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc phân tích CTCK Tân Việt (TVSI)

Từ tháng 7 năm 2021 đến nay, VN-midcap tăng 28%, VN-smallcap tăng 40% có nghĩa là nhà đầu tư đang chạy theo các cổ phiếu có thị giá thấp hơn, hoặc có những câu chuyện ví dụ giá cả hàng hóa, đầu tư công, bất động sản sau đại dịch… Tuy vậy tôi cũng lưu ý với chúng ta rằng là không nên nghe hô hào nhiều quá, nếu như bạn mua một cổ phiếu giá 40.000 đồng, nó hoàn toàn có thể tăng lên 50.000 nhưng sau đó, nó có thể giảm xuống còn 20.000 thì chưa chắc đã xứng đáng mua là vì nó không đủ biên an toàn.

BTV Mùi Khánh Ly: Trong những phiên gần đây, thanh khoản liên tục tăng lên các mức cao, theo ông, đó là dòng tiền mới vào hay là tiền cũ luân chuyển?

Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc phân tích CTCK Tân Việt (TVSI)

Quan sát của tôi trước đây trung bình mỗi tháng thị trường có khoảng tầm 20 nghìn tài khoản mở mới trong đó 10% - 15% số lượng tài khoản đó active. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại tài khoản mở mới là 120.000 mỗi tháng, tôi cho rằng tỷ lệ active khá cao, thậm chí đạt 50% - 60% trở lên. Nó thể hiện bằng hai thông số như thế này. Công ty chứng khoán full margin từ quý 2 năm 2021 đến thời kỳ hiện tại thì khó có thể nở thêm được nhiều. Thế nhưng giá trị giao dịch của thị trường vẫn tăng rất mạnh, gần gấp rưỡi so với trước đây ở thời điểm đỉnh. Bây giờ một phiên có thể lên đến gần 50.000 tỷ giao dịch cả thị trường. Thứ hai là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ thường sẽ có một tỉ trọng margin thấp hơn so với nhóm bluechip, và trong giai đoạn gần đây những nhóm đó lại tăng rất mạnh, tăng liên tục chứng tỏ dòng tiền đó là dòng tiền thực.

Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Nghiên cứu CTCK VCB (VCBS)

Cũng rất là đồng tình với ý kiến của anh Nam, ngoài ra nữa thì thời điểm này tôi cho rằng độ thông hiểu của các thành phần dân cư về thị trường chứng khoán cao hơn trước có lẽ là vài lần và cái đấy cũng là một cái chỉ báo rất quan trọng để thấy rằng mức độ quan tâm của các nhà đầu tư đã tăng lên. Và điều đó cũng thể hiện là có dòng tiền mới vẫn đang ở thị trường và vẫn sẽ tiếp tục ở thị trường.

BTV Mùi Khánh Ly: Vậy theo liệu hiện tượng luân chuyển dòng tiền với chu kỳ ngắn còn tiếp tục trong thời gian tới?

Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc phân tích CTCK Tân Việt (TVSI)

Tôi vẫn nhận thấy dòng tiền hiện tại tương đối mạnh. Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng VN-index sẽ đạt được những đỉnh cao mới. Tuy nhiên, nếu xét theo lịch sử thì tôi cho rằng lợi nhuận của các doanh nghiệplớn có thể sẽ chưa tăng ở mức tương xứng. Tuy nhiên, nếu dòng tiền cứ vào thì chúng ta vẫn sẽ tiếp tục có những đỉnh cao mới.

Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Nghiên cứu CTCK VCB (VCBS)

Điều quan trọng nhất để thị trường có thể bứt phá mạnh là cần phải có một nhóm cổ phiếu trụ cột dẫn dắt, thật sự vững vàng đặc biệt là đến từ nền tảng cơ bản. Ở thời điểm nửa cuối năm 2021 này, chúng ta vẫn phải đối diện với dịch bệnh, phải tìm cách phục hồi kinh tế thì việc tìm kiếm một nhóm ngành đủ mạnh dẫn dắt thị trường rất khó. Về mặt lựa chọn các cổ phiếu thì các nhà đầu tư cần tiếp tục nâng cao kiến thức và sự hiểu biết của mình, tìm đến nhóm cổ phiếu đảm bảo sự tăng trưởng về yếu tố cơ bản.

Châu Cao

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên