Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM: " Thành phố không nên khuyến khích làm đại trà nhà 100 triệu"
Tại buổi họp chiều ngày 23/2, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM cho rằng thành phố có khả năng làm được nhà 100 triệu ở một hai vị trí, ban đầu có thể đáp ứng được nhu cầu thực tế song về lâu dài lại phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng sự phát triển bền vững của TP.
- 23-02-2017TPHCM cần 1 triệu căn nhà giá rẻ trong 10 năm tới
- 16-02-2017Vingroup làm nhà giá rẻ ngay sát sườn Ecopark, nhưng ông chủ đầu tư Ecopark lại có phản ứng vô cùng bất ngờ!
- 13-02-2017Cận cảnh khu nhà giá rẻ gần 2.000 căn hộ vắng bóng người tại huyện Bình Chánh
- 09-02-2017Khi Bí thư Thăng lên xe đi Bình Dương tìm hiểu nhà giá rẻ
Chiều 23/2, Sở Xây dựng TP.HCM đã tổ chức họp báo định kỳ để cung cấp thông tin cho báo chí về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Tại đây, nhiều câu hỏi xoay quanh việc thành phố có đầu tư phát triển nhà ở 100 triệu đồng được không, vị trí nào thuận lợi nhất và các chính sách hỗ trợ ra sao...
Tuy nhiên, trả lời nhiều cầu hỏi của báo chí, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho biết, để làm nhà 100 triệu đồng TP.HCM cần phải có 3 đủ điều kiện: không mất chi phí về đất (như: giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất trong chi phí đầu tư); không tính chi phí đầu tư hạ tầng (vị trí dự án đã có sẵn hạ tầng) hoặc tính vào một dự án cái khác; diện tích nhà 25 m2 (mỗi m2 giá 4 triệu đồng).
"Trước khi Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cùng đoàn gồm nhiều sở ngành đi Bình Dương tham quan mô hình làm nhà ở 100 triệu tại đây. Qua cuộc khảo sát một ngày, tôi nhận thấy TP.HCM có khả năng làm được như vậy nhưng rất ít", Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nói.
Thành phố khác Bình Dương ở chỗ các chung cư nhà ở an sinh xã hội của Becamex đều nằm trong khu vực đã được quy hoạch thành phố mới Bình Dương có quy mô 1.011 ha, cách trung tâm thành phố Thủ Dầu Một khoảng 3 km; hoặc bên cạnh các khu công nghiệp, đã được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, giao thông thuận lợi không bị ùn tắc, có cả các tuyến xe buýt nhanh; đã có hệ thống hạ tầng xã hội như trường học, mẫu giáo, nhà trẻ, bệnh viện, công viên, khu thể dục thể thao, vui chơi giải trí, thương mại;
Trong khi đó, tại Bình Dương chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư đường giao thông kết nối, chi phí xây dựng hệ thống cấp nước, cấp điện, chiếu sáng công cộng, thoát nước bẩn đến ranh công trình chung cư; chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội, dịch vụ (trường học, mẫu giáo, nhà trẻ, bệnh viện, công viên, khu thể dục thể thao, vui chơi giải trí, thương mại...) đều được Becamex đầu tư xây dựng 100%, không phân bổ vào giá thành căn hộ nhà ở an sinh xã hội này.
Theo đó, qua rà soát, thành phố chỉ có 2 khu vực có đủ điều kiện và phải gắn với nhà lưu trú công nhân, khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo ông Tuấn, điều kiện của TP. HCM và Bình Dương khác nhau hoàn toàn. Do vậy không phải Bình Dương làm nhà 100 triệu thì thành phố cũng làm tương tự.
Mặt khác, nhà ở thu nhập thấp hay nhà thương mại cũng đều là thị trường. Trong phân khúc thu nhập thấp cũng có nhiều đối tượng khác nhau vì điều kiện kinh tế, mức sống và khả năng mua nhà khác nhau. Nhà diện tích 25 m2 thì mật độ dân số sẽ dồn về khu đó rất cao, dẫn đến nhiều vấn đề không đảm bảo như nguồn điện, cây xanh, cơ sở hạ tầng…
Đồng quan điểm này, Trưởng phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản Phan Trường Sơn cho rằng đặc điểm của Bình Dương là thực hiện tại những khu đô thị hoàn chỉnh, đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, trong khi các chung cư xây dựng quy mô 5 tầng và không có thang máy.
Ngoài ra chi phí giải phóng mặt bằng, hệ thống hạ tầng… được công ty Becamex đầu tư 100% mà không phân bổ vào giá thành căn hộ. Đồng thời khu vực này có nhu cầu về nhà trọ rất lớn, và Bình Dương cũng đã có chủ trương xuyên suốt.
Tiếp tục vấn đề, ông Tuấn dẫn lời của lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết hiện nay địa phương này vẫn có thể làm tiếp nhà giá 100 triệu, tuy nhiên “nếu làm ra cũng không có người mua nên Bình Dương không làm nữa”.
Từ các lý do trên, ông Trần Trọng Tuấn nhấn mạnh: “Thành phố không khuyến khích phát triển nhà 100 triệu, nếu có nó chỉ là loại hình căn hộ gắn với nhà lưu trú công nhân, gắn với khu chế xuất, khu công nghiệp”. Tuy nhiên, thay vào đó thành phố vẫn sẽ đầu tư phát triển nhà thu nhập thấp trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, vì ở đó có hạ tầng kỹ thuật hạ tầng xã hội để quyết định quy mô đầu tư.
Không những vậy, ông Tuấn cũng cho biết thêm trong phân khúc thị trường thu nhập thấp cũng có những nhu cầu khác nhau tùy theo khả năng, điều kiện của từng gia đình, chính vì thế TP.HCM sẽ tính toán để làm căn hộ theo từng mức giá khác nhau trong cùng phân khúc này.
“Để có nhà thu nhập thấp phải có sự quyết tâm không chỉ từ phía chủ trương của cấp ủy, quyết liệt của chính quyền mà còn phải có sự tham gia góp sức của các doanh nghiệp”, ông Tuấn chia sẻ, và thông báo rằng “hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp tích cực”.
Báo cáo quý I/2017 của Sở này cho thấy UBND TP.HCM vừa công nhận chủ đầu tư 1 dự án nhà ở xã hội, tổng diện tích sàn xây dựng 92.426m2, với quy mô 1.109 căn hộ. Ngoài ra, thành phố cũng chấp thuận đầu tư 10 dự án khác có tổng diện tích sàn xây dựng 587.721m2, với quy mô 6.602 căn hộ. Trong năm 2015 đã xây dựng hoàn thành 2 dự án nhà ở xã hội với quy mô 1.260 căn; khởi công 2 dự án mới gồm 1.937 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng là 144.792m2.