MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản: Những khác biệt trong sự tiếp nối giữa "ông Lệnh hòa" Suga Yoshihide và người tiền nhiệm Abe Shinzo

Trao đổi với Trí thức trẻ bên lề chuyến công du đầu tiên của tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sang Việt Nam, ông Phan Cao Nhật Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, mặc dù cùng chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên, vẫn có những dấu hiệu thể hiện sự khác biệt của chính quyền Suga.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản: Những khác biệt trong sự tiếp nối giữa ông Lệnh hòa Suga Yoshihide và người tiền nhiệm Abe Shinzo - Ảnh 1.

Ông Suga đến nay vẫn được người Nhật Bản gọi với cái tên là "Ông Lệnh Hòa" vì ông là người được ủy quyền công bố thời khắc đổi Niên hiệu vào năm 2019. Sự kiện này có gì đặc biệt với con đường chính trị của ông Suga?

Trước tiên là tên Lệnh Hòa (Reiwa), được lấy từ Manyoshu (Vạn diệp tập), tập thơ cổ nhất của Nhật Bản được lưu truyền đến ngày nay. Xuất phát từ bối cảnh thơ văn, "Reiwa" nghĩa là "Hài hòa tốt đẹp". Ý nghĩa của niên hiệu mới là: "Văn hóa được nuôi dưỡng khi mọi người đối xử với nhau bằng tình cảm đẹp đẽ xuất phát từ trái tim".

Niên hiệu mới tượng trưng cho hy vọng tất cả người dân Nhật Bản sẽ đạt được khát vọng của mình, như những bông hoa mơ nở rộ sau mùa Đông khắc nghiệt. Thông qua việc sử dụng văn học cổ điển Nhật để đặt niên hiệu mới, Nhật Bản hy vọng lịch sử, truyền thống, văn hóa và thiên nhiên của đất nước mặt trời mọc sẽ được trao lại cho các thế hệ kế tiếp.

Ông Suga đã trở nên nổi tiếng trong nước và quốc tế khi ông là người cầm bảng công bố tên niên hiệu quốc gia mới, Reiwa, vào ngày 1/4/2019, và được gắn với biệt danh là ông Lệnh Hòa (Reiwa Ojisan). Vinh dự này đã giúp ông Suga ngay lập tức được công nhận tên tuổi và khiến nhiều nhà lập pháp LDP xem ông như một ứng cử viên khả thi cho vị trí lãnh đạo đảng. Tên ông càng được nhắc đến sau chuyến thăm đến Washington Mỹ, vào tháng 5/2019 để gặp Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence và các quan chức cấp cao khác.

Có thể nói tên "ông Lệnh Hòa" đánh dấu thời điểm vai trò của ông Suga được nâng lên và thừa nhận trong chính trường Nhật Bản.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản: Những khác biệt trong sự tiếp nối giữa ông Lệnh hòa Suga Yoshihide và người tiền nhiệm Abe Shinzo - Ảnh 2.

Ông từng nhận định, tân Thủ tướng Suga và người tiền nhiệm Abe Shinzo là "hai người bạn cùng chí hướng". Tại sao lại như vậy?

Ông Suga được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông vào tháng 11/2005 dưới thời Thủ tướng Junichiro Koizumi. Ông được thăng chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông và Bộ trưởng Tư nhân hóa Dịch vụ Bưu điện trong giai đoạn cầm quyền lần đầu tiên của Thủ tướng Abe Shinzo vào tháng 9/2006, và bổ sung vào danh sách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vào tháng 12/2006.

Ông Suga vẫn thân thiết với ông Abe Shinzo trong cuối những năm 2000 và đầu những năm 2010, và thúc giục ông Abe tranh cử chức chủ tịch LDP vào năm 2012.

Ông Suga tư vấn ông Abe tập trung vào kinh tế hơn tham vọng lâu dài. Cụ thể là sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp, trong đó cấm Nhật Bản sử dụng quân đội để giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Chính vì sự tin tưởng này, sau khi ông Abe chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2012, ông Suga được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Nội các thứ hai của Abe vào tháng 12/2012. Ông Suga là Chánh văn phòng Nội các tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản với 2.820 ngày. Khoảng thời gian giữ chức vụ này của ông dài hơn gấp đôi so với người giữ chức lâu thứ hai - ông Yasuo Fukuda với 1.289 ngày.

Đặc biệt, trong giai đoạn cầm quyền lần 2, nhiều vị trí trong nội các ông Abe thay đổi, nhưng vị trí chánh văn phòng nội các được giữ nguyên, chứng tỏ sự đồng tư tưởng giữa hai ông.

Thực tế, để trở thành thủ tướng Nhật Bản, ông Suga Yoshihide đã có được sự ủng hộ của ông Abe. Bản thân ông Suga không chỉ là người ủng hộ nhiệt tình và bảo vệ các chính sách của ông Abe mà còn bày tỏ cam kết rõ ràng về việc tiếp nối các chính sách này.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản: Những khác biệt trong sự tiếp nối giữa ông Lệnh hòa Suga Yoshihide và người tiền nhiệm Abe Shinzo - Ảnh 3.

Trong chuyến công du đầu tiên này, điểm đến của Thủ tướng Suga không phải là Mỹ - đồng minh thân cận của Nhật Bản mà lại là Việt Nam. Báo chí quốc tế cho rằng nguyên nhân chính là tình hình Covid-19. Nếu phân tích theo khía cạnh ngoại giao, theo ông lý do là gì?

Trước hết, cần hiểu rõ rằng, chính sách đối ngoại của Nhật Bản luôn coi quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ làm nền tảng. Thực tế, Thủ tướng Suga đã điện đàm với Tổng thống Donald Trump. Song thời điểm này, tại Mỹ sắp diễn ra bầu cử Tổng thống, đến nay chưa thể khẳng định ai sẽ là người đắc cử, do đó chuyến thăm Mỹ lúc này có lẽ là không phù hợp.

Mặt khác, Nhật Bản coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam. Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng, khi tiếp giáp với Biển Đông, là cửa ngõ hành lang kinh tế đông tây và hành lang kinh tế phía nam. Việt Nam không có mâu thuẫn lợi ích với Nhật Bản, đồng thời đang là quốc gia tăng trưởng nhanh, chính trị-xã hội ổn định và gia tăng vai trò trong khu vực ASEAN. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã làm tốt vai trò dẫn dắt các nước thành viên tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, vì các mục tiêu chung của ASEAN. Quan hệ Việt-Nhật hiện nay là đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á, hai nước có thể tận dụng và phát huy những lợi thế của mình trong hợp tác chính trị-an ninh và kinh tế.

Hơn nữa, Việt Nam cũng đang là một trong những lựa chọn của Nhật Bản nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ rõ nguy cơ phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung ứng Trung Quốc. Nhật Bản đã công bố chương trình trị giá 23,5 tỷ JPY (tương đương 220 triệu USD), được tích hợp vào gói kích thích kinh tế khẩn cấp của Chính phủ Nhật Bản nhằm giúp các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, đây cũng là một yếu tố thể hiện tính tiếp nối chính sách của người tiền nhiệm - cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Sau khi trở lại cầm quyền lần thứ 2 vào cuối năm 2012, chuyến công du đầu tiên của cựu Thủ tướng Abe là đến Việt Nam và Indonesia.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản: Những khác biệt trong sự tiếp nối giữa ông Lệnh hòa Suga Yoshihide và người tiền nhiệm Abe Shinzo - Ảnh 4.

Vậy có phải chính sách ngoại giao của Nhật Bản với Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ không có thay đổi quá lớn?

Tôi nghĩ là như vậy. Bởi ông Suga là cánh tay đắc lực, cụ thể là chánh văn phòng nội các dưới thời ông Abe nên tư tưởng chính sách có sự tương đồng. Ngoài ra, Nội các mới của Thủ tướng Suga giữ nguyên vị trí Bộ trưởng Ngoại giao của ông Motegi Toshimitsu. Nội các mới gồm 20 thành viên, trong đó có 15 người là quan chức từ thời cựu Thủ tướng Abe Shinzo hoặc trước đó, nên trên thực tế, có thể coi đây là một bước kéo dài từ chính quyền ông Abe.

Theo quy định của đảng Dân chủ Tự do (LDP), nếu chủ tịch từ chức trong nhiệm kỳ của mình, chủ tịch mới sẽ được bầu lại với nhiệm kỳ của chức vụ sẽ tiếp tục nhiệm kỳ của người tiền nhiệm. Trong lần này là sẽ đến tháng 9/ 2021, bầu cử chủ tịch LDP sẽ diễn ra nên thời gian cho ông Suga chắc chắn cầm quyền chưa nhiều. Điều quan trọng với ông Suga hiện nay là giữ ổn định trong đảng, nên về cơ bản đường lối ngoại giao của Nhật Bản không có sự thay đổi quá lớn, trong đó có quan hệ với Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng, Thủ tướng Suga sẽ là người rất giỏi về nội trị với 8 năm kinh nghiệm phụ trách Chánh Văn phòng Nội các. Theo ông, việc nội trị của tân Thủ tướng sẽ có điểm gì khác biệt?

Nhật Bản đang thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động nhằm phát huy năng lực của phụ nữ đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước, đồng thời giải quyết việc thiếu hụt nguồn nhân lực lao động do già hóa dân số. Ông Suga là người coi trọng vị trí, vai trò của phụ nữ trong xã hội, điều vốn đang bị xem là còn bất bình đẳng trong xã hội Nhật Bản.

Điều này cũng thể hiện sự khác biệt của chính quyền Suga, trong bối cảnh nhiều nhận định đánh giá là ông sẽ tiếp nối tư tưởng chính sách của người tiền nhiệm Abe Shinzo.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản: Những khác biệt trong sự tiếp nối giữa ông Lệnh hòa Suga Yoshihide và người tiền nhiệm Abe Shinzo - Ảnh 5.

Nhật Bản đang ở trong một giai đoạn chuyển giao giữa các giá trị truyền thống và xu hướng toàn cầu hóa. Các chính sách ở trong giai đoạn giao thoa này sẽ có xu hướng thiên về duy trì giá trị cũ hay tích cực đổi mới theo xu hướng quốc tế?

Thực tế, trong những năm qua, Nhật Bản đã có những thay đổi lớn nhằm thích nghi phù hợp với bối cảnh quốc tế đầy biến động hiện nay. Năm 2010, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Trung Quốc từ bỏ chính sách "giấu mình chờ thời", trỗi dậy tự tin nhằm cạnh tranh với Mỹ, từng bước thay đổi trật tự khu vực và thế giới.

Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra quan điểm cơ bản là "Chủ nghĩa hòa bình tích cực" dựa trên chủ nghĩa hợp tác quốc tế, thay cho chủ nghĩa hòa bình thụ động vẫn tồn tại từ trước đến nay. Có nghĩa là Nhật Bản sẽ chủ động can dự, đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới.

Việc Đồng minh Nhật-Mỹ điều chỉnh phương châm phòng thủ vào năm 2015 là một sự thay đổi thể hiện Nhật Bản sẵn sàng đảm nhận một vai trò lớn hơn trong duy trì hòa bình và ổn định không chỉ tại khu vực mà còn trên thế giới.

Việc sửa đổi Hiến Pháp cũng là mục tiêu của nhiều đời thủ tướng. Năm 2015, Nhật Bản đã diễn giải Hiến pháp cho phép sử dụng quyền phòng thủ tập thể để phù hợp với tình hình thực tế quốc tế hiện nay. Trên cơ sở đó, xây dựng luật an ninh mới. Đây là sự thay đổi lớn trong chính sách hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản và là thành quả lớn trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe Shinzo.

Trong xu hướng quốc tế nhiều thay đổi, tân Thủ tướng Suga sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những những thành quả của người tiền nhiệm Abe Shinzo. Mục tiêu xuyên suốt trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản là nâng cao vị thế và vai trò của Nhật Bản trên quốc tế. Tuy nhiên, Thủ tướng Suga cần có thời gian để thể hiện vai trò lãnh đạo của mình.

Sự hợp tác về nhiều mặt với các nền kinh tế trẻ, năng động đang phát triển như Việt Nam có thể đem lại điều gì tích cực cho cả hai bên?

Nhật Bản đang phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số trầm trọng, hay siêu già hóa. Tổng dân số, cũng như số người trong độ tuổi lao động từ 14 đến 64 đang trong xu hướng giảm dần.

Trong bối cảnh già hóa dân số như vậy, người nước ngoài là lực lượng bù đắp cho sự thiếu hụt lao động ở Nhật Bản. Thực tế, hiện nay số người nước ngoài lưu trú tại Nhật Bản đang gia tăng mạnh, trong đó có lao động người Việt Nam. Việt Nam có nguồn lao động trẻ và dồi dào, sẽ là nguồn nhân lực trong lực lượng lao động người nước ngoài tại Nhật Bản hiện nay và trong tương lai. Tuy nhiên do đại dịch Covid-19, việc đi lại giữa hai nước gặp nhiều khó khăn, hợp tác lao động hai bên đang đình trệ.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản: Những khác biệt trong sự tiếp nối giữa ông Lệnh hòa Suga Yoshihide và người tiền nhiệm Abe Shinzo - Ảnh 6.

Hơn nữa, Việt Nam có thể là đích đến trong quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc của các doanh nghiệp Nhật Bản. Việt Nam có tiềm năng về mặt nhân công giá rẻ, dân số, về nguồn lực lao động, từ đó kết hợp với nguồn vốn của Nhật Bản, lợi thế về công nghệ để có thể phát triển kinh tế của hai nước. Tôi hy vọng, chuyến thăm của thủ tướng Suga lần này sẽ kích hoạt làn sóng đầu tư mới của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam.

Năm 2020 là một năm cực kỳ biến động đối với toàn thế giới vì Covid-19, và còn biến động hơn với đất nước Nhật Bản khi ông Abe từ chức. Ông có kỳ vọng gì vào tình hình của Nhật Bản trong thời gian tới với sự lãnh đạo của tân Thủ tướng Suga?

Có rất nhiều kỳ vọng, trước mắt là một số vấn đề sau.

Ứng phó hiệu quả, sớm có vaccine cho người dân và kiểm soát đại dịch Covid-19. Tổ chức thành công Olympic Tokyo 2021.

Vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh Covid-19, hướng tới bảo vệ các cơ sở kinh doanh và việc làm thông qua gói kích thích kinh tế mà chính phủ đang triển khai, trong đó có việc trợ cấp cho các cơ sở kinh doanh nhỏ. Triển khai hiệu quả chương trình ông Suga ủng hộ là kích cầu du lịch nội địa "Go to Travel" với sự tài trợ của chính phủ nhằm khuyến khích người dân đi du lịch trong nước và hỗ trợ các ngành liên quan.

Với việc chọn Việt Nam là điểm công du đầu tiên, có thể hy vọng rằng, Tân thủ tướng Suga sẽ thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nhằm phát huy những lợi thế của mỗi nước trong quan hệ hợp tác đúng với cái tên đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.

Cảm ơn ông!

Hoàng An/ Thiết kế: Hương Xuân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên