MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc Tư vấn FPT Digital khuyên: Đừng DẠI đi làm sớm, nhiệm vụ của sinh viên phải là học hành cho bài bản!

25-02-2022 - 09:00 AM | Sống

Giám đốc Tư vấn FPT Digital khuyên: Đừng DẠI đi làm sớm, nhiệm vụ của sinh viên phải là học hành cho bài bản!

Sinh viên ra trường được các doanh nghiệp yêu cầu phải có kinh nghiệm để tìm việc, nhưng trước đó phải có việc làm thì mới có kinh nghiệm. Bài toán con gà - quả trứng đã diễn ra không hồi kết bao năm nay.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang là Phó Chủ Tịch CLB CSMO, Giám đốc Tư vấn, Công ty FPT Digital; Board Member Công ty Giải pháp thông minh H2T Solution. Trong buổi Tọa đàm Ra mắt cuốn sách “Nguyên lý Marketing” - Kiến tạo giá trị và gắn kết khách hàng trong thời đại số, chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang đã chia sẻ những kinh nghiệm chinh phục nhà tuyển dụng của mình dành cho sinh viên của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Những khó khăn của sinh viên mới ra trường luôn là vấn đề được mang ra thảo luận rất nhiều. Là sinh viên mới ra trường, bạn tự tin với tấm bằng của mình cũng như có được năng lượng dồi dào cùng những kinh nghiệm được đào tạo chuyên nghiệp trên giảng đường, nhưng nhiều sinh viên vẫn sợ hãi khi phải đối mặt với câu hỏi từ nhà tuyển dụng: "Em có kinh nghiệm làm việc bao lâu rồi?"

Không khác gì những bạn sinh viên, chị Quỳnh Trang cũng gặp phải tình huống thử thách này khi bắt đầu xin việc. "Tôi đi làm từ năm thứ 3 Đại Học, tôi nghiên cứu thị trường cho FPT Software. Tôi chỉ có kiến thức chuyên môn thôi chứ không có kinh nghiệm thực tế. Nhưng điều tôi quan niệm là chính nền tảng kiến thức mới là giá trị mà mình mang lại cho doanh nghiệp, là ưu điểm mà không ai có thể phủ nhận được. Đến với mỗi cuộc phỏng vấn, tôi cố gắng làm sao để nhà tuyển dụng phải thốt lên: “Bạn này kinh nghiệm thì chưa có nhưng rất bài bản”, chị chia sẻ.

Theo chị Quỳnh Trang, ưu điểm lớn nhất mà các bạn sinh viên mới ra trường nên tự hào chính là sự bài bản, vì đó là điều không dễ dàng có được, phải tích lũy qua rất nhiều năm học hành.

Đặc biệt đối với ngành Marketing, mọi sinh viên mới vào ngành đều được đồn thổi rằng học ngành này không cần học lý thuyết mà phải trải nghiệm ngoài thực tế thì mới 'làm nên trò'. Tuy nhiên, chị Quỳnh Trang lại thẳng thắn phủ nhận quan điểm này: "Không bao giờ kiến thức ngoài thực tế sẽ khác trong sách vở. Chỉ là do trong thực tế, có thể vì áp lực về doanh thu, chi phí nên các doanh nghiệp sẽ đề nghị nhân viên rút ngắn một số quy trình. Nhưng những điều đó bạn sớm có thể thuần thục và không bị đi chệch đường nếu nắm rất vững những kiến thức trong sách vở."

Chưa được bước vào thị trường lao động và trải nghiệm những điều thực tế, các sinh viên bày tỏ băn khoăn về việc mình không có được đầu óc, cảm nhận nhanh nhạy về kinh doanh. Trả lời câu hỏi này, bà Quỳnh Trang khẳng định đây hoàn toàn là điều mà các sinh viên có thể rèn luyện được ngay trên ghế nhà trường. “Những con người bỏ học để đi theo những ý tưởng kinh doanh táo bạo như Mark Zuckerberg hay Bill Gates hoàn toàn là thiểu số rất nhỏ. Với riêng tôi, đầu óc kinh doanh nhanh nhạy là thứ phải tích lũy. Ngày xưa, tôi không bao giờ bỏ qua các thông tin thời sự, đọc báo mỗi sáng, đến bây giờ tôi vẫn có thói quen nghe các bản tin ngắn 15 phút mỗi ngày của Wall Street Journal… Mặc dù bây giờ bạn trẻ gặp cái khó là bị ngập tràn trong biển thông tin, nhưng nếu luôn trong chế độ bật radar để mong muốn tích lũy kiến thức thì bạn trẻ sẽ tự tìm ra được phương thức để tìm được “business sense” của mình", chị chia sẻ. 

Đồng tình với chị Quỳnh Trang về tầm quan trọng của việc học tập bài bản các kiến thức lý thuyết, kể cả là ngành Marketing, PSG.TS. Vũ Huy Thông - Trưởng khoa Khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân nói: "Kinh nghiệm của các em chính là từ sách vở, làm các bài tập lớn, các dự án nghiên cứu trong trường, tham gia các buổi hội thảo, các lần guest speaker giảng về một chương sách nào đó. Người tuyển dụng không bao giờ đòi hỏi sinh viên ra trường phải có hơn 2 năm kinh nghiệm. Mục đích họ hỏi câu đó là để đánh giá các sinh viên có thể thích ứng, phản ứng trước tình hình như thế nào." Thầy cho rằng nếu sinh viên rèn được thói quen: sách nào cũng đọc, tin tức nào cũng xem, thì dù không có kinh nghiệm làm việc thì khí chất xuất sắc của bạn ấy vẫn sẽ luôn được các nhà tuyển dụng nhìn thấy.

Tâm sự với các em sinh viên, TS. Nguyễn Anh Tú - Giám đốc NXB Đại học Kinh tế Quốc Dân cũng phản đối việc sinh viên cố gắng gồng mình đi làm sớm để tích lũy cái gọi là kĩ năng mà nhà tuyển dụng cần. "Hệ lụy là các giảng viên phải bớt thời gian cho kiến thức để bồi dưỡng cho các em sinh viên về kỹ năng. Trong khi các em cũng biết nếu viết ra một bản tư vấn mà không có kiến thức thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Các câu chuyện các doanh nghiệp thắng được thầu nhờ tiểu xảo, nhờ kỹ năng uống rượu hoặc những thứ gọi là kỹ năng mềm sẽ dần không còn đúng nữa. Các doanh nghiệp làm ăn bài bản, chân chính sẽ dần phát triển và bền vững hơn nhiều ở Việt Nam. Nên các sinh viên có kiến thức bài bản chắc chắn sẽ chiến thắng về lâu dài, sau này dù xã hội có phát triển biến động như thế nào thì các em sẽ vẫn thích ứng được", thầy Anh Tú đưa ra lời khuyên cho sinh viên.

 Giám đốc Tư vấn FPT Digital khuyên: Đừng DẠI đi làm sớm, nhiệm vụ của sinh viên phải là học hành cho bài bản!  - Ảnh 1.

Các diễn giả của tọa đàm (từ trái sang): PSG.TS. Vũ Huy Thông - Trưởng khoa Khoa Marketing, Trường ĐH Kinh tế Quốc Dân; Bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang - Giám đốc Tư vấn Công ty FPT Digital; TS. Nguyễn Anh Tú - Giám đốc NXB ĐH Kinh tế Quốc Dân; Ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT Alpha Books

https://cafebiz.vn/giam-doc-tu-van-fpt-digital-khuyen-dung-dai-di-lam-som-nhiem-vu-cua-sinh-vien-phai-la-hoc-hanh-cho-bai-ban-20220224233404308.chn

Theo Thu Ngân

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên