MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc Vinhomes: Đây là thời cơ vàng để Việt Nam phát triển công nghiệp

03-08-2022 - 09:43 AM | Bất động sản

Giám đốc Vinhomes: Đây là thời cơ vàng để Việt Nam phát triển công nghiệp

Ông Vũ Công Trụ, Giám đốc Bất động sản công nghiệp Vinhomes, cho rằng, bối cảnh hiện tại chính là thời cơ vàng giúp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để phát triển công nghiệp cũng như thu hút được các dòng vốn FDI chất lượng từ nhiều tập đoàn trên thế giới.

Giám đốc Vinhomes: Đây là thời cơ vàng để Việt Nam phát triển công nghiệp - Ảnh 1.

Việt Nam đang sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp trong bối cảnh hậu COVID. Ảnh minh họa/Vingroup.

 Theo báo cáo quý II/2022 của Bộ Xây dựng, ngành công nghiệp hiện vẫn là ngành có mức tăng trưởng tốt và thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư ở trong và ngoài nước.

Một số dự án đầu tư khu công nghiệp mới được chấp thuận đầu tư và triển khai thực hiện trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn cả nước sẽ góp phần bổ sung nguồn cung mới cho thị trường trong tương lai như: Khu công nghiệp Cây Trường quy mô 700 ha, VSIP III quy mô 1.000 ha tại Bình Dương; khu công nghiệp Nam Tân Tập quy mô 245 ha và khu công nghiệp Tân Tập quy mô 654 ha, dự án nhà xưởng và nhà kho quy mô 13,4ha tại khu công nghiệp Phú An Thạnh tại Long An; khu công nghiệp Quảng Trị quy mô khoảng 500 ha tại Quảng Trị; dự án nhà xưởng và nhà kho khu công nghiệp Hố Nai quy mô 16,3 ha tại Đồng Nai;….

Tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp của cả nước trong nửa đầu năm 2022 có xu hướng tăng và đạt ở mức cao, trong đó tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở phía Bắc trong nửa đầu năm 2022 đạt khoảng 80%, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại các tỉnh thành phía Nam là khoảng 85%. Tại một số địa phương, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp còn ở mức cao trên 95% như TP.HCM, Đồng Nai, Bắc Ninh.

Giá thuê bất động sản (BĐS) công nghiệp trong quý II/2022 tiếp tục có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, tại khu vực phía Bắc tăng 5-12% và tại khu vực phía Nam là 8-13% so với cùng kỳ năm 2021.

Để có góc nhìn cụ thể hơn về thực trạng và tiềm năng phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Công Trụ, Giám đốc Bất động sản công nghiệp Vinhomes (Vingroup), chuyên gia xúc tiến đầu tư và kinh doanh dự án bất động sản công nghiệp.

Ông đánh giá như thế nào về thực trạng phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam?

Ông Vũ Công Trụ: Để hiểu rõ thị trường khu công nghiệp Việt Nam xét về mặt đầu tư, chúng ta có thể chia ra làm 2 cách tiếp cận.

Đầu tiên, theo chất lượng khu công nghiệp (KCN) có thể phân ra 4 cấp độ từ hạng A đến D. KCN hạng A là KCN tiêu chuẩn cao cấp/quốc tế cung cấp cơ sở hạ tầng (CSHT) cứng và mềm với các tiện ích và dịch vụ đa dạng.

KCN hạng B cung cấp CSHT và tiện ích cơ bản, dịch vụ hỗ trợ ít và tập trung chủ yếu ở giai đoạn cấp phép. KCN hạng C thì tiêu chuẩn trung bình, tiện ích thiếu và chưa đồng bộ, dịch vụ hỗ trợ đầu tư kém. KCN hạng D có chất lượng CSHT kém, thiếu tiện ích cơ bản, tính kết nối với khu vực dự án xung quanh kém.

Trong khi đó, phương thức tiếp cận phát triển bất động sản KCN có thể chia làm 4 phương thức: Truyền thống (doanh nghiệp chuyên phát triển kinh doanh chủ yếu BĐS công nghiệp); theo xu hướng (doanh nghiệp không chuyên về BĐS công nghiệp, chưa đa dạng mảng kinh doanh); mở rộng hệ sinh thái (doanh nghiệp không chuyên về BĐS công nghiệp, đa dạng mảng kinh doanh và đã hình thành hệ sinh thái có liên quan đến công nghiệp); và cuối cùng là dẫn dắt và thâu tóm (doanh nghiệp chuyên phát triển và vận hành BĐS công nghiệp và dịch vụ công nghiệp trên địa bàn cả nước).

Thời gian qua, phân khúc bất động sản công nghiệp nổi lên như một điểm sáng với sự tham gia nhiều hơn từ các doanh nghiệp tư nhân cũng như dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, xu hướng này lại đang bị phân tán và thiếu liên kết.

Có thể thấy, các doanh nghiệp chủ yếu phát triển khai thác các KCN tại những vị trí thuận lợi logistics trong địa bàn công nghiệp trọng điểm của từng vùng. Dù vậy, các doanh nghiệp có KCN hạng A và B chiếm tỉ trọng ít trong khi "xác" các KCN hạng C và D thì rất nhiều.

Trong số 397 KCN được thành lập mới có 291 khu đi vào hoạt động, và có kết quả tốt (hạng A, B) theo kinh nghiệm của tôi mới chỉ có chưa đầy 50 khu.

Giám đốc Vinhomes: Đây là thời cơ vàng để Việt Nam phát triển công nghiệp - Ảnh 2.
Phát triển khu công nghiệp vẫn thiếu liên kết và phân tán

Giám đốc BĐS công nghiệp Vinhomes


Các doanh nghiệp hạ tầng thường không có sự liên kết chặt chẽ với nhau trong xúc tiến đầu tư, hỗ trợ phát triển công nghiệp và cộng sinh nên dẫn đến việc phi tập trung, phi liên kết hóa - "mạnh ai người nấy thu hút, thu hút bằng mọi giá" các nhà đầu tư FDI vào các KCN như hiện nay.

Tuy nhiên, nhìn về bức tranh rộng hơn, tiềm năng phát triển của KCN trong bối cảnh hậu COVID là rất cao.

Việt Nam là đất nước có nhiều lợi thế để phát triển các KCN trọng điểm, chuyên ngành. Chúng ta sở hữu quỹ đất dồi dào nhưng đa phần là ở dạng tiềm năng, chính vì vậy, các doanh nghiệp cần nghiên cứu phát triển dự án một cách khoa học, có tốc độ, tiến hành đầu tư bài bản nghiêm túc và có chiến lược cho từng dự án mới có thể khai thác, tận dụng tốt các tiềm năng và lợi thế của từng địa bàn.

Hiện tại, làn sóng chuyển dịch cơ sở sản xuất vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh. Vậy cơ hội nào sẽ dành cho Việt Nam và chúng ta cần làm gì để đón được các đợt sóng này?

Ông Vũ Công Trụ: Tôi cho rằng lợi thế của Việt Nam về phát triển kinh tế công nghiệp là rất lớn. Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang áp dụng chính sách Zero COVID, trong khi đó, thế giới cũng đang trải qua nhiều sự kiện lớn như xung đột giữa Nga - Ukraine, hay khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Có thể nói, đây chính là thời cơ vàng giúp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để phát triển công nghiệp cũng như thu hút được các dòng vốn FDI chất lượng từ nhiều tập đoàn trên thế giới.

Sẽ có những dòng vốn nhiều hơn, mạnh hơn từ châu Âu (tính cả khối EAEU trong đó có Nga) và Hoa Kỳ vào Việt Nam ngoài các dòng vốn FDI truyền thống trong thời gian ngắn tới.

Theo tôi, nhờ sự đột phá đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng có trọng tâm của Nhà nước với sự tham gia phát triển kinh tế tích cực của các doanh nghiệp đầu ngành, Việt Nam đã chuẩn bị đủ về điều kiện hạ tầng cho phát triển công nghiệp cho cả 3 miền.

Việc còn lại chính là tạo điểm nhấn cho các địa bàn, xúc tiến đầu tư trọng điểm, mời gọi được các nhà đầu tư chiến lược với các dự án động lực. Điều này muốn thành công cần có sự tham gia hỗ trợ tích cực của nhiều bên, đặc biệt cần xây dựng những cơ chế chính sách cởi mở thông thoáng hơn từ các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

Nhờ vậy, các địa phương mới phát huy được hết tiềm năng và lợi thế vốn có, tối ưu hóa các hoạt động đầu tư và xúc tiến đầu tư, qua đó mang lại hiệu quả thực sự cho việc phát triển kinh doanh KCN trên cả nước.

Trên toàn cầu đang xuất hiện xu hướng giảm dần các ưu đãi về thuế để thu hút đầu tư FDI, trong đó có cả lĩnh vực KCN. Vậy ngoài các ưu đãi thuế mà trước nay Việt Nam vẫn đang sử dụng, chúng ta nên làm gì để tăng sức mạnh nội lực nhằm thu hút dòng vốn FDI vào đầu tư hạ tầng công nghiệp?

Ông Vũ Công Trụ: Tôi cho rằng trong 5-10 năm tới xu hướng giảm dần các ưu đãi về thuế để thu hút đầu tư FDI chưa tác động đến Việt Nam do chúng ta đang còn cần nhiều các hỗ trợ để thu hút được dòng vốn đầu tư chất lượng cao.

Ngoài các ưu đãi thuế mà trước nay Việt Nam vẫn đang sử dụng, để củng cố sức mạnh nội lực, gia tăng khả năng cạnh trạnh, theo tôi, chúng ta cần phải làm được cơ bản những việc sau:

Đầu tiên, có cơ sở hạ tầng liên kết địa phương và vùng cơ bản như hệ thống giao thông liên vùng, các bến cảng, sân bay, khu logistics thông qua đầu tư của nhà nước và phối hợp công tư.

Ngoài ra, đầu tư hạ tầng công nghiệp phải có các sản phẩm dịch vụ cơ bản và bổ sung phù hợp theo yêu cầu và tính chất thị trường công nghiệp. Ví dụ ngoài tính sẵn có và phù hợp về giá, chất lượng của sản phẩm đất công nghiệp có sẵn hạ tầng thì cần đảm bảo có nhà xưởng cho thuê, văn phòng cho thuê, khu thương mại dịch vụ, các tiện ích công nghiệp cũng như quy hoạch sẵn nhà ở cho lao động và chuyên gia.

Dịch vụ công nghiệp cũng cần có đủ dịch vụ logistics và các tiện ích sống cơ bản (chợ, siêu thị tiện ích, ngân hàng, trường học, nơi khám chữa bệnh đạt yêu cầu...)  để mọi người sống - học tập – làm việc – vui chơi an toàn.

Bên cạnh đó, ngoài hình thành bộ máy xúc tiến hỗ trợ đầu tư tại chỗ, cần xây dựng được các gói dịch vụ trước, trong và sau giai đoạn cấp phép nhằm tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu, đăng ký và tham gia thực hiện đầu tư của các nhà đầu tư.

Không chỉ vậy, các đơn vị cũng cần hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc khó khăn trong suốt quá trình sản xuất vận hành của họ. Có như vậy thì nhiều nhà đầu tư mới tìm đến, đăng ký và yên tâm đầu tư, sản xuất.

Điều cuối cùng tôi muốn nói đến chính là việc cần hình thành và phát triển được các vùng sản xuất công nghiệp và hỗ trợ sản xuất công nghiệp trọng điểm tại từng khu vực.

Để làm được điều này, chúng ta cần nghiêm túc trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, tổ chức, doanh nghiệp theo hướng tối ưu, đồng thời cần có tư duy tiên tiến trong quản trị nguồn lực và phát triển kinh tế để áp dụng cho phù hợp từng hoàn cảnh, điều kiện.

Tôi cho rằng để tăng nội lực thu hút FDI ta nên nghiên cứu và áp dụng tư duy kinh doanh dự án. Đây là phương thức kinh doanh hữu hiệu đã áp dụng thành công trên thế giới bởi nhiều tổ chức, tập đoàn đa quốc gia khi triển khai quốc tế hóa các hoạt động đầu tư kinh doanh (nhờ tính linh hoạt cao, đòi hỏi đầu tư nguồn lực nghiêm túc, học hỏi được nhiều từ quốc tế, bảo vệ hoạt động kinh doanh khỏi các bất ổn về chính trị - kinh tế cũng như đảm bảo tương tác mật thiết bền chặt với các đối tác trong quá trình đầu tư).

Có thể nhận thấy, các tỉnh miền núi đang sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, các địa phương này vẫn chưa nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong khi đầu tư phát triển cũng đang rất rời rạc. Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành, lãnh đạo tỉnh cần có chính sách, cơ chế gì để tối ưu hóa, phát huy hết tiềm năng vốn trong chiến lược phát triển công nghiệp?

Ông Vũ Công Trụ: Theo tôi, để tối ưu hóa, phát huy hết tiềm năng lợi thế trong phát triển công nghiệp của các tỉnh vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên và ĐBSCL…, trước hết cần có hướng tiếp cận đầu tư đúng.

Cần áp dụng tư duy kinh doanh dự án gắn liền với việc tìm ra, khai thác, phát triển các dự án động lực công nghiệp và hỗ trợ công nghiệp ứng với thế mạnh tiềm năng tại mỗi địa phương.

Trong đó đặc biệt lưu ý đến yếu tố địa lý kinh tế (Việt Nam, khu vực và thế giới) và quy luật phát triển công nghiệp của các ngành công nghiệp ứng với các địa phương.

Kinh doanh dự án là quá trình phát triển, tiếp thị và thực hiện các giải pháp kinh tế kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của người mua. Nó là một quá trình triển khai có sự tham gia phối hợp của của nhiều bên, không phải là sự vụ, đơn lẻ, rời rạc.

Nó nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của xúc tiến đầu tư cũng như đảm bảo giữ cam kết về kinh doanh vận hành các dự án theo chu kỳ đầu tư.

Ở đây tôi nhấn mạnh vào tư duy kinh doanh dự án vì phương pháp tư duy này dựa trên mối quan hệ và mạng lưới (chính thức và không chính thức giữa các bên khác nhau như đối tác, khách hàng, cung cấp điều phối nguồn lực...) không thể thiếu trong xuất khẩu và đầu tư quốc tế.

Điều này sẽ giúp tinh gọn chuỗi giá trị và tối ưu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo người dùng/đối tác/khách hàng, giúp không bỏ sót các yếu tố cần thiết trong thành công của đầu tư kinh doanh, đồng thời cũng tránh ôm đồm, tránh việc sử dụng các nguồn lực kém hiệu quả.

Với tư duy này, việc hoạch định các vùng khu vực phát triển công nghiệp theo từng ngành chuyên sâu hoặc tổng hợp sẽ khoa học và từ đó tạo ra được các dự án mời gọi đầu tư phù hợp, tạo tính hấp dẫn cao hơn trong thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Thanh Trần

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên