Giảm giờ làm, tăng thu nhập cho công nhân
Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất lao động nhằm hạn chế tăng ca nhưng vẫn giữ bảo đảm thu nhập cho người lao động
- 05-09-2024Vất vả xếp hàng online rút BHXH một lần
- 05-09-2024Bộ Tài chính muốn quản lợi nhuận doanh nghiệp?
- 05-09-2024Từ 7/2025, người lao động đóng BHXH đủ 15 năm, lương hưu mỗi tháng được nhận bao nhiêu?
Dù không phải doanh nghiệp (DN) nhà nước song nhiều năm qua, Công ty CP Dược phẩm An Thiên (KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP HCM) đã áp dụng thời gian làm việc 44 giờ/tuần. Chính sách này nhận được sự đồng tình của tất cả người lao động (NLĐ).
Bố trí thời gian làm việc hợp lý
Ông Lê Đình Chi, Giám đốc hành chính nhân sự công ty, cho biết trước đây DN áp dụng thời giờ làm việc 48 giờ/tuần. NLĐ làm việc 8 giờ/ngày, 6 ngày/tuần chưa kể tăng ca. Điều này khiến một bộ phận không nhỏ NLĐ gặp khó khăn bởi nhà máy nằm khá xa nơi ở.
Xuất phát từ mong muốn của NLĐ, Công đoàn đã đề xuất ban giám đốc giảm giờ làm từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần. Đồng thời, bố trí thời gian nghỉ hằng tuần cho họ. Thay vì làm 4 giờ vào mỗi buổi sáng thứ bảy thì DN cộng dồn thời gian làm việc trong 2 tuần liên tục để mỗi tháng NLĐ được nghỉ hẳn 2 ngày thứ bảy. Nhận thấy đề xuất hợp lý, ban giám đốc đã đồng ý và chính thức giảm giờ làm từ năm 2017.
Cùng với việc giảm giờ làm, công ty cũng tập trung đầu tư máy móc thiết bị và công nghệ mới giúp NLĐ nâng cao năng suất lao động, từ đó cải thiện thu nhập. Anh Huỳnh Thanh Phong, CN công ty, chia sẻ: "Điều khiến tôi hài lòng khi gắn bó với công ty là luôn được trả công xứng đáng. Ngoài ra, thời gian làm việc hợp lý giúp chúng tôi có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình".
Dù là DN thâm dụng lao động song nhiều năm nay, Công ty TNHH May Trần Trúc (quận 6) gần như không tổ chức cho CN tăng ca. NLĐ chỉ làm việc 8 giờ/ngày nhưng thu nhập vẫn ổn định ở mức trên 8 triệu đồng/người/tháng. Nhờ vậy, họ có thời gian chăm sóc gia đình và tái tạo sức lao động.
Theo bà Dương Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Công đoàn công ty, đa số CN làm việc tại công ty là nữ, nhiều người đã gắn bó với DN từ ngày mới thành lập, dù trải qua nhiều giai đoạn khó khăn song họ vẫn bám trụ. "Lao động nữ chịu nhiều áp lực, để tạo điều kiện cho họ vừa làm tốt công việc vừa chăm sóc gia đình, DN chỉ làm việc giờ hành chính đồng thời linh hoạt về giờ giấc để họ có thể chăm sóc con cái.
Ngoài ra, công ty cũng xây dựng nhiều chính sách phúc lợi như điện thoại, chuyên cần, hỗ trợ tiền thuê nhà… giúp NLĐ giảm gánh nặng cuộc sống" - bà Lan chia sẻ. Để bảo đảm thu nhập cho NLĐ, Công đoàn luôn động viên CN nâng cao tay nghề để cải thiện năng suất lao động.
Đầu tư công nghệ, cải thiện kỹ năng nghề
Ba năm trở lại đây, Công ty CP Cơ khí Xây dựng Tháp Kim (chuyên chế tạo, lắp đặt sản phẩm cơ khí kết cấu thép; quận Bình Thạnh, TP HCM) đã chi ít nhất 10 tỉ đồng để đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại nhằm mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất lao động, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết việc đẩy mạnh tự động hóa quy trình sản xuất còn giúp NLĐ rút ngắn thời gian làm việc, hạn chế tăng ca. Trước đây, ở nhiều khâu sản xuất sử dụng thiết bị và công cụ cũ nên năng suất thấp, NLĐ phải thường xuyên tăng ca để kịp tiến độ đơn hàng.
Với việc công ty đầu tư thiết bị và công nghệ mới vào sản xuất, năng suất lao động của NLĐ cải thiện rõ rệt, thời gian tăng ca cũng giảm đáng kể. Hiện nay, thu nhập bình quân của hơn 120 CN trực tiếp sản xuất tại công ty khoảng 14 triệu đồng/người/tháng.
Từ năm 2019 trở lại đây, Công ty CP Thực phẩm Cholimex (KCN Vĩnh Lộc, TP HCM) luôn đối diện với tình trạng thiếu hụt lao động. Để kịp tiến độ đơn hàng, công ty liên tục bố trí CN tăng ca, song đây không phải là giải pháp căn cơ.
Bà Phùng Thị Hữu Hạnh, Giám đốc xưởng chế biến thực phẩm của công ty, cho biết để giải quyết tình trạng trên, ban giám đốc công ty quyết tâm tự động hóa quy trình sản xuất, đồng thời vận động NLĐ tích cực nghiên cứu, chế tạo máy móc thiết bị nhằm thay thế sức lao động. Kết quả là năng suất tăng gấp nhiều lần trong khi thu nhập của NLĐ cải thiện đáng kể (hơn 10 triệu đồng/người/tháng).
Chính sách giảm giờ làm không chỉ khuyến khích NLĐ tăng năng suất mà còn làm việc hiệu quả và sáng tạo hơn. Quan trọng nữa là NLĐ có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động" - ông Lê Đình Chi, Giám đốc Hành chính nhân sự Công ty CP Dược phẩm An Thiên, khẳng định.
Người lao động