Giảm hình phạt tù, mở rộng phạt tiền
Đề xuất giảm xử lý hình sự, tạo điều kiện cho người phạm tội tham nhũng, kinh tế khắc phục hậu quả mà Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND)Tối cao Lê Minh Trí nêu ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực mới đây đã gây ra khá nhiều những ý kiến khác nhau trong dư luận. Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao về đề xuất này.
Tránh nguy cơ “hy sinh đời bố, củng cố đời con”
Ông đánh giá thế nào về đề xuất giảm xử lý hình sự, tạo điều kiện cho người phạm tội tham nhũng, kinh tế khắc phục hậu quả mà Viện trưởng VKSND Tối cao nêu ra. Liệu đề xuất trên có mâu thuẫn với quan điểm, chủ trương của Đảng về xử lý nghiêm minh, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” với các trường hợp tham nhũng, tiêu cực?
Bị cáo Nguyễn Đức Chung
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm mà Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nêu ra. Thực tế, đề xuất này cũng không phải mới. Hơn 7 năm trước, khi thảo luận về Bộ Luật Hình sự ở Quốc hội khóa XIII, tôi và nhiều đại biểu khác cũng đã kiên trì đề xuất giảm phạt tù, tăng mức phạt tiền và thu hồi tài sản đối với tội phạm kinh tế, tham nhũng. Với tội phạm tham nhũng, ngoài hình phạt thì điều quan trọng là phải có biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát. Phải phân hóa các trường hợp phạm tội để khuyến khích người phạm tội tự nguyện khai báo, tự nguyện nộp lại tài sản.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son |
Ví dụ, một người có hành vi tham nhũng, cơ quan chức năng chưa phát hiện ra; nhưng một thời gian sau, anh ta thấy ăn năn, hối lỗi nên tự nguyện khai báo, tự nguyện nộp lại toàn bộ tài sản thì trong trường hợp đó có nhất thiết phải xử lý hình sự nữa không? Tôi cho rằng, với trường hợp như thế có thể miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn khi bị phát hiện ra, đang trong giai đoạn điều tra, nếu người vi phạm nộp lại toàn bộ tài sản, khắc phục mọi thiệt hại, thì sẽ được coi là tình tiết để giảm nhẹ, thậm chí có thể được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hay phạt án treo.
Bị cáo Phan Sào Nam |
Cái đấy là cách hiểu không đúng. Miễn xử lý hình sự là miễn với những trường hợp tự nguyện khai nhận, tự nguyện nộp lại tài sản khi mà cơ quan chức năng chưa phát hiện ra; còn khi cơ quan chức năng phát hiện ra thì chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ. Cho nên phải phân biệt thời điểm nộp lại tài sản thế nào và nộp lại bao nhiêu?
Hơn nữa, miễn xử lý hình sự không có nghĩa là cán bộ đó “bình yên vô sự”, ngồi yên trên chiếc ghế quyền lực, anh vẫn sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng và kỷ luật hành chính Nhà nước, từ khiển trách, cảnh cáo cho đến cách chức... Luật pháp nghiêm minh nhưng cũng phải nhân văn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nói rồi, phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình. Đó còn là biện pháp để khuyến khích người ta nộp lại tài sản, tránh nguy cơ “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Luật pháp không nên đẩy người ta vào tình trạng cực đoan để rồi không thu hồi được tài sản.
Đề cao giải pháp phòng ngừa và tính hướng thiện
Vừa qua, nhiều trường hợp quan chức vi phạm khi ra tòa đã nộp lại tài sản và được giảm án. Một số trường hợp nhờ nộp lại tài sản mà thoát được án tử. Liệu điều này có giảm đi tính nghiêm minh của pháp luật?
Miễn xử lý hình sự không có nghĩa là cán bộ đó “bình yên vô sự”, ngồi yên trên chiếc ghế quyền lực, anh vẫn sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng và kỷ luật hành chính Nhà nước, từ khiển trách, cảnh cáo cho đến cách chức... PGS.TS Trần Văn Độ
Nếu người ta nộp lại tài sản, khắc phục hậu quả tốt thì án nặng để làm gì? Đôi khi án nặng quá lại không tạo ra tác dụng cao. Khi sửa đổi Bộ Luật Hình sự, tôi và nhiều đại biểu khác cũng đã rất kiên trì đề xuất thực hiện quy định giảm án cho những người chủ động nộp tiền khắc phục hậu quả.
Thời gian đầu, khi chúng tôi nêu ý kiến, bị dư luận phản đối rất nhiều. Có ý kiến còn nói rằng “chắc ông Trần Văn Độ tham nhũng cũng gớm nên mới đề xuất quy định đó để phòng thân”. Tuy nhiên, rất nhiều nhà khoa học, các chuyên gia ủng hộ chúng tôi một cách mạnh mẽ. Đến nay, qua thực hiện chúng ta thấy những quy định trên đã phát huy được tính hiệu quả.
Ví dụ trong vụ AVG, các bị cáo đã chủ động nộp tiền khắc phục hậu quả; hay vụ Phan Sào Nam; vụ ông Nguyễn Đức Chung… đều đã nộp tiền để khắc phục hậu quả. Đặc biệt, kể từ khi quy định trên được thực hiện thì tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng rất cao. Mỗi năm chúng ta thu hồi được hàng trăm tỷ đồng, đâu có phải dễ.
Thời gian đầu, khi chúng tôi nêu ý kiến, bị dư luận phản đối rất nhiều. Có ý kiến còn nói rằng "chắc ông Trần Văn Độ tham nhũng cũng gớm nên mới đề xuất quy định đó để phòng thân". Tuy nhiên, rất nhiều nhà khoa học, các chuyên gia ủng hộ chúng tôi một cách mạnh mẽ.
PGS.TS Trần Văn Độ |
Pháp luật đâu chỉ trừng trị mà còn là giáo dục, hướng thiện, tạo điều kiện cho người ta khắc phục hậu quả. Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị ban hành từ năm 2005 về chiến lược cải cách tư pháp cũng đã nói rồi, là phải đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Do đó, chúng ta phải mạnh dạn thay đổi chính sách hình sự như những gì mà Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nêu ra.
Xin cảm ơn ông!
“Đề nghị cho chủ trương giao Ban Nội chính Trung ương hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả. Làm như vậy chúng ta sẽ thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát và việc khắc phục hậu quả sẽ tốt hơn nhiều do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để họ không bị xử lý hình sự nữa và chúng ta cũng không phải xử lý hình sự nhiều. Cách làm này vừa hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vừa nhân văn và thuyết phục”, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nêu kiến nghị tại Hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng sáng 30/6.
Tiền Phong