MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm lãi suất 'chìa khoá' thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

04-09-2023 - 07:17 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, nhiều chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay hiện còn cao so với thế giới, giảm lãi suất là "chìa khoá" để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Giảm lãi suất là chìa khoá để hỗ trợ DN tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng. Ảnh: Trọng Hiếu

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho biết hiện đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe và tình trạng gây khó dễ của các cán bộ ngân hàng vẫn còn tồn tại.

Trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ bằng 1/3 mục tiêu cả năm và ở mức thấp nhất 10 năm. Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm thêm lãi suất cho vay doanh nghiệp, nhưng dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 6 mới chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022.

Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm 1-2 điểm % so với cuối năm 2022, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng kỷ lục.

Bình luận về nghịch lý doanh nghiệp thiếu vốn song dư nợ tín dụng lại tăng rất thấp, tiền “ế” tại hệ thống ngân hàng, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp hiện rất khó tiếp cận tín dụng bởi không còn đủ năng lực, điều kiện vay vốn theo chuẩn ngân hàng. “Thiếu vốn hiện đang là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp, thứ hai là thị trường, đầu ra do nhu cầu trên thế giới giảm, nhiều ngành hàng xuất khẩu đang giảm rất mạnh”, ông Tuấn đánh giá.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho rằng, một nguyên nhân nữa khiến doanh nghiệp không mặn mà với chuyện đi vay là do lãi suất cho vay của Việt Nam còn cao so với mặt bằng thế giới và khu vực. Khi lãi suất cao thì bài toán kinh doanh, lợi nhuận sẽ không được đảm bảo. Theo đó, việc tiếp tục hỗ trợ lãi suất, đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn như hiện nay cần những chính sách đặc thù cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Dư địa giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp còn lớn

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nhận định, chính sách tiền tệ thời gian gần đây bắt đầu chuyển hướng sang hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, lãi suất đã giảm khá nhanh ở phân khúc tiền gửi nhưng lãi suất thực cho vay vẫn còn rất cao.

Theo ông Nghĩa, lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức cao là vì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn còn lo ngại về: biến động tỷ giá, xu hướng phục hồi của nền kinh tế và theo sau đó là lạm phát.

Tuy nhiên, vị này cũng chỉ ra rằng, dư địa tiếp tục giảm lãi suất của Việt Nam từ nay tới cuối năm còn lớn với 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất là tỷ giá ổn định, gần như không còn áp lực lên chính sách tiền tệ. Cụ thể, chỉ số Dollar-Index đã giảm mạnh từ đỉnh 115 điểm xuống 102 điểm. Dự báo chỉ số này sẽ tiếp tục giảm quanh mức 100 điểm. “Điều này cho thấy áp lực với tỷ giá VND gần như không còn hoặc rất nhỏ”, ông Nghĩa nói. USD giảm giá trong bối cảnh thặng dư thương mại hiện khá lớn, NHNN tăng mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối; nguy cơ giá xăng dầu tăng mạnh được kiềm chế bởi chính sách giảm thuế nhập khẩu của Bộ Tài chính đưa tới kỳ vọng tỷ giá hối đoái sẽ ổn định đến hết năm 2024.

Thứ hai, theo thống kê chỉ số PMI của Việt Nam từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 6 năm nay đi ngang quanh mức 46 - 47 điểm (trừ tháng 2 là 51,2 do yếu tố thời vụ) và bắt đầu hồi phục nhẹ vào tháng 7/2023 (48,7 điểm) với mức tăng 2,5 điểm. Ông Nghĩa cho rằng, có thể nền kinh tế đã tạo đáy và đang phục hồi nhẹ, điều này sẽ thể hiện rõ hơn từ quý IV. Theo đó, đây là thời điểm quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Thứ ba, lãi suất ở Việt Nam còn phụ thuộc vào xu hướng và chính sách của các NHTW thế giới. Theo đó, các dự báo đều cho rằng Fed từ cuối năm nay sẽ dừng tăng lãi suất và bắt đầu giảm vào đầu năm 2024. Các NHTW châu Âu cuối năm nay cũng sẽ giảm mạnh tốc độ tăng lãi suất. “Vì thế cơ hội để NHNN giảm mạnh lãi suất hiện nay là khá rõ ràng và dư địa giảm lãi suất của Việt Nam còn rất lớn. Lãi suất chỉ nên thực dương 2% (giả sử lạm phát 4% thì lãi suất trên thị trường là 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và lãi suất cho vay quanh mức 8%/ năm)”, ông Nghĩa khuyến nghị.

Tuy nhiên, ông Nghĩa lưu ý, tăng trưởng tín dụng thấp không phải chỉ vì lãi suất cao mà còn do điều kiện cấp tín dụng của ngân hàng hiện nay quá khắt khe. “Có hai điều kiện để cấp tín dụng là tài sản thế chấp và khả năng trả nợ hình thành trong tương lai. Vào giai đoạn khủng hoảng, tất cả các nước sẽ áp dụng điều kiện cấp tín dụng bằng khả năng trả nợ thay vì tài sản thế chấp, còn ngân hàng ở ta lại kiên quyết áp dụng cả 2 loại điều kiện trên”, ông Nghĩa trao đổi.

Lấy ví dụ về khó khăn tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, vị chuyên gia này chia sẻ, có doanh nghiệp xuất khẩu thức ăn chay sang châu Âu, năm ngoái doanh thu 10 tỷ đồng, năm nay đơn đặt hàng lên tới 25 tỷ nhưng khi ra ngân hàng trình bày phương án để vay thêm vốn, ngân hàng vẫn chỉ cho vay bằng doanh thu 10 tỷ đồng như năm ngoái và không cho vay thêm vì không có tài sản đảm bảo bổ sung.

Điều này khiến doanh nghiệp dù có đơn hàng nhưng lại không thể mở rộng được sản xuất. “Trong điều kiện kinh tế khó khăn, khi có ‘tia sáng’ cuối đường hầm thì ngân hàng cần bám vào đó để hỗ trợ doanh nghiệp. Cần thẩm định cho vay theo khả năng trả nợ của doanh nghiệp trong tương lai thay vì đòi thế chấp”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất, các NHTM, đặc biệt NHTM lớn tập trung vào khả năng sống sót của doanh nghiệp để quyết định bơm thêm tín dụng. Đây sẽ là nền tảng để lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp, đằng sau đó là niềm tin của thị trường, đặc biệt là thị trường bất động sản, chứng khoán.

Sau nhiều lần nhấn mạnh vai trò của chính sách tiền tệ, yêu cầu ngành ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế, trong phiên họp Chính phủ đầu tháng 8, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo yêu cầu NHNN triển khai kịp thời, có hiệu quả chính sách giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ vay; chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng cung tiền, tăng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

Theo N. Thoan

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên