MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm lãi suất cho vay sẽ lan tỏa trong hệ thống ngân hàng?

01-08-2019 - 16:59 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc các NHTM Nhà nước tuyên bố giảm tiếp lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND từ 1/8 được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, chứ không như lần giảm lãi suất hồi đầu năm nay.

Giảm lãi suất cho vay lần thứ hai

Chiều muộn ngày 31/7/2019, cả 4 NHTM Nhà nước đồng loạt tuyên bố giảm tiếp lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên thêm 0,5%/năm xuống còn tối đa là 5,5%/năm, tức thấp hơn so với quy định của NHNN là 1%, áp dụng từ 1/8/2019 đến hết 31/12/2019.

Đơn cử, Vietcombank tuyên bố sẽ áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND ở mức tối đa là 5,5%/năm, áp dụng cho tất cả các khoản cho vay hiện hữu và các khoản cho vay mới thuộc các lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu; Phục vụ kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Cho vay doanh nghiệp khởi nghiệp.

BIDV cũng tuyên bố giảm trần lãi suất cho vay xuống còn 5,5%/năm đối với 3 lĩnh vực ưu tiên: Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, kể từ ngày 01/08/2019 đến ngày 31/12/2019, BIDV triển khai 2 gói tín dụng với quy mô lên tới 70.000 tỷ đồng với lãi suất giảm 0,5%/năm so với hiện nay. Trong đó, gói tín dụng dành cho DNNVV với quy mô 60.000 tỷ đồng; gói tín dụng ngắn hạn dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp với quy mô 10.000 tỷ đồng.

Tương tự, Agribank và VietinBank cũng tuyên bố giảm thêm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống còn tối đa là 5,5%/năm.

Đây là lần thứ hai trong năm nay các NHTM Nhà nước tiên phong hạ lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Còn nhớ, ngày 10/1/2019, cả 4 ông lớn này cũng đã đồng loạt đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống còn 6,0%/năm theo lời hiệu triệu của Thống đốc NHNN tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2019.

Thế nhưng, lần giảm lãi suất đó của các NHTM Nhà nước không nhận được sự hưởng ứng của các NHTMCP. Tuy nhiên, lần giảm lãi suất này của các NHTM Nhà nước được dự báo sẽ tạo áp lực lớn buộc các NHTMCP khác phải giảm theo nếu không muốn mất khách hàng.

"1% là mức chênh lệch lớn đối với lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện nay. Hơn nữa, cả 4 ông lớn NHTM Nhà nước này đang chiếm tới hơn 50% thị phần tín dụng, nên nếu các NHTMCP không giảm theo, khả năng mất khách hàng là rất cao", một chuyên gia cho biết.

Trên thực tế đã có một số NHTMCP đánh tiếng sẽ giảm lãi suất vay. Song theo vị chuyên gia này, các NHTMCP còn phải tính toán kỹ mức giảm, tùy thuộc vào năng lực tài chính của từng nhà băng bởi các NHTMCP không có được lợi thế nguồn tiền gửi không kỳ hạn lãi suất thấp của Kho bạc.

Bước đi hợp tình – hợp lý

Đánh giá về động thái giảm tiếp lãi suất cho vay lần này của các ngân hàng, vị chuyên gia trên cho rằng, đó là việc làm "hợp tình và hợp lý".

Hợp lý ở chỗ, điều kiện giảm lãi suất cho vay đã chín muồi. Hiện nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang tỏ ý định sẽ cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tại cuộc họp ngày 31/7 vừa qua, FED cắt giảm 25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản và để ngỏ khả năng sẽ cắt giảm thêm lãi suất một lần nữa trong năm nay.

Trong nước, thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng được cơ quan quản lý duy trì ở mức khá dồi dào, tạo điều kiện để kéo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm thấp. Không chỉ vậy, NHNN cũng đã giảm 0,25 điểm cơ bản lãi suất tín phiếu kỳ hạn 7 ngày xuống còn 2,75% từ ngày 19/7 vừa qua sau khi đã duy trì mức lãi suất 3%/năm suốt từ 10/10/2018.

"Đây là bước đi hợp lý trong bối cảnh lạm phát nhiều khả năng sẽ được kiểm soát dưới mức mục tiêu, trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn do các tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Bởi vậy, cần giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng", vị chuyên gia này cho biết.

Không chỉ vậy, việc giảm lãi suất cho vay cũng là "hợp tình" khi mà các ngân hàng tiếp tục thu lợi nhuận khủng trong nửa đầu năm nay. Đơn cử Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế tới 11.303 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 56% kế hoạch năm. Hay như VietinBank, dù gặp nhiều khó khăn trong tăng trưởng tín dụng do chưa tăng được vốn, song nhà băng này vẫn thu về 5.335 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm nay. BIDV cũng thu 4.772 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cho dù con số này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

"Việc các ngân hàng thu lãi lớn mà chủ yếu là từ hoạt động tín dụng cho thấy dư địa giảm lãi suất vẫn còn. Do đó, việc giảm thêm lãi suất cho vay cũng là việc nên làm để chia sẻ với doanh nghiệp, với nền kinh tế", vị chuyên gia nói trên cho biết và kỳ vọng đây cũng là lý do để các NHTMCP theo chân giảm lãi suất cho vay.

Theo Hà Anh

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên