Giảm lãi suất, vướng từ đâu?
Cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị 04/CT-NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động NH những tháng cuối năm 2016.
- 04-05-2016Muốn giảm lãi suất, phải khéo... co kéo?
- 02-05-2016Hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất cho vay: Doanh nghiệp thêm cơ hội
Một trong những yêu cầu Thống đốc đề ra đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) là phải chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn đảm bảo an toàn tài chính.
Như vậy, sau lời “hiệu triệu” giảm lãi suất hồi cuối tháng 4, NHNN cũng đã có văn bản chính thức yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) tháo gỡ khó khăn, kéo giảm lãi suất đối với doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, một số chyên gia cho rằng lãi suất cho vay sẽ khó giảm sâu do vướng mắc từ quan điểm điều hành lãi suất.
Hiện nay nhiều quốc gia lãi suất được điều hành theo giá vốn, điều tiết theo cung cầu. Căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ, thực trạng hoạt động của hệ thống tài chính và nền kinh tế, NH trung ương các nước đưa ra lãi suất cơ bản để các lãi suất khác tham chiếu, tự điều chỉnh phù hợp. Nhưng lãi suất cơ bản chỉ mang tính chất mục tiêu, không áp đặt hành chính. Việc điều chỉnh lãi suất cơ bản có tác động trực tiếp đến các định chế tài chính trung gian, không tác động trực tiếp đến người tiêu dùng và DN.
Trong khi đó, điều hành lãi suất cơ bản của NHNN Việt Nam tuân thủ nguyên tắc không gây ra những cú sốc thị trường, đảm bảo tính ổn định, thực hiện các mục tiêu kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế, đồng thời mang tính áp đặt hành chính và tác động trực tiếp đến người tiêu dùng và DN. Như vậy thay vì đặt ra lãi suất mục tiêu và tiến hành các chính sách bảo vệ lãi suất mục tiêu, thông qua nghiệp vụ thị trường mở để điều hành lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn, từ đó tác động ngược đến lãi suất huy động và cho vay trên thị trường, NHNN lại đưa ra lãi suất cơ bản và gần như ấn định luôn lãi suất cho vay trên thị trường.
Vào năm 2008, NHNN áp cơ chế cho vay đối với VNĐ theo lãi suất tối đa 150% lãi suất cơ bản, sau đó công bố lãi suất cơ bản điều chỉnh từ 12%/năm lên 14%/năm, đã khiến lãi suất cho vay tối đa của các NHTM tăng từ 18%/năm lên 21%/năm. Năm 2014, khi mặt bằng lãi suất cho vay vượt 20%/năm, NHNN ổn định mặt bằng lãi suất bằng cách áp dụng cơ chế kiểm soát lãi suất trực tiếp, quy định trần lãi suất huy động và cho vay nhằm giảm việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các TCTD, siết chặt kỷ luật thị trường.
Tuy nhiên, dù giữ quyền ấn định nhưng NHNN không thể kéo lãi suất về mức thấp như mong đợi. Bởi lẽ lãi suất ngoài việc chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như cung - cầu vốn, mức độ rủi ro trong việc hoàn trả vốn của người vay, số lượng vay và thời hạn vay, chi phí hoạt động, mức sinh lời của nền kinh tế, còn phải chịu áp lực đáp ứng yêu cầu ổn định vĩ mô.
Lấy đơn cử do ngân sách bội chi các năm gần đây, Chính phủ phải bù đắp bằng cách tăng cường phát hành tín phiếu, trái phiếu đã làm tăng nhu cầu huy động vốn, dẫn đến việc NHTM phải tăng lãi suất huy động để cạnh tranh hút vốn với các kênh đầu tư khác, gây áp lực lên lãi suất cho vay.
Trong nền kinh tế thị trường, lạm phát là nền tảng để điều hành chính sách tiền tệ và xác lập lãi suất. Khi lạm phát gia tăng, lãi suất được nâng lên để giảm áp lực. Khi lạm phát thấp, lãi suất cũng hạ thấp tương ứng. Trường hợp lạm phát thấp nhưng lãi suất vẫn cao so với mức trung bình của khu vực và thế giới gây ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế, NH Trung ương sẽ nới lỏng cung tiền để hạ lãi suất, kích thích tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, ở Việt Nam NHNN không thể tăng cung tiền để hạ lãi suất, vì như vậy sẽ tăng áp lực mất giá VNĐ khiến tỷ giá VNĐ/USD khó giữ ổn định, dẫn đến khó hiện thực mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế.
Bên cạnh yếu tố vĩ mô, lãi suất cho vay khó giảm còn do tâm lý muốn gửi tiền lãi suất cao của người dân. Thị trường vốn của Việt Nam không phát triển, DN hoạt động chủ yếu dựa vào vốn NH, trong khi NH phải cùng lúc cho vay và thực hiện nhiệm vụ đầu tư trái phiếu chính phủ nên nhu cầu vốn lớn. Để cạnh tranh với các kênh đầu tư khác và cạnh tranh lẫn nhau, NH buộc phải tham gia cuộc đua lãi suất huy động. Theo đó, để thu hút nguồn vốn, thời gian gần đây các NH nhỏ liên tục tăng lãi suất, đã kéo toàn hệ thống vào cuộc đua lãi suất huy động, dẫn đến lãi suất cho vay không những khó giảm mà còn có nguy cơ tăng.
So với các nước khu vực, lãi suất cho vay của Việt Nam ở mức rất cao. Lãi suất cho vay bình quân của ASEAN khoảng 6%/năm. Nhiều nước áp dụng lãi vay rất thấp như Philippines 2,2%/năm, Malaysia 2,1%/năm, Thái Lan 3%/năm và Trung Quốc 4%/năm. Còn tại Việt Nam, lãi suất cho vay bình quân lên đến 8,5%/năm trong khi lạm phát chỉ hơn 1%, cho thấy DN đang phải gánh mức lãi suất thực rất cao và bất hợp lý. Dù chưa thể kỳ vọng lãi suất giảm sâu trong năm nay, nhưng giải pháp để giảm lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và tình hình thế giới, rất khó đoán định hiện nay.
Theo Sài Gòn Đầu tư