MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GIẢM NĂM ĐÓNG BHXH ĐỂ HƯỞNG LƯƠNG HƯU: Phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu

Chị Võ Thị Phượng (quê Trà Vinh) làm hồ sơ hưởng BHXH một lần để có tiền giải quyết những khó khăn trước mắt Ảnh: HUỲNH NHƯ

Chị Võ Thị Phượng (quê Trà Vinh) làm hồ sơ hưởng BHXH một lần để có tiền giải quyết những khó khăn trước mắt Ảnh: HUỲNH NHƯ

Giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng chính sách

Đầu tháng 12-2022, do không có đơn hàng, Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP HCM) đã chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 công nhân (CN). Mất việc, ngoài trợ cấp thất nghiệp, khoản tiền CN trông chờ nhất là trợ cấp BHXH một lần.

Ít sự lựa chọn

Chị Võ Thị Phượng (quê Trà Vinh) là một trong số CN mất việc. Tính đến thời điểm nghỉ việc, chị Phượng đóng BHXH được 18 năm 7 tháng. Chị nhẩm tính với khoản trợ cấp BHXH một lần kha khá, chị sẽ có một số vốn lận lưng để tìm kế sinh nhai. "Sau Tết, tôi có xin việc vài nơi nhưng vô vọng vì các doanh nghiệp ít tuyển người, nếu có thì chỉ ưu tiên CN trẻ. Biết nhận BHXH một lần sẽ không có lương hưu khi về già nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Năm nay tôi cũng đã ngoài 40 rồi" - chị Phượng buồn bã nói.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số lượng người rút BHXH một lần luôn tăng, năm sau cao hơn năm trước, với tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%. Đáng chú ý, giai đoạn 2016 - 2021, có khoảng hơn 4 triệu người rút BHXH một lần, chưa tính số người do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giải quyết. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 800.000 người rút BHXH một lần. Lý do một phần do chính sách có nhiều thuận lợi cho việc rút BHXH một lần, cộng thêm tác động tiêu cực của dịch COVID-19 thì thời gian đóng BHXH quá dài (20 năm) cũng là yếu tố khiến người lao động (NLĐ) chấp nhận rút BHXH một lần.

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, NLĐ khi tham gia BHXH muốn hưởng chế độ hưu trí phải bảo đảm 2 điều kiện, đó là đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ Luật Lao động và bảo đảm có đủ tối thiểu 20 năm tham gia BHXH. Trong khi đó, điều kiện đủ 20 năm tham gia BHXH để hưởng lương hưu là thời gian quá dài. Như vậy, sẽ hạn chế quyền lợi đối với một số NLĐ khi tham gia vào quan hệ lao động muộn, có số năm đóng thấp rất khó để đủ thời gian hưởng chế độ hưu trí.

Chính vì vậy, Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH, đã xác định sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cách tính lương hưu, bảo đảm công bằng giữa nam và nữ, giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa người có mức lương cao với người có mức lương thấp.

Thu hẹp khoảng cách về thu nhập

Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết dự án Luật BHXH sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10-2023. Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm.

Hiện Việt Nam còn hơn 9 triệu người sau tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng tầng an sinh nào. Đây được coi là lỗ hổng an sinh xã hội và đa phần những người này đang sống phụ thuộc vào con cháu. Trao đổi với báo giới, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết việc rút ngắn thời gian đóng BHXH nhằm tăng độ bao phủ chính sách an sinh, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Mục đích giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nếu số năm đóng BHXH giảm xuống tối thiểu 15 năm thì tình trạng NLĐ rút BHXH một lần sẽ giảm dần.

Việc giảm thời gian đóng BHXH là thực hiện theo quy định trong Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH. "Với chính sách linh hoạt như vậy, chắc chắn số người rút BHXH một lần cũng sẽ giảm dần. Bởi số năm đóng BHXH ngắn thì nhiều người có thể cố gắng đóng cho đủ thời gian theo quy định" - ông Lợi phân tích.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật - Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết hiện nay chính sách BHXH vẫn theo nguyên tắc đóng - hưởng, đặc biệt ở chế độ hưu trí. Vì vậy, rất nhiều lao động, nhất là lao động trực tiếp, có thời gian tham gia BHXH ngắn và thường về hưu trước tuổi, nên tỉ lệ hưởng chế độ hưu trí rất thấp.

Do vậy, ở lần sửa đổi này cần tính toán lại theo nguyên tắc tăng cường tính chia sẻ khi hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí, để NLĐ có điều kiện tham gia đủ 20 năm hoặc nếu hạ xuống còn 15 năm, khi hưởng chế độ hưu trí vẫn có một khoản tiền nhất định để bảo đảm cuộc sống tối thiểu. "Cần có nhiều giải pháp đồng bộ để một chính sách được đồng thuận với việc giảm thời gian tham gia BHXH xuống 15 năm hoặc tiến tới 10 năm nhưng mức lương hưu cần bảo đảm đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu" - ông Quảng nói.

Luật sư ĐẶNG ANH ĐỨC, Công ty Luật TNHH Đặng và Cộng sự (TP Hà Nội):

Điều chỉnh mức đóng BHXH

Việc rút ngắn thời gian đóng BHXH xuống 15 năm thay vì 20 năm như hiện nay sẽ làm tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH đối với mọi người dân, khuyến khích nhiều người dân trong độ tuổi lao động tham gia, tăng diện bao phủ BHXH. Tuy nhiên, Luật BHXH sửa đổi cũng nên có những quy định phù hợp, cụ thể là điều chỉnh mức đóng BHXH và công thức tính lương hưu phù hợp vì mức đóng BHXH cơ bản như hiện nay còn rất thấp, dẫn đến mức lương hưu NLĐ được thụ hưởng cũng không cao, trong khi đó vật giá ngày càng leo thang.

Theo Nhóm phóng viên

Người Lao Động

Trở lên trên