Giảm thê thảm, công cụ ngắt mạch thị trường được kích hoạt, chứng khoán Mỹ tạm ngừng giao dịch 15 phút
Không lâu sau khi mở cửa phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới, chứng khoán Mỹ đã ngừng giao dịch tạm thời khi S&P 500 mất tới 7% giá trị.
- 09-03-2020Chứng khoán châu Âu giảm 6,5%, cổ phiếu BP mất ¼ giá trị vì cú sập của giá dầu
- 02-03-2020Dù chứng khoán Mỹ "tắm máu" nhưng Đông Nam Á mới là nạn nhân lớn nhất của corona
- 01-03-2020Virus corona lây lan và thị trường chứng khoán lao dốc, chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ hứng chịu "đòn đau" gấp đôi, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế
- 29-02-2020Một tuần "tắm máu" của chứng khoán Mỹ, Dow Jones mất 12% giá trị: Chuyện gì đã xảy ra?
- 28-02-2020Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ, hàng nghìn tỷ USD vốn hoá bị "thổi bay"
Ngay lúc mở cửa, Dow Jones mất tới 1.800 điểm. Trong khi đó, S&P 500 cũng mất tới 7% giá trị. Cú bán tháo nghiêm trọng đã kích hoạt công cụ ngắt mạch thị trường. Cụ thể, lúc 9h34 phút theo giờ địa phương, tức 20h34 theo giờ Hà Nội, chứng khoán Mỹ đã bị tạm ngừng giao dịch trong 15 phút vì bị bán tháo quá mạnh.
Giao dịch trở lại lúc 20h49 theo giờ Hà Nội, tình hình vẫn chưa có gì khả quan hơn với chứng khoán Mỹ. Cú sụt giảm ngày đầu tuần bắt nguồn từ sự bán tháo của các nhà đầu tư, những người chuẩn bị cho một cú sập kinh tế khi virus corona lan rộng cũng như cuộc chiến giá dầu toàn diện bùng lên giữa các nước trong và ngoài OPEC.
Dow Jone có lúc giảm tới 2.000 điểm nhưng đang có dấu hiệu phục hồi trở lại. Tính tới 21h theo giờ Hà Nội, Dow Jones còn giảm hơn 1.568 điểm trong khi S&P 500 mất 6,6% giá trị. Điều này cho thấy việc kích hoạt công cụ ngắt mạch thị trường trong lúc bán tháo dường như đã phần nào giúp các nhà đầu tư trấn tĩnh lại dù không ai có thể chắc chắn về các diễn biến tiếp theo.
Cú sụt giảm của chứng khoán Mỹ tới sau một tuần giao dịch sóng gió, khi các cổ phiếu tăng giảm đan xen. Riêng S&P 500, mức dao động tăng hoặc giảm tới 2,5% mỗi ngày được duy trì trong 4 ngày liên tiếp. Dù cú giảm ngày đầu tuần rất lớn nhưng nó vẫn chưa thể phá vỡ kỷ lục của 20 ngày tồi tệ trước đây với S&P 500.
Trong bối cảnh chứng khoán tiếp tục sóng gió, các nhà đầu tư đẩy mạnh tìm kiếm các tài sản an toàn hơn. Lo ngại virus corona phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy các nền kinh tế vào suy thoái là lý do khiến vàng lên ngôi. Ngược lại, lần đầu tiên trong lịch sử, lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ giảm xuống dưới 0,5% trong khi lãi suất với loại trái phiếu 30 năm chỉ quanh quẩn 1%.
Những lo lắng với sự tàn phá của virus corona trở nên tồi tệ hơn khi OPEC và Nga không đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong bối cảnh sản xuất toàn cầu bị đình trệ bởi virus. Giá dầu rơi vào hỗn loạn khi Ả rập Xê út tuyên bố giảm giá bán dầu và mở rộng khai thác, dẫn tới cú sập nghiêm trọng của loại mặt hàng này. Một số chiến lược gia lo sợ giá dầu có thể giảm xuống 20 USD/thùng vì cuộc chiến giá dầu.
Hiện tại, thế giới có 109.000 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 3.801 trường hợp tử vong. Trong khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ở Trung Quốc, virus corona đang có dấu hiệu lây lan mạnh mẽ trên toàn thế giới, đẩy nhiều quốc gia trong đó có Mỹ vào diện bị đe dọa. New York, California và Oregon của Mỹ đều đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh.