MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm thiệt hại từ đứt gẫy chuỗi cung ứng

Hoạt động bốc xếp hàng nhập khẩu tại cảng biển Hải Phòng. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Hoạt động bốc xếp hàng nhập khẩu tại cảng biển Hải Phòng. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Trung Quốc thực hiện phong tỏa tại nhiều địa phương với chính sách Zero COVID khiến cho nguồn cung ứng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa gặp khó. Các doanh nghiệp cho rằng, với việc vận chuyển hàng khó khăn, việc chậm giao hàng cho đối tác là rất khó tránh khỏi.

Nỗi lo của doanh nghiệp

Trung Quốc được ví như công xưởng sản xuất của thế giới. Tại đây, gần như các mặt hàng nguyên phụ liệu, linh kiện được sản xuất và vận chuyển đến các quốc gia khác. Do vậy, mỗi sự gián đoạn, chậm trễ trong giao thương tại đất nước này sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho sản xuất, chế tạo.

Dệt may là ngành chịu tác động mạnh mẽ khi có tới 50% nguyên phụ liệu ngành được nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, hiện Tổng công ty đang điều chỉnh lại nhận định về thị trường vì sau 4 tháng qua, thị trường có nhiều biến động. Thứ nhất là cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; thứ 2 là chiến lược Zero COVID từ Trung Quốc, dẫn đến việc thiếu nguyên liệu ngay trong ngắn hạn và chi phí tăng cao.

Tổng công ty May 10 là một trong những doanh nghiệp có đơn đặt hàng tốt trong ngành. Hiện nay, đơn hàng tại doanh nghiệp này đã có đến hết tháng 8/2022, riêng với mặt hàng veston đã có đơn hàng đến cuối năm. Tuy vậy, nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp này trong bối cảnh hiện tại, khi Trung Quốc thực hiện Zero COVID sẽ khiến đứt gãy chuỗi cung ứng. Điều này kéo theo doanh nghiệp khó đáp ứng đúng kế hoạch, tiến độ sản xuất theo các hợp đồng đã ký với đối tác.

"Chúng tôi đã tính đến phương án đa dạng nguồn hàng nguyên liệu, tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định, như từ Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... Tỷ trọng này sẽ tăng lên và có thể chủ động được trong từ 5-10 năm tới. Nhưng trong ngắn hạn thì không còn cách nào khác là chấp nhận phương thức vận chuyển khác hiện nay và tìm kiếm sự chia sẻ từ khách hàng lâu năm, do những tác động từ chính sách Zero COVID của Trung Quốc. Chúng tôi liên tục bám sát từng mã hàng, đơn hàng, tại từng xí nghiệp để sản xuất hiệu quả nhất trước nguy cơ thiếu hụt nguyên phụ liệu hiện tại", ông Thân Đức Việt nói.

Với Tổng công ty Việt Thắng, Tổng công ty này trung bình hàng tuần nhập 3 container nguyên phụ liệu từ Trung Quốc để sản xuất, giá trị hơn 80.000 USD. Thế nhưng, từ đầu tháng 5 tới nay, do sự tắc nghẽn tại một số cảng ở thị trường này, hàng nguyên liệu sản xuất đã không thể về đúng như dự định.

Lãnh đạo Tổng công ty Việt Thắng cho biết, khoảng 10 ngày nay, đối tác phía Trung Quốc không thông báo được thời hạn giao hàng chính thức cho nên một số nguyên liệu nhập từ Trung Quốc buộc phải chuyển đổi sang nguồn khác. Hiện nay, nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc đang chiếm khoảng từ 30-40% tổng nguyên liệu nhập khẩu của doanh nghiệp.

Không chỉ ngành dệt may, da giày, mà các nhà sản xuất cơ khí chế tạo cũng đang gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam cho hay, từ đầu tháng 5, việc nhập khẩu thêm linh kiện sản xuất gặp khó hơn, hàng không thể về đúng hẹn. Hiện SKD cố gắng sản xuất với lượng nguyên liệu lưu kho có sẵn, đồng thời liên kết với một số doanh nghiệp khác để cân đối nguồn hàng.

"Với các đối tác nước ngoài, như Nhật Bản, Hàn Quốc... mà SKD đang hợp tác, họ rất chuẩn trong khâu chất lượng, thời gian giao hàng. Với tình hình nguồn cung hiện nay sẽ rất khó để khẳng định có thể đáp ứng đúng tiến độ hay không. Chúng tôi sẽ phải đàm phán, tìm kiếm sự chia sẻ từ khách hàng", ông Kết nói.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, trong 4 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc gần 37 tỷ USD hàng hóa, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc phần lớn là nguyên liệu phục vụ sản xuất. Đặc biệt đây cũng là thị trường cung cấp lớn đối với nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam, nhất là với nhóm linh kiện điện tử, phụ tùng máy móc, vải và hóa chất... Vì thế, những gián đoạn nguồn cung từ thị trường này do áp dụng chính sách Zero COVID chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Tìm cách thích ứng

Giảm thiệt hại từ đứt gẫy chuỗi cung ứng - Ảnh 1.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) đã mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho gạo Việt. Ảnh minh họa: TTXVN

 

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam cho rằng, nhiều ngành nghề; trong đó có cơ khí đang phụ thuộc khá lớn vào nguyên liệu từ Trung Quốc, thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất của doanh nghiệp nói riêng, mà còn ảnh hưởng đến nền sản xuất cơ khí, công nghiệp nói chung. Những diễn biến hiện nay trong cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine hay áp dụng Zero COVID tại Trung Quốc dự báo sẽ còn kéo dài, phức tạp. Do vậy, để vượt qua khó khăn này, bản thân doanh nghiệp phải xoay sở, tìm nguồn cung cấp mới, đồng thời đàm phán để gia hạn thời gian giao hàng với đối tác.

Đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng, với những mặt hàng nguyên liệu trong nước có thể sản xuất, số lượng, chất lượng đáp ứng có thể thay thế, các doanh nghiệp cũng sẽ đàm phán để chuyển đổi. Tuy nhiên, với những sản phẩm không sản xuất được, hoặc đã được chỉ định từ phía nhà nhập khẩu thì buộc phải chờ đợi, không thể thay thế ngay trong thời điểm này.

Không chỉ Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp thế giới cũng đang phải chịu ảnh hưởng từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Để tránh phụ thuộc, điều cần thiết là doanh nghiệp Việt Nam phải đa dạng thị trường nhập khẩu nguyên liệu lẫn thị trường xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần có thêm các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại thị trường trong nước để từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu. Đây là vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ này đang yêu cầu các hiệp hội, doanh nghiệp có đánh giá, rà soát kỹ lưỡng, khẩn trương những tác động của việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp phong tỏa vì dịch COVID-19. Đồng thời, vì chủ trương của nước bạn là Zero COVID nên doanh nghiệp trong nước cần chủ động thích ứng để có chiến lược phù hợp.

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, trước những tác động của đại dịch, từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và biện pháp phong tỏa từ Trung Quốc, doanh nghiệp cần đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu sản xuất, tìm nguồn cung ứng nguyên phụ liệu và linh kiện thay thế từ các thị trường khác. Đặc biệt, nếu có thể, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ, sử dụng sản phẩm của nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để giảm mức phụ thuộc vào nguồn lực từ bên ngoài.

Về phía Bộ Công Thương, ngoài việc hỗ trợ thông tin thị trường, kết nối cung cầu, Bộ sẽ tăng cường mở rộng các thị trường mới để giúp doanh nghiệp tránh phụ thuộc vào một thị trường cả ở chiều nhập và xuất khẩu. Đặc biệt, sẽ tận dụng có hiệu quả những lợi thế, các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Thương vụ tích cực tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, máy tính và các nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép...

Đồng thời hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp kết nối với nhà cung cấp nước ngoài khi được yêu cầu. Bên cạnh đó, nghiên cứu, xúc tiến nhập khẩu nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như: dệt may, da giày, điện tử..., đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm trong giao dịch nhập khẩu...

Theo Đức Dũng

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên