MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm thuế GTGT để kích cầu tiêu dùng

Nếu tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng, thu ngân sách sẽ giảm hơn 47.000 tỉ đồng nhưng bù lại sẽ giảm áp lực chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Bộ Tài chính nhận định dù nhiều ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi tích cực; nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả nhưng khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Do đó, bộ này đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xem xét tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN).

Tiếp tục trợ lực người dân và doanh nghiệp

Việc giảm thuế GTGT từ 10% còn 8% đang được thực hiện theo Nghị quyết 110/2023/QH15, từ ngày 1-1 đến hết ngày 30-6-2024. Để bảo đảm tính liền mạch của chính sách và thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước, Bộ Tài chính nhấn mạnh cần tiếp tục giảm thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm 2024.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy.

Giảm thuế GTGT để kích cầu tiêu dùng- Ảnh 1.

Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT từ 10% còn 8% đến hết năm 2024 để kích cầu tiêu dùng. Ảnh: MINH PHONG

Tại Tờ trình gửi Quốc hội mới đây, Chính phủ đánh giá việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua đã có tác động tích cực. Trong đó, việc giảm thuế GTGT đã hỗ trợ DN và người dân ổn định sản xuất - kinh doanh, nâng cao đời sống; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ cho rằng thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo; sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu... Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, áp dụng đến hết ngày 31-12-2024, là một trong những giải pháp quan trọng để trợ lực cho người dân và DN.

Trước đề xuất của Chính phủ, người dân và DN rất mong chờ chính sách này được Quốc hội xem xét và thông qua. Chị Bùi Thu Nguyệt (trú quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho biết từ năm 2023 đến nay, với việc giảm thuế GTGT nhiều mặt hàng từ 10% còn 8%, mỗi lần đi siêu thị, chị tiết kiệm được vài chục ngàn đồng cho mỗi hóa đơn thanh toán. "Số tiền cho từng lần mua hàng không lớn nhưng tính trên nhiều hóa đơn thì rất đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, chi tiêu phải tính toán như hiện nay" - chị Nguyệt nhận xét.

Nhiều ý nghĩa

Trong 6 tháng đầu năm 2024, số thuế GTGT đã giảm dự kiến khoảng 25.000 tỉ đồng. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu việc áp dụng chính sách giảm thuế suất thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm 2024 được thông qua, thu ngân sách sẽ giảm khoảng 24.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 4.000 tỉ đồng/tháng. Ước tính cả năm 2024, việc giảm thuế GTGT sẽ làm giảm thu khoảng 47.488 tỉ đồng.

Để bảo đảm thực hiện chính sách thông suốt, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ kiến nghị đưa nội dung giảm 2% thuế suất thuế GTGT vào Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, sẽ khai mạc vào ngày 20-5.

Nhấn mạnh cần tiếp tục giảm thuế GTGT đến hết năm 2024, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng chính sách này sẽ tác động trực tiếp đến người dân, kích cầu tiêu dùng. Điều này có ý nghĩa lớn khi cùng với đầu tư và xuất khẩu, tiêu dùng trong nước là một trong 3 động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.

Theo ông Lê Đăng Doanh, số tiền giảm thể hiện trên từng hóa đơn mua hàng sẽ kích thích người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống. Từ đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN phục hồi và tăng trưởng mạnh, người dân cũng hưởng lợi khi có thêm công ăn việc làm.

"Về phía DN, việc giảm thuế sẽ giúp tiêu thụ của thị trường trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào của DN cũng giảm, từ đó hạ giá thành sản xuất. Từ việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, các DN tăng tính thanh khoản trong kinh doanh, quay vòng vốn để phục vụ hoạt động của mình" - TS Lê Đăng Doanh phân tích.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 4-2024 ước đạt 522.100 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.062.300 tỉ đồng, tăng 8,5%. Chính sách giảm thuế GTGT nếu được thông qua và thực hiện đến cuối năm nay kỳ vọng sẽ kích cầu tiêu dùng hơn nữa.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, cũng ủng hộ chính sách tiếp tục giảm thuế GTGT. Ông cho rằng giảm thuế sẽ giúp giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, DN có cơ hội gia tăng sản xuất. 

TS NGUYỄN QUỐC VIỆT, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách:

Chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, việc giảm thuế GTGT 2% là một động lực quan trọng để DN phục hồi sản xuất - kinh doanh. Quan trọng hơn, dư địa tài khóa vẫn cho phép thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế.

Giảm thuế GTGT để kích cầu tiêu dùng- Ảnh 2.

Có thể thấy chính sách giảm thuế GTGT thời gian qua đã phát huy tác dụng thiết thực, tác động đa chiều đến nền kinh tế khi giá hàng hóa giảm, tiêu dùng tăng, giúp DN tăng sản xuất, khôi phục đơn hàng, giảm chi phí đầu vào. Nếu để hàng tồn kho, giá cả tăng, áp lực lạm phát leo thang thì sẽ không thể kích thích cầu tiêu dùng, kéo theo rất nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh trong nước gặp khó khăn.

Trong bối cảnh hiện nay, có thể thấy rằng việc giảm thuế GTGT sẽ gây áp lực cho thu ngân sách. Tuy nhiên, điều đó thể hiện sự đồng hành, chia sẻ của Chính phủ với DN và người dân.

Bà NGÔ BÍCH QUYÊN, Giám đốc điều hành Công ty CP Vạn Sơn Thịnh Phát (chuỗi cửa hàng Organicfood):

Sức mua đang hồi phục

Là đơn vị bán lẻ chuyên về thực phẩm hữu cơ, về lý thuyết, thuế GTGT không ảnh hưởng trực tiếp đến chúng tôi vì đây là thuế thu từ người tiêu dùng, sau đó nộp toàn bộ cho nhà nước. Tuy nhiên, là đơn vị thực hiện, chúng tôi mong muốn thuế suất thuế GTGT có sự ổn định, lâu dài để khỏi phải điều chỉnh giá bán in trên các sản phẩm của hệ thống vì tốn khá nhiều nhân lực.

Giảm thuế GTGT để kích cầu tiêu dùng- Ảnh 3.

Việc giảm thuế GTGT thời gian qua đã hỗ trợ tích cực cho sức mua của thị trường. Từ quý II/2024, tôi nhận thấy sức mua hồi phục khá rõ, dù chưa bằng thời điểm trước dịch COVID-19 nhưng tâm lý tiêu dùng đã tốt lên. Bằng chứng là một số hệ thống bán lẻ như: Kingfoodmart, Bách Hóa Xanh, Farmers Market… mở điểm bán mới để đón đầu xu hướng.

Ông TRƯƠNG CHÍ THIỆN, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt:

Giảm áp lực tỉ giá tăng

Đề xuất duy trì chính sách giảm thuế GTGT của Chính phủ thêm 6 tháng cuối năm 2024 là rất kịp thời. Tuy mức giảm không nhiều nhưng đã phát huy được tính hiệu quả trong bối cảnh tình hình kinh tế còn khó khăn.

Giảm thuế GTGT để kích cầu tiêu dùng- Ảnh 4.

Khi sức mua thị trường giảm, việc giảm thuế này cũng giúp DN ổn định được giá cả cũng như có động lực kích cầu tiêu dùng tốt hơn. Nếu đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT được thông qua sẽ có ý nghĩa lớn trong bối cảnh tỉ giá đang cao như hiện nay, góp phần giảm tải được áp lực chi phí đầu vào cho DN.

Ông LÊ NGUYỄN MINH TUẤN, Tổng Giám đốc Công ty CP Moveo New City:

Ngành ô tô cũng cần được hỗ trợ giảm thuế

Trong bối cảnh sức tiêu thụ ô tô giảm do kinh tế còn khó khăn, chúng tôi rất cần được hỗ trợ từ chính sách thuế, phí.

Giảm thuế GTGT để kích cầu tiêu dùng- Ảnh 5.

Ngành ô tô hiện nay chỉ được hưởng ưu đãi giảm thuế GTGT ở một số linh kiện, dịch vụ. Chúng tôi hy vọng sắp tới, ngành ô tô sẽ được giảm thuế GTGT ở nhiều hạng mục hơn, giúp giá xe mềm hơn, từ đó khách hàng được hưởng lợi từ chính sách này.

M.Phong - N.Ánh - N.Hải ghi

Theo Minh Chiến

Người lao động

Trở lên trên