TS. Nguyễn Văn Hội: Cơ chế chính sách ngày càng thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư
Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện những cơ chế, chính sách về công nghiệp, thương mại theo hướng ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư.
- 18-05-2024Cần tạo thành thói quen tiết kiệm điện
- 18-05-2024Vì sao không hoàn thuế GTGT cho du khách tại nơi mua sắm?
- 18-05-2024DN bán lẻ xăng dầu muốn tự định giá trên cơ sở giá bán buôn từ DN đầu mối
Ngày 14/5/2024, tại Thủ đô Sofia, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương đã tham dự Tọa đàm Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Bulgaria . Tại đây, các thành viên trong Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã chia sẻ cụ thể về tình hình phát triển kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cũng như những điều kiện thuận lợi về chơ chế, chính sách... để doanh nghiệp Bulgaria quan tâm tìm hiểu và xây dựng kế hoạch đầu tư.
Tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương khẳng định, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện những cơ chế, chính sách về công nghiệp và thương mại theo hướng ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư từ Bulgaria nói riêng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Những cơ chế, chính sách về công nghiệp và thương mại của Việt Nam ngày càng thông thoáng, minh bạch và phù hợp với các cam kết quốc tế song phương và đa phương.
Minh chứng, trong lĩnh vực công nghiệp , TS. Nguyễn Văn Hội cho biết, Nghị quyết về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị) đã định hướng các chính sách: Phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp; Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp: Phát triển doanh nghiệp công nghiệp; Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; Khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp; Khai thác tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển công nghiệp.
Trong lĩnh vực năng lượng , Nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị) đã đề ra tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch; công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư, xoá bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước; khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài có quy mô, chất lượng và hiệu quả cho ngành năng lượng; đổi mới chính sách tài chính theo hướng khuyến khích, thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài.
Trong hoạt động xuất nhập khẩu, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 (Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ) đã xác định phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật; chú trọng đầu tư phát triển xuất khẩu các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường cạnh tranh; kêu gọi các tập đoàn lớn, đa quốc gia tham gia đầu tư các dự án sản xuất xuất khẩu, ưu tiên những dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sản phẩm có tính cạnh tranh cao và có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; thu hút đầu tư từ một số đối tác trọng điểm, nhất là các đối tác có thể giúp Việt Nam tăng cường năng lực công nghệ, đồng thời lành mạnh hóa, hợp lý hóa cán cân thương mại; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, tạo tính lan tỏa, cùng liên kết, hợp tác và phát triển.
Về thương mại trong nước, TS. Nguyễn Văn Hội thông tin, Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ) xác định thu hút đầu tư chợ đầu mối cấp vùng, chợ đầu mối theo tiêu chuẩn quốc tế; thu hút đầu tư, tạo cực tăng trưởng, liên kết vùng... theo đúng quy luật của thị trường; đồng thời ban hành các chính sách thu hút đầu tư vào phát triển thương mại trong nước, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nội địa.
Đồng thời, hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Bulgaria nói riêng được khuyến khích, tạo điều kiện theo pháp luật chuyên ngành về công nghiệp và thương mại, bao gồm Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Khoáng sản, Luật Dầu khí, Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương.
Bên cạnh đó, thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017, Việt Nam đã xây dựng 03 quy hoạch cấp quốc gia, bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; 38 quy hoạch ngành quốc gia, trong đó gồm các quy hoạch ngành Công Thương như: (i) Quy hoạch tổng thể về năng lượng; (ii) Quy hoạch phát triển điện lực; (iii) Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt; (iv) Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ; (v) Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản; cũng như 6 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch; bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước, phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cơ quan nhà nước về công nghiệp, năng lượng và thương mại.
Một lần nữa, TS. Nguyễn Văn Hội khẳng định, Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các chính sách về công nghiệp và thương mại thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Bulgaria hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam.
Công Thương