MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm thuế VAT thời điểm này là cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng

Mới đây, Chính phủ đã đồng ý và giao Bộ Tài chính chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp gần nhất về đề xuất giảm thuế VAT xuống còn 8% đến hết năm nay.

Việc giảm thuế VAT thời điểm này có thực sự phù hợp và ngoài việc giảm thuế VAT thì các bên liên quan cần có thêm giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và cả nền kinh tế?

Để làm rõ hơn về vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh.

PV: Ông nhận định như thế nào về việc Chính phủ đồng ý và giao Bộ Tài Chính sớm trình Quốc hội thông qua đề xuất giảm thuế VAT xuống còn 8% đối với các dịch vụ, hàng hóa chịu thuế xuất 10%?

TS. Võ Trí Thành: Điều này thực sự là thích hợp dù chưa phải là điều gì quá mới mẻ. Trong giai đoạn đại dịch Covid (2020, 2021) thì việc giãn thuế, giảm thuế đã được sử dụng khá mạnh mẽ, trong đó đặc biệt là thuế VAT với 1 số lĩnh vực, hàng hóa.

Giảm thuế VAT thời điểm này là cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng - Ảnh 1.

Tiến sĩ Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh.

Từ năm 2022, chính sách này còn được đẩy mạnh hơn và trở thành 1 trong những gói rất quan trọng trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, uy vậy việc giảm thuế VAT 2% cũng chỉ được thực hiện trong 1 năm.

Ngay cả khi không vấp phải những vướng mắc, khó khăn nhất là những cơn gió thổi ngược rất mạnh từ bên ngoài thì việc tiếp tục thực hiện chính sách này là rất cần thiết, việc chuẩn bị nguồn để triển khai chính sách này cũng hoàn toàn có thể, một phần từ việc thu ngân sách của nước ta thời gian qua tuy có khó khăn những vẫn duy trì khá tốt.

PV: Cũng có một số ý kiến cho rằng mức giảm 2% thuế VAT là chưa thực sự nhiều để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như thúc đẩy được nhu cầu tiêu dùng của người dân. Quan điểm của ông như thế nào về ý kiến này?

TS. Võ Trí Thành: Có 2 vấn đề đặt ra khi tính đến việc giảm thuế VAT. Ý nghĩa thì rõ rồi, đây là 1 dạng kích cầu thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thứ 2 là góp phần vào việc kềm chế giá cả leo thang. Cái này cũng không phải là ý kiến mới và thậm chí có 2 luồng ý kiến: 1 là mức giảm có thể sâu hơn, 2 là tất cả các sản phẩm đều được nằm trong diện được giảm (đối với loại VAT 10%).

Về mức giảm thì cũng đã có kiến nghị cần giảm sâu hơn, tuy nhiên rất có thể Bộ tài chính đã tính toán từ nguồn thu, khả năng cân đối không phải giai đoạn trước mắt mà còn là dài hạn hơn.

PV: Ngoài việc giảm thuế VAT thì theo ông, Chính phủ và các Bộ ngành địa phương cần làm gì để có thể đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng nội địa hay xa hơn là phục hồi, phát triển nền kinh tế trong thời gian tới?

TS. Võ Trí Thành: Vẫn phải làm sao ổn định được tình hình kinh tế, thị trường tài chính tiền tệ, đảm bảo sự lành mạnh cho hệ thống ngân hàng để khôi phục lại niềm tin trên thị trường tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản…đây là một việc rất quan trọng.

Thứ hai là cần nỗ lực hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, cho doanh nghiệp. Việc này vừa qua như đã thấy trong chính sách tiền tệ, khi điều kiện cho phép, áp lực cả trong và ngoài nước đỡ hơn thì ta đã có thể hướng tới việc giảm lãi suất cũng như tạo thêm những điều kiện khác để gỡ khó như xem xét giãn, giãm, khoanh nợ…

Trong chính sách tài khóa thì việc giảm VAT cũng chỉ là 1 phần vì trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế vẫn còn dư địa lớn (gần 350.000 tỷ đồng), ta có thể linh hoạt, điều chuyển giữa các gói hỗ trợ khác nhau trong chương trình này vì nguồn lực là tương đối đủ.

Một cái rất quan trọng nữa là thúc đẩy các nguồn lực trong đầu tư công, phát triển hạ tầng. Nếu đẩy mạnh, triển khai tốt hơn thì cũng mang ý nghĩa lan tỏa.

PV: Xin cám ơn ông!./.

Theo Huy Hoàng

VOV

Trở lên trên