MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm thuế VAT xuống 8%: Người tiêu dùng hưởng lợi, nhiều DN lúng túng, dân kế toán "đau đầu"

Theo Nghị định số 15 của Chính phủ, từ 1/2 đến hết năm nay, thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống 8%.

Người tiêu dùng hưởng lợi

Ví dụ với mỗi 1 hoá đơn siêu thị từ 1 - 2 triệu đồng, như trước đây phải đóng thuế VAT từ 100.000 - 200.000 đồng (mức thuế 10%), thì giờ chỉ đóng 80.000 - 160.000 đồng (mức thuế 8%). Mỗi tháng đi siêu thị vài lần thì cũng tiết kiệm được kha khá, để mua những vật dụng khác.

Theo tính toán của các chuyên gia, chính sách này có thể sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước năm nay khoảng gần 50.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này của Chính phủ sẽ có tác dụng kích thích tiêu dùng, qua đó góp phần vào khôi phục kinh tế sau dịch bệnh. Bởi vì giá cả rẻ hơn thì người tiêu dùng có thể sẽ mua sắm nhiều hơn.

"Đây là việc rất kích thích cho mọi người mua hàng và cả tôi nữa. Được giảm giá thế thôi sẽ quay lại mua nhiều hơn", chị Trần Thị Oanh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết

Một hệ thống siêu thị này, các mặt hàng được giảm thuế giá trị gia tăng xuống còn 8% nằm trong giỏ hàng hoá thiết yếu, chiếm 75% tỷ trọng mua sắm của người tiêu dùng tại siêu thị.

"Cứ 10 khách hàng vào siêu thị thì sẽ có 7 khách hàng được hưởng lợi từ chương trình giảm thuế VAT xuống 8% của Chính phủ. Thông qua việc giảm thuế VAT, doanh nghiệp cũng không bị ảnh hưởng hiệu quả tài chính, vẫn có thể kích cầu tiêu thụ. Như vậy cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng được hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất này", bà Nguyễn Thị Mai Phương - Giám đốc điều hành siêu thị Big C & Go Thăng Long đánh giá.

Giảm thuế VAT xuống 8%: Người tiêu dùng hưởng lợi, nhiều DN lúng túng, dân kế toán đau đầu - Ảnh 1.

Người tiêu dùng hưởng lợi với mức thuế VAT 8%


Theo các chuyên gia, việc giảm thuế VAT sẽ tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường, cả người mua và người bán. Vốn là đối tượng bị ảnh hưởng lớn về thu nhập do dịch bệnh nên giảm thuế sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm được 2% chi tiêu bình quân và giúp tăng giao dịch trên thị trường. Trong khi, việc giảm thuế VAT đầu vào, người bán có điều kiện để không tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ khi sức ép chi phí tăng cao.

Theo ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, khi VAT giảm 2%, doanh nghiệp sẽ được tiết kiệm 2% trên tổng doanh số mua vào trong năm 2022, ước lượng con số này tương đối là lớn cho mỗi một doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nguồn vốn của mình và để sử dụng nguồn tài chính này đi đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh khác.

Không phải tất cả các mặt hàng đều được giảm thuế VAT xuống 8%

Có thể thấy là hầu hết các doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm và đúng thời gian việc giảm thuế VAT. Tuy nhiên, việc thực hiện giảm thuế VAT được bắt đầu từ ngày 1/2, cũng là đầu năm mới Nhâm Dần, lúc này thì người dân đang vui xuân đón Tết, còn các doanh nghiệp cũng đang trong kỳ nghỉ.

Thế nên, không khó hiểu khi quay trở lại, còn gặp một số lúng túng. Ví dụ như người dân, nghe bảo giảm thuế 2%, nhưng sao thấy có cái giảm, cái lại không. Còn doanh nghiệp, việc thay đổi cách tính, hay phân loại hàng hoá được giảm, hàng hoá không, cũng làm "đau đầu" các nhân viên kế toán.

Đầu tiên, không phải mặt hàng nào cũng được giảm thuế VAT xuống 8%. Có nhiều mặt hàng vẫn giữ nguyên mức thuế suất 10%, như: Nhóm sản phẩm công nghệ thông tin (máy vi tính, điện thoại di động…); Nhóm sản phẩm thiết bị điện tử gia dụng (máy giặt, lò vi sóng, máy hút bụi, điều hoà,…); Nhóm dịch vụ (ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, viễn thông, bất động sản…)

"Mình hí hửng đi mua máy tính. Đến nơi mới biết laptop không nằm trong danh mục được giảm thuế VAT. Thế là không tiết kiệm được đồng nào", "Giờ hoá đơn siêu thị cũng ghi chung chung, không biết mặt hàng nào được giảm để còn kiểm tra"... một số ý kiến trên mạng xã hội cho biết.

Giảm thuế VAT xuống 8%: Người tiêu dùng hưởng lợi, nhiều DN lúng túng, dân kế toán đau đầu - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong việc áp mức thuế VAT mới 8% (Ảnh minh hoạ)


Trong khi đó, những ngày đi làm đầu năm 2022 của các doanh nghiệp và cộng đồng kế toán trở nên đặc biệt nhộn nhịp với câu hỏi 8% hay 10%. Bởi nếu không cẩn thận áp dụng sai mức thuế suất, công ty có thể bị khách hàng thắc mắc, khiếu kiện. Dạo quanh một vòng các hội nhóm về tài chính và kế toán, thay vì chúc tụng đầu xuân như mọi năm, những câu hỏi liên quan đến việc áp dụng thuế suất mới trở nên phổ biến.

"Bên em bán camera mà trong phụ lục ghi là camera truyền hình thì em phải làm sao?", "Hàng hoá nằm trong diện vẫn chịu thuế VAT 10% nhưng dịch vụ vận chuyển đi kèm được giảm thuế 8% thì xuất hoá đơn như thế nào?", "Trong đơn hàng em bán có một nửa được giảm VAT, một nửa không thì em có cần xuất riêng không ạ?"... một số thắc mắc về việc giảm thuế VAT.

Theo quy định, cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, việc bóc tách từng mặt hàng chịu thuế 10% và 8% không hề đơn giản. Các doanh nghiệp và hộ kinh doanh đang chờ đợi các hướng dẫn chi tiết hơn trong từng trường hợp của cơ quan thuế.

Mới đây, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các Cục Thuế chỉ đạo các phòng, các Chi cục Thuế cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp; bám sát địa bàn, người nộp thuế để hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ.

Trước đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập hóa đơn đáp ứng quy định giảm mức thuế VAT, Tổng cục Thuế đã có thông báo về việc nâng cấp giải pháp lập hóa đơn điện tử. Theo đó, đã nâng cấp ứng dụng bổ sung thêm mức thuế suất 8% để người sử dụng lựa chọn.

Theo PV

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên