Giảm thuế xe nhập từ ASEAN từ 1.1.2017: Đại gia ôtô nội rục rịch bớt lắp, tăng nhập
Khẳng định không bỏ hẳn mảng lắp ráp trong nước nhưng một số liên doanh xe lớn như Toyota, Honda đã có những bước đi đầu tiên được cho là để thích ứng với việc giảm thuế nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN. Trong khi đó, dân trong ngành nhận định không nhiều mẫu xe được giảm giá theo thuế mới.
- 05-08-2016Hàng loạt xe sang nhập khẩu dán mác biếu, tặng
- 20-08-2015Bộ Tài chính: Hội nhập, giá xe nhập khẩu sẽ giảm
- 24-05-2015"Các nhà sản xuất ôtô nội không thể cạnh tranh với xe nhập khẩu"
Thuế giảm, xe nội chuyển thành “hàng Thái”
Từ ngày 1.1.2017, theo Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN, mức thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước thành viên sẽ giảm từ 40% xuống 30%. Theo lý thuyết, với mức giảm này, nếu giá tính thuế không đổi, giá xe nhập từ ASEAN sẽ giảm khoảng 7% nhưng tới nay chưa có nhà phân phối xe nhập từ Thái Lan nào công bố giảm giá.
Tuy nhiên, kế hoạch bỏ lắp ráp chuyển sang nhập khẩu với nhiều dòng xe đã được một số đơn vị xác nhận.
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Trần Xuân Thủy - Phó Tổng trưởng ban Bán hàng và Marketing, Cty ôtô Toyota Việt Nam - cho biết, từ tháng 1.2017 liên doanh này sẽ tiến hành nhập nguyên chiếc dòng xe Fortuner và chưa có kế hoạch lắp ráp trở lại sau một thời gian dài “nội hoá” và có doanh số tốt. Chiến lược tương tự cũng sẽ được áp dụng với Innova hay Camry khi những dòng xe này nâng đời sản phẩm với công nghệ mới. Dòng xe duy nhất được đại diện Toyota khẳng định tiếp tục lắp ráp là Vios do đã có sản lượng lên đến 2.200 xe/tháng và được nhận định là có khả năng tăng trưởng tốt, đủ sức cạnh tranh với xe nhập từ Thái Lan.
Theo ông Thuỷ, khi thuế nhập khẩu từ thị trường ASEAN hạ xuống, chi phí sản xuất một chiếc xe tại Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực nên việc lắp ráp sẽ không hiệu quả bằng nhập nguyên chiếc, đặc biệt là khi liên doanh này phải đầu tư cho công nghệ mới.
“Xe Toyota Camry cũng sẽ nhập nguyên chiếc và các xe có sản lượng thấp khi nào có thay đổi lớn về model thì sẽ chuyển sang nhập, nếu cần đầu tư về công nghệ thì Toyota Việt Nam sẽ cân nhắc việc lắp hay không lắp” - ông Thuỷ cho hay.
Khi được hỏi về việc Toyota có cắt giảm số lao động khi chuyển sang nhập khẩu xe thay vì lắp ráp, đại diện này cho rằng, hiện tại về cơ bản liên doanh này chưa thay đổi về lượng nhân công vì giảm lắp mẫu xe này sẽ tăng sản lượng mẫu xe khác và cố gắng duy trì tổng sản lượng vào khoảng 54.000-56.000 xe/năm. Tuy nhiên, trong tương lai, Toyota Việt Nam sẽ khó mở rộng thêm công suất nhà máy trừ khi có chính sách mới hỗ trợ sản xuất trong nước.
Cũng chuyển từ lắp mẫu Civic sang nhập nguyên chiếc nhưng một quan chức của Honda Việt Nam khẳng định, không thay đổi chiến lược nhiều như Toyota và việc ngừng lắp mẫu Civic không hẳn là do thuế nhập khẩu giảm mà vì doanh số thấp không đủ để duy trì lắp ráp.
Bình luận về xu hướng bỏ lắp tăng nhập, ông này cho rằng các liên doanh sẽ không bỏ hẳn mảng lắp ráp nhưng sẽ không đầu tư mới mà tận dụng hạ tầng cũ và duy trì lắp những dòng sản phẩm có sản lượng đủ lớn từ 10.000 xe/năm trở lên. Ông ngày dự đoán các sản phẩm lắp ráp có sản lượng dưới 5.000 xe/năm sẽ dần chuyển thành nhập nguyên chiếc nếu có hàng từ khu vực ASEAN.
“Vắng mợ chợ vẫn đông” và giá xe không dễ giảm
Chia sẻ với Báo Lao Động, một đại diện của Ford Việt Nam cho biết, dù đơn vị này sẽ mở rộng lắp ráp xe tại Việt Nam và giá xe nhập từ Thái Lan không dễ giảm. Lý giải về điều này, người này cho hay trong năm 2016, phần lớn xe nhập khẩu từ Thái Lan là xe bán tải (chiếm khoảng 70%) và dòng xe này vốn đã được áp thuế chỉ 5% từ trước nên không có thay đổi về giá, còn các phân khúc khác chưa có nhiều xe nhập từ ASEAN và những xe này muốn được ưu đãi thuế phải có tỉ lệ nội địa hoá từ 40%. Bên cạnh đó, một số dòng xe có thể bị xem lại giá tính thuế và trong trường hợp này, thuế nhập khẩu có giảm thì giá bán cuối cùng cũng không đổi.
Tương tự, hai tập đoàn xe lớn nhất nhì Việt Nam là Trường Hải và Hyundai Thành Công đều khẳng định tiếp tục đầu tư lắp ráp xe tại Việt Nam và phấn đấu tăng tỉ lệ nội địa hoá lên 40% để xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Cụ thể, Trường Hải chuẩn bị bắt tay cùng tập đoàn Mazda xây thêm nhà máy mới tại Chu Lai với tham vọng biến Việt Nam thành cứ điểm phân phối xe Mazda ra các nước trong khu vực.
Đánh giá về ảnh hưởng của việc giảm thuế nhập khẩu, một chuyên gia trong ngành cho rằng trong năm 2017, thị trường xe sẽ chưa có biến động lớn về giá cũng như chiến lược ngay cả khi những ông lớn như Toyota dần bỏ lắp ráp xe.
“Họ có thể giảm lắp ráp một số mẫu xe nhưng không thể bỏ hẳn và kiểu gì cũng vẫn giữ nhà máy bởi thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, bỏ nhà máy rồi đến lúc muốn xây lại là cực khó. Để đầu tư một nhà máy lắp ráp phải đầu tư ít nhất 5 năm vì còn phải tìm đất, xin giấy phép đầu tư, nhân công… nên nếu bỏ nhà máy rồi sau 5-10 năm thị trường tăng trưởng mạnh, chính sách tốt lên thì xây lại sao được? Còn những ông lớn như Trường Hải đã đầu tư cực lớn nên sẽ không bao giờ bỏ được lắp ráp” - chuyên gia này phân tích.
Liên quan tới việc nhân công trong ngành ôtô bị cắt giảm trong thời gian tới, chuyên gia này cho rằng khó có chuyện đó vì nhu cầu với lao động có tay nghề cao trong ngành này vẫn còn và nhiều liên doanh vẫn tính tới việc mở rộng sản xuất để được hưởng ưu đãi từ Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 4.2.2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Lao động