MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Ngân hàng có được nhận “nhiều quà” cùng lúc?

19-02-2019 - 14:40 PM | Tài chính - ngân hàng

Chuyên gia cho rằng, cần có quy định rõ ràng về việc ngân hàng được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc có được hưởng thêm các ưu đãi khác nữa hay không.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
291 bài viết

Gần đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong đó có nội dung TCTC hỗ trợ được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB) đối với tất cả các loại tiền gửi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.

Xung quanh vấn đề này, BizLIVE đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV.

Theo đánh giá của ông, việc ban hành Thông tư mới quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các TCTD này sẽ có tác động như thế nào đến chính sách tiền tệ?

Thông tư này nhằm triển khai để thực hiện Luật các TCTD sửa đổi năm 2017; nếu đúng ra, cần ban hành sớm hơn, bởi Luật này đã có hiệu lực từ 1/1/2018. Mục đích của Thông tư, là nhằm luật hóa cơ chế, cũng như tạo động lực, khuyến khích các TCTD tham gia hỗ trợ tái cơ cấu hơn; qua đó thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu các TCTD. Về mặt chính sách tiền tệ, tôi cho rằng Thông tư này sẽ có tác động, nhưng không nhiều vì 4 lý do.

Thứ nhất, việc các TCTD đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra là không hề dễ dàng. Điều kiện để TCTD tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD yếu kém được hưởng giảm 50% tỷ lệ DTBB rất cao và khắt khe.

Thứ hai, hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các TCTD Việt Nam là tương đối thấp (3% đối với VND), nên nếu có giảm 50% thì cũng không quá lớn.

Thứ ba, độ trễ chính sách và không phải TCTD sẽ được giảm 50% tỷ lệ DTBB của tất cả các khoản tiền gửi cùng lúc vì các khoản tiền gửi có kỳ hạn, điều kiện khác nhau.

Thứ tư, tôi hiểu rằng NHNN sẽ đồng bộ hóa các công cụ khác (như nghiệp vụ thị trường mở, định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý - khoảng 14% năm nay...) để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống các TCTD....

Việc giảm tỷ lệ DTBB được coi như một cách để hỗ trợ các ngân hàng tham gia tái cơ cấu, tuy nhiên, điều này có thể dẫn tới lo ngại về đảm bảo thanh khoản của NHNN khi có sự cố xảy ra, ý kiến của ông như thế nào?

Như tôi đã nói ở trên, NHNN sẽ sử dụng các công cụ khác để hỗ trợ thanh khoản như thị trường mở bơm ra, hút vào hợp lý nên không quá lo ngại.

Vậy với tư cách là một chuyên gia tài chính, đồng thời cũng là lãnh đạo cao cấp của một ngân hàng đang tham gia hỗ trợ hoạt động tái cơ cấu, ông có đề xuất gì thêm đối với Thông tư này không, thưa ông?

Tôi có hai băn khoăn cần lưu ý. Thứ nhất, cần quy định rõ nếu TCTD được hưởng điều kiện này thì liệu có còn được hưởng những điều kiện ưu đãi khác như được vay tái cấp vốn 0% hay không?

Và thứ hai, là nên quy định mức giảm tỷ lệ DTBB “tối đa 50%” vì có TCTD hỗ trợ nhiều, có TCTD hỗ trợ ít. Nếu đánh đồng cùng được hưởng giảm 50% là khó đảm bảo công bằng. Chúng ta cũng cần khách quan nhìn nhận rằng việc hỗ trợ tái cơ cấu không phải là một "miếng bánh ngon", không phải để được hưởng ưu đãi này nọ, mà là trách nhiệm chung, góp phần ổn định cho hệ thống.

Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy quá trình hỗ trợ tái cơ cấu là vô cùng khó khăn, thách thức và nhiều rủi ro; nhiều TCTD phải mất tới 3-5 năm sau hỗ trợ mới trở về trạng thái bình thường (do phải xử lý nợ xấu , mạng lưới, công nghệ và nhất là yếu tố con người). Thành ra tôi cho rằng, ban hành Thông tư này là một việc cần thiết. Dù vậy, khâu truyền thông và thực thi sau này, tôi hy vọng sẽ được lưu tâm làm tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

Theo Trần Thúy

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên