MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giang Ơi chia sẻ về lý do nhiều người không đạt được giấc mơ làm công việc mình đam mê: Cha mẹ ngày xưa vượt khổ, còn chúng mình hàng ngày nỗ lực "vượt sướng"

06-12-2019 - 19:00 PM | Sống

"Biến đam mê thành công việc" trở thành cụm từ phổ biến được gắn với người trẻ, trong khi thực ra số người trẻ thực hiện được nó lại chẳng nhiều đến thế.

"Làm công việc mà ta đam mê" – cụm từ đã quá quen thuộc trên báo chí nhưng trong đời lại có vẻ như giấc mơ không bao giờ có thật. Thời cha mẹ chúng mình tuy không có nhiều lựa chọn nhưng xác định ước mơ lại có vẻ thật đơn giản. Nếu yêu trẻ con, hãy làm giáo viên. Nếu thích lịch sử, hãy đi theo con đường nghiên cứu. Nếu mê xe cộ, hãy trở thành kỹ sư. Thế hệ chúng mình lớn lên cùng sự bùng nổ công nghệ dẫn đến biết bao cơ hội cũng như sự lựa chọn mới, vậy mà sao xác định và theo đuổi nghề nghiệp lại khó đến thế.

Cha mẹ mình ngày xưa vượt khổ, còn chúng mình thì hàng ngày nỗ lực "vượt sướng" vì nhiều lựa chọn quá chẳng biết nên chọn cái nào. "Biến đam mê thành công việc" trở thành cụm từ phổ biến được gắn với người trẻ, trong khi thực ra số người trẻ thực hiện được nó lại chẳng nhiều đến thế.

Từ nhỏ đến lớn đã quen được phục vụ sẵn, đến cơm ăn món gì còn chẳng phải nghĩ vì mẹ đã nấu cho, giờ bỗng nhiên lại có một việc mà cha mẹ không thể chỉ cho bạn cách làm. Tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình hoá ra lại khó đến thế. Có những bạn chẳng biết mình thích gì. Cũng có những bạn biết nhưng chẳng dám theo.

Lướt báo mạng gặp vài bài khuyên nên bỏ đam mê để đi theo những gì thực tế, tập trung kiếm tiền để thoả đam mê đi chơi, nghe cũng có vẻ hợp lý nên là thôi chắc "đam mê" và "công việc" chẳng thể liên quan đến nhau. Có lẽ công việc là công việc, còn đam mê ý là đi chơi, hưởng thụ, xài tiền sau khi đã làm việc vất vả. Nhưng thực ra có phải như vậy? Bạn đang làm gì sai?

1. CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT CÁCH BIẾN SỞ THÍCH THÀNH CÔNG VIỆC

Một trong những điểm tuyệt vời nhất của thời đại ngày hôm nay là bạn có thể biến sở thích thành công việc kiếm sống. Việc này được thực hiện nhờ sử dụng một công cụ vô cùng ưu việt – Công Nghệ. Công nghệ có thể kết nối bạn với người khác và từ đó, bạn có thể tạo ra giá trị đáp ứng nhu cầu của họ bằng những việc bạn vẫn thích làm dù những việc ấy có vẻ như chỉ để giải trí.

Ngày xưa những đứa trẻ như mình chỉ biết chơi điện tử, viết nhật ký và xem phim vì sở thích. Có ai ngờ được rằng ngày hôm nay điện tử trở thành giải Esports, cuốn nhật ký trở thành blog cá nhân và mấy bộ phim trở thành kênh review mang lại thu nhập cho chúng mình? Trong rất nhiều trường hợp, chiếc điện thoại kết nối internet trong tay bạn sẽ có thể giúp bạn biến sở thích thành một công việc.

Chỉ cần bạn suy nghĩ và tìm ra cách để sở thích ấy mang lại giá trị cho xã hội. Đừng hỏi nghề này có kiếm nhiều tiền hay không. Hãy đặt ra câu hỏi: Mình có tạo ra được giá trị ở mức độ xứng đáng kiếm được nhiều tiền hay không. Mức thu nhập được quyết định bởi bạn, không phải bởi nghề.

Giang Ơi chia sẻ về lý do nhiều người không đạt được giấc mơ làm công việc mình đam mê: Cha mẹ ngày xưa vượt khổ, còn chúng mình hàng ngày nỗ lực vượt sướng - Ảnh 1.

2. BẠN HIỂU NHẦM HAI CHỮ "ĐAM MÊ"

Nhiều bạn nghĩ rằng Đam mê chỉ là Đam mê nếu bạn ngồi chơi mà cũng ra tiền, rằng nó phải luôn êm dịu và thoải mái. Sự thật là bất cứ công việc chân chính nào, dù bạn có đam mê nó hay không, đều sẽ rất khó khăn và yêu cầu sự nỗ lực nghiêm túc cho nó. Những nghề nghiệp mới của thời công nghệ bùng nổ thường bị nhiều người nghĩ rằng nó là nghề "ngồi chơi ăn tiền", "chơi game cũng ra tiền", "đi du lịch cũng được trả tiền", "bôi son phấn đứng chụp ảnh cũng ăn tiền". Nhưng nếu nó thực sự dễ như vậy, chẳng phải ai cũng sẽ làm hay sao?

Nghề cũ hay nghề mới, đam mê hay không đam mê, những khó khăn thử thách đều sẽ phải có. Hãy hiểu rõ điều này để không "thất vọng vì đam mê" vì hoá ra nó chẳng vui như bạn nghĩ. Nhưng nếu trong tim bạn cảm thấy vui khi làm nó, đôi tay bạn mong muốn được mày mò để có thể làm tốt hơn, và khi làm nó bạn vui nhiều hơn buồn, thì hãy kiên trì với nó. Công việc nào cũng sẽ có những khía cạnh bạn thích và không thích. Hãy rèn luyện ý chí của mình, chỉ có người phụ nghề chứ nghề thì không phụ người đâu.

Giang Ơi chia sẻ về lý do nhiều người không đạt được giấc mơ làm công việc mình đam mê: Cha mẹ ngày xưa vượt khổ, còn chúng mình hàng ngày nỗ lực vượt sướng - Ảnh 2.

3. BẠN SỢ NHỮNG GÌ NGƯỜI TA NÓI

Mình thường không biết những gì người khác nói về mình. Có lẽ cũng chính vì không biết nên mình không lo, và tính cách quyết liệt của mình cũng được hình thành từ đó. Chỉ trừ một lần duy nhất có bà dì nói với mẹ mình: "Con em cũng đòi đi học thời trang, em không cho nó đi học cái nghề linh tinh ấy". Lúc đó mình đứng ngay cạnh, 18 tuổi, đang chuẩn bị vali đi du học ngành Thiết kế Thời trang.

Chớp mắt đã 10 năm kể từ ngày ấy. Mình không cần phải liệt kê những gì mình đã làm cũng như không cần phải chứng minh rằng ngành công nghiệp Thời trang lớn như thế nào, các bạn cũng có thể hình dung được rồi. Có một cảm giác sung sướng đặc biệt khi bản thân không cần phải nói một tiếng, chỉ cần để thành quả đã đạt được tự nó đập vào mắt những người đã từng coi thường nó. Phần lớn người ta thường tìm cách từ chối những gì họ không hiểu.

Đừng lo, dù bạn có làm gì họ cũng sẽ coi thường bạn. Hãy tận hưởng cảm giác bị đánh giá thấp ngày hôm nay và kiên quyết đi theo con đường mình đã chọn. Bởi vì một ngày kia, sau một núi những nỗ lực và miệt mài, cảm giác đạt được mục tiêu sẽ ngọt ngào gấp ngàn lần. Có lẽ việc mình giỏi nhất là cứ làm dù chỉ có mình tin mình, dù có bị cười chê.

Có một câu mình rất tâm đắc, xin được dùng để kết lại những dòng chữ này tặng bạn: "Work hard in silence, let success be your noise."

Hãy nỗ lực trong im lặng và để thành quả lên tiếng.

Theo Giang Ơi

Trí thức trẻ

Trở lên trên