MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giao dịch ảm đạm, thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng

Khối lượng khớp lệnh trên HoSE phiên 12/11 đạt vỏn vẹn 109 triệu đơn vị, tương ứng giá trị khớp lệnh 2.382 tỷ đồng, đây là mức thanh khoản thấp nhất kể từ phiên 12/7 với khối lượng khớp lệnh gần 90 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 1.806 tỷ đồng.

Phiên giao dịch đầu tuần khép lại với những diễn biến khá tích cực khi các chỉ số chứng khoán đồng loạt tăng điểm. Theo đó, chỉ Vn-Index đóng cửa tăng 3,83 điểm (0,42%) lên 918,12 điểm; Hnx-Index tăng 0,36 điểm (0,35%) lên 103,37 điểm.

Đà tăng của thị trường diễn ra khá mạnh ở nhóm dầu khí, thủy sản. Ngoài ra, một vài Bluechips cũng tăng điểm khá tốt giúp sắc xanh thị trường được củng cố vững chắc.

Nhìn về mặt điểm số, có thể nói phiên giao dịch 12/11 diễn ra khá tích cực. Tuy vậy, vẫn có nhiều điểm chưa thực sự thuyết phục về phiên tăng điểm này mà nhà đầu tư cần lưu ý.

Thanh khoản thấp nhất trong 4 tháng

Đầu tiên là yếu tố thanh khoản. Thanh khoản thị trường trong phiên 12/11 là khá thấp. Khối lượng khớp lệnh trên HoSE đạt vỏn vẹn 109 triệu đơn vị, tương ứng giá trị khớp lệnh 2.382 tỷ đồng, đây là mức thanh khoản thấp nhất kể từ phiên 12/7 với khối lượng khớp lệnh gần 90 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 1.806 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, tình hình cũng chẳng khá khẩm hơn khi khối lượng khớp lệnh chỉ đạt 28,8 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 405 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ phiên 16/7 với khối lượng khớp lệnh 27,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 415,5 tỷ đồng.

Giao dịch ảm đạm, thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng - Ảnh 1.

Thanh khoản thị trường thấp nhất trong 4 tháng. Nguồn: FPTS

Trong chứng khoán, thanh khoản là yếu tố thể hiện sức mạnh của dòng tiền tham gia thị trường. Việc các chỉ số trong phiên 12/11 đồng loạt tăng khá, nhưng thanh khoản "teo tóp" ở mức thấp nhất trong vòng 4 tháng cho thấy giới đầu tư vẫn khá thận trọng với xu hướng thị trường lúc này.

Theo góc độ kỹ thuật, các nhịp hồi phục với thanh khoản thấp thường thiếu tính bền vững. Do đó, nhà đầu tư cần quan sát yếu tố thanh khoản trong những phiên giao dịch tới để ra quyết định. Nếu nhịp hồi phục tiếp tục diễn ra trong 1,2 phiên tới với thanh khoản thấp nhiều khả năng đây là nhịp "bull trap". Ngược lại, nếu thanh khoản hồi phục cùng với đà hồi phục của thị trường sẽ là tín hiệu khá tích cực.

Độ rộng thị trường chưa được cải thiện

Phiên 12/11 diễn ra khá tích cực về mặt điểm số. Tuy nhiên mức lan tỏa của các nhóm cổ phiếu là khá yếu. Ngoại trừ nhóm dầu khí (GAS, PVS, PVD, PVB…), hay thủy sản (VHC, FMC, CMX, ABT…) có đà tăng tốt thì những nhóm cổ phiếu có tính dẫn dắt dòng tiền như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, xây dựng giao dịch chưa thực sự nổi bật với sắc xanh, đỏ đan xen và không có nhiều cái tên thực sự ấn tượng.

Thống kê phiên giao dịch cho thấy số mã tăng điểm trên toàn thị trường đạt 254, trong khi số mã giảm điểm lên tới 306 mã cho thấy mức độ lan tỏa của dòng tiền là chưa mạnh. Nói cách khác, sự đồng thuận của các thành phần tham gia thị trường trong phiên giao dịch là chưa cao.

Khối ngoại bán ròng

Sau 5 phiên mua ròng liên tiếp, khối ngoại đã quay đầu bán ròng 170 tỷ đồng trong phiên 12/11. Tất nhiên, nếu loại trừ giao dịch bán thỏa thuận VIC với 220 tỷ đồng thì khối ngoại đã mua ròng gần 50 tỷ đồng trên toàn thị trường (lực mua tập trung vào HNX, Upcom).

Dù vậy, con số mua ròng 50 tỷ đồng là khá khiêm tốn so với áp lực bán của khối ngoại trong những tháng gần đây. Ngoài ra, trong 5 phiên mua ròng trước đó, lực mua của khối ngoại là không quá ấn tượng khi đa phần chỉ vài chục tỷ đồng/phiên.

Trong những phiên tiếp theo, giao dịch khối ngoại sẽ có tác động ít nhiều tới xu hướng thị trường. Nếu khối ngoại vẫn duy trì xu hướng mua ròng, nhiều khả năng thị trường sẽ ổn định hơn. Ngược lại, nếu khối ngoại bán ròng trở lại sẽ là tín hiệu tiêu cực cho thị trường.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên