Giao dịch BĐS online đang dần xuất hiện trên thị trường địa ốc Việt
Khái niệm giao dịch BĐS online vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam, tuy nhiên, ở một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc thì lại khá phổ biến, hàng nghìn người đang chi cả triệu USD cho những căn nhà được mua qua mạng.
Nói tới chuyện mua bán hàng hóa tiêu dùng qua mạng (giao dịch online) ở Việt Nam không có gì là mới mẻ, đã có rất nhiều trang WEB thương mại điện tử đang hoạt động. Nhưng với việc giao dịch BĐS online thì lại khá mới mẻ với người dân.
Tuy nhiên, nhu cầu tìm hiểu BĐS qua mạng lại rất cao. Một số liệu cho thấy 76% người mua nhà hiện nay thường nghiên cứu trên mạng trước khi mua và 57% giao dịch BĐS thực tế được bắt nguồn từ Internet, thì mô hình giao dịch BĐS online mới chỉ được duy nhất Sàn BĐS Rồng bay triển khai.
Mô hình này được cho là rất hứa hẹn sẽ phát triển nhanh, nhiều tiềm năng khi nhu cầu người dân tìm hiểu BĐS qua mạng là rất lớn.
Còn ở các nước khác thì mô hình này lại khá phổ biến. Madhumita Mondal, một cô gái tại thành phố Mumbai (Ấn Độ) có đủ tiền và quyết định đi mua một căn hộ thì cô không ngần ngại mà chọn mua ngôi nhà của mình trên mạng.
Mondal đã chi tới 10,1 triệu Rupee, tương đương với hơn 150 nghìn USD cho căn hộ 3 phòng ngủ, thuộc khu chung cư ở ngoại ô Mumbai qua giao dịch online. Trước đây, cô chỉ mua váy và sách trên mạng, nhưng sau khi tìm thấy mẫu quảng cáo căn hộ, cô cho rằng mua nhà trực tuyến tiết kiệm tiền và thời gian.
Qua tìm hiểu, được biết ước tính trong năm 2015 đã có hàng trăm nghìn người Ấn Độ mua sắm giống cô Mondal. Nhờ vậy mà doanh số nhà ở bán trực tuyến đang tăng lên rất nhanh. Ngành BĐS Ấn Độ coi đây là một giải pháp để bán hàng và giải quyết tình trạng dư cung, còn khách hàng thì nhận thấy việc mua nhà online này thật dễ dàng và tiện lợi.
Ông Boman Irani, Chủ tịch kiêm Giám đốc quản lý hãng phát triển nhà Rustomjee Group, đơn vị đã bán nhiều căn hộ online đã phát biểu trên truyền thông Ấn Độ, rằng người Ấn Độ rất quan tâm chi phí và tin rằng mua nhiều và mua trên mạng thì sẽ rẻ hơn, cho dù món hàng đó là gì.
"Chúng tôi rất cởi mở trong việc tiếp nhận những tiện ích mà công nghệ mang lại. Tôi đặt cược vào internet thay đổi cách thức bán căn hộ", Boman Irani nói.
Chẳng hạn, căn hộ có giá 6,5 triệu Rupee, đang được công ty Ardente Realtors chào bán với mức chiết khấu thanh toán ít nhất là 800.000 Rupee, tương đương 12% giá bán, nếu mua qua trang Housing.com.
Theo Snapdeal.com, một trong những sàn giao dịch BĐS trực tuyến lớn nhất tại Ấn Độ, chỉ trong vòng vài tuần, các công ty kinh doanh BĐS như Tata Housing Development và Mantri Developers thông qua Sapdeal đã bán được số căn hộ tổng giá trị gần 1 triệu USD. Trong đó, riêng công ty Tata đã bán được tới 1.500 căn hộ bằng phương thức online.
Theo Bloomberg, các trang web bán trực tuyến hoạt động giống như một showroom của nhà thầu công trình. Song thay vì đích thân đến xem mô hình, dạo một vòng bằng những cú click chuột giúp khách hàng mất ít thời gian hơn. Các trang web thường hiển thị phối cảnh khu phố, căn hộ, tòa nhà, đánh giá, xếp hạng của người mua khác và cả hình ảnh 3 chiều của căn hộ.
Còn ở Trung Quốc, các tập đoàn kinh doanh nhà lớn tại nước này cũng đang áp dụng hình thức bán nhà trên mạng với việc chào bán căn hộ có mức chiết khấu cao. Tập đoàn kinh doanh nhà lớn nhất Trung Quốc, China Vanke đã từng hợp tác với Tập đoàn Alibaba để bán các căn hộ tại sàn giao dịch trực tuyến Taobao.
Nhiều doanh nghiệp BĐS Trung Quốc kỳ vọng mua bán nhà online sẽ giải quyết được số lượng hàng tồn kho ngày càng lớn của mình.
Hiện nay, ở Việt Nam việc giao dịch BĐS online cũng đang được nhiều đơn vị chủ đầu tư ủng hộ. Đại diện một chủ đầu tư BĐS tại Hà Nội đã nêu quan điểm cùng ý kiến với ông Irani, Chủ tịch hãng phát triển nhà Rustomjee Group: “Bây giờ là thời đại của thông tin và Internet, cách bán hàng mới này sẽ giúp thúc đẩy tính thanh khoản của thị trường BĐS.”