MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giao dịch chui cổ phiếu, căn bệnh khó chữa

Câu chuyện giao dịch chui cổ phiếu dường như ngày càng trở thành một căn bệnh mà thị trường chứng khoán phải sống chung và chưa có bất cứ biện pháp ngăn chặn nào hữu hiệu từ cơ quan quản lý.

Trong hai tuần đầu tháng 3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 cá nhân vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán với tổng số tiền phạt gần 80 triệu đồng.

Cụ thể, UBCKNN quyết định phạt bà Kiều Thị Nhung, người liên quan với ông Kiều Văn Cường, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường (mã chứng khoán: SCL) 45 triệu đồng vì đã không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

UBCKNN cũng quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Hoa, người liên quan đến ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (mã chứng khoán: LPB) 27,5 triệu đồng vì báo cáo không đúng thời hạn về kết quả thực hiện giao dịch.

Trước đó, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng đối với ông Võ Đắc Thiệu, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại lý giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (mã chứng khoán: TCL) vì đã không báo cáo UBCKNN, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM về việc dự kiến giao dịch mua 26.050 cổ phiếu TCL từ ngày 19.10.2018 đến ngày 23.10.2018.

Nhìn lại trong tháng 2, UBCKNN đã ban hành một loạt quyết định xử phạt các cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Lý giải về việc các vi phạm trên thị trường chứng khoán ngày một nhiều, thậm chí có chuyện vẫn tái phạm sau khi bị xử phạt..., một chuyên gia chứng khoán độc lập tại TPHCM cho rằng, thị trường đang trong giai đoạn khá nhạy cảm, bối cảnh kinh tế khá đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân sẵn sàng phớt lờ quy định và vi phạm dù biết có thể bị phạt tiền.

Chuyên gia này ví von: "Cũng giống như việc vượt đèn đỏ. Họ thấy lợi ích từ việc vượt đèn đỏ để đến đúng giờ một cuộc hẹn làm ăn cao hơn nhiều thiệt hại vài trăm nghìn nếu bị công an bắt". Trên thực tế, nhiều cổ đông nội bộ và người có liên quan "vô tình" mua bán chứng khoán trước thời điểm công bố và thu lợi vài trăm triệu đồng nhưng chỉ bị phạt vài chục triệu - ông dẫn ví dụ.

Tiến sĩ Trương Huy Mai, RMIT lại cho rằng nguyên nhân cơ bản là chế tài - công cụ chưa đủ, xử phạt quá nhẹ. Ông đề xuất, hệ thống của các Sở giao dịch cần lập những "barrier" để ngăn chặn việc mua lén bán chui.

"Tôi nghĩ việc này không hề khó với tiềm năng của các Sở. Dù giao dịch đã thành công nhưng chỉ khi nào tổ chức/cá nhân báo cáo và công bố thông tin thì mới mở 'barrier' cho họ. Để xảy ra tình trạng như vừa qua, theo tôi trách nhiệm ở các giám đốc Sở giao dịch khá nhiều, họ cần chấn chỉnh lại hệ thống".

Ông Nguyễn Duy Phương, chuyên gia phân tích tài chính tại CTCK VCSC thì cho rằng, với công nghệ và kỹ thuật hiện nay, hoàn toàn có thể kiểm soát các vi phạm qua hệ thống dữ liệu được lập trình đơn giản.

Ông Phương cho biết thêm, ở nhiều nước, với những trường hợp vi phạm công bố thông tin, mức xử phạt không cố định mà sẽ sẽ căn cứ theo chỉ số (index). "Như hoạt động mua bán "chui", có yếu tố làm giá cổ phiếu, họ sẽ xử phạt căn cứ vào chỉ số có tiêu chí rõ ràng để tính toán thiệt hại của cổ đông, nhà đầu tư.

Theo Gia Miêu

Lao động

Trở lên trên