MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giao dịch của Lãnh đạo Doanh nghiệp: Đoán tín hiệu

Tuần giao dịch từ ngày 16/10 đến 20/10 ghi nhận một số giao dịch nóng của những vị lãnh đạo, những cổ đông lớn doanh nghiệp như VPB, SMC, NBB, HHA, TTR.

Tâm điểm tuần qua (16/10 – 20/10) trên toàn thị trường chung xuất hiện một số điểm nhấn đáng quan tâm về những giao dịch mua bán cổ phiếu của cổ đông nội bộ.

Cổ phiếu được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm trong tuần qua chính là VPB (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng). Bà Đỗ Quỳnh Ngân, vợ ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank, đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu VPB. Theo đó các phiên giao dịch đều được đăng kí dự kiến từ ngày 19/10 – 17/11 bằng phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Với giá cổ phiếu VPB trên sàn hiện hơn 41.000 đồng/cp, để sở hữu 10 triệu cổ phiếu đăng ký thì bà Ngân dự kiến sẽ phải bỏ ra không dưới 400 tỷ đồng. Được biết trước đây, ông Vinh không hề nắm giữ cổ phần nào kể từ khi gia nhập ngân hàng tới nay.

Trong thời gian gần 2 tuần gần đây, VPB đã có hành trình tăng tốc về giá và đang giao dịch quanh ngưỡng 41.000 đồng/cp. Hiện nay, VPB đang được biết đến là một ngân hàng có vốn hóa thị trường lớn nhất trong nhóm cổ phần tư nhân.

Tại NBB (CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy), bà Nguyễn Thị Cẩm Viên vừa qua đã đăng kí mua 832.060 cổ phiếu, nâng lượng sở hữu từ 4.019.050 cổ phiếu lên 4.851.110 cổ phiếu (từ tỷ lệ 4,2% lên tỷ lệ 5,07%) và trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp. Giao dịch theo đó đã được thực hiện vào ngày 16/10 vừa qua.

Được biết trước đó trong tháng 9 vừa qua, quỹ ngoại Vietnam Equity Holding vừa mua thêm gần 2,8 triệu cổ phiếu NBB và cũng mới trở thành cổ đông lớn của Năm Bảy Bảy với tổng lượng cổ phiếu sở hữu gần 5,5 triệu, tương ứng tỷ lệ 5,71%. Sau khi tăng mạnh lên gần mức 21.000 đồng/cp thì NBB bất ngờ giảm sâu, có lúc giảm xuống gần vùng giá 16.000 đồng/cp rồi hồi phục trở lại. Hiện NBB đang giao dịch quanh vùng giá 17.000 đồng/cp.

Tại SMC (CTCP Đầu tư Thương mại SMC), bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi - Thành viên HĐQT đăng ký mua vào 200.000 cp. Trước giao dịch bà Nhi nắm giữ rất ít cổ phiếu của doanh nghiệp, chỉ tầm 1.230 cp. Lần này bà Nhi dự định thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 19/10 đến 17/11 tới đây.

Khác với các nhà sản xuất thép khác, SMC bán sản phẩm trực tiếp cho các công ty xây dựng và đặt hàng theo yêu cầu của khách hàng. 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần SMC đang đạt 9.058 tỷ đồng – tăng 38% nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 24% còn 218,3 tỷ đồng. Năm nay, SMC đặt kế hoạch lãi sau thuế 150 tỷ đồng và với kết quả thực hiện trong 9 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành vượt 45% chỉ tiêu đề ra. Hiện nay, thị giá cổ phiếu SMC đang giao dịch xung quanh ngưỡng 23.500 đồng/cp.

Ở phía chiều ngược lại, HHA (CTCP Văn phòng phẩm Hồng Hà), ban lãnh đạo và người có liên quan đã đồng loạt đăng ký chuyển nhượng cổ phần đang nắm giữ trong khoảng thời gian từ ngày 18/10 đến 10/11. Trong đó, chủ tịch Võ Sỹ Dởng đăng ký bán hết 330.760 cp, tiếp tới là ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Trương Quang Luyến muốn bán 108.289 cp, ủy viên HĐQT kiêm Phó TGĐ Đào Thị Mai Hạnh sẽ bán hết 70.775 cp.

Bên cạnh đó con bà Hạnh là Đào Minh Trang cũng muốn chuyển nhượng hết 14.190 cp, người nhà bà Hạnh là em gái Đào Thu Hương cũng đăng kí bán ra 15.685 cp, ủy viên HĐQT Nguyễn Hưng đăng ký bán 116.880 cp, chị ông Hưng là Nguyễn Thị Hà cũng bán 50.000 cp. Ủy viên HĐQT Bùi Kỳ Phát đăng ký bán 391.855 cp, kế toán Trưởng Nguyễn Quang Vũ cùng người nhà cũng muốn bán gần 22.000 cp, đồng thời Phó TGĐ Hoàng Mạnh Ánh đăng ký bán 15.436 cp, con Ủy viên HĐQT Bùi Thị Hồng Lĩnh cũng đồng thời đăng ký bán 202.249 cp. Những giao dịch trên đều đang được dự kiến thực hiện tới tầm giữa tháng 11 sẽ kết thúc.

HHA hầu hết được biết đến trước đây là Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà, được thành lập từ năm 1959 của Bộ Công nghiệp. Công ty chính thức hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần vào tháng 08/2005 . Nổi tiếng được biết tới với thương hiệu - ngành nghề kinh doanh bao gồm văn phòng phẩm và đồ dùng học sinh các loại; giấy, nhựa, kim loại và các sản phẩm từ giấy, nhựa, kim loại, bên cạnh đó HHA còn được biết đến trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Mới đây nhất trong ĐHĐCĐ bất thường của HHA đã thông qua việc ủy quyền cho HĐQT toàn quyền quyết định việc chuyển nhượng dự án Hồng Hà Office Tower dù gặp không ít ý kiến trái chiều của cổ đông.

Trong thời gian gần đây, TTR (Công ty Cổ phần Du lịch Thương mại và Đầu tư cũng xuất hiện những giao dịch bán ra. Chủ tịch Trịnh Thị Nga đăng ký bán gần hết 450.000 cp (tương đương 22,57%). Người nhà có liên quan tới Chủ tịch - là ông Lâm Như Thiệu cũng đang đăng kí muốn bán hết 100.000 cp (tương đương 5,02%). Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Trịnh Thị Thùy Hương cũng đăng ký bán hết 174.367 cp (tương đương 8,75%). Đồng thời thành viên trong ban kiểm soát Vũ Thị Hải Yến cũng muốn bán 20.485 cp (1%). Các giao dịch này đều dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ 16/10 đến 14/11 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Hiện nay mục đích các vị lãnh đạo đưa ra là để giải quyết nhu cầu tài chính của cá nhân.

Hiện nay ngành nghề chính của doanh nghiệp đang là kinh doanh khách sạn, nhà hàng ăn uống, kinh doanh vận chuyển khách du lịch; kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa... Điều đặc biệt là gần đây cổ phiếu TTR đã đốt nóng thị trường Upcom khi giá cổ phiếu của doanh nghiệp đã tăng hơn 195%, điều đặc biệt là nhiều cổ đông nội bộ lại liên tục đăng kí thoái vốn tại mức đỉnh của giá cổ phiếu này.

Hoa Lê

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên