Giao dịch nhà, đất ở Khánh Hòa tạo bất ngờ
Khánh Hòa bất ngờ ghi nhận lượng giao dịch bất động sản tăng mạnh, chỉ trong quý III/2024 giá trị giao dịch đã vượt cả năm 2023.
- 13-10-2024Tài chính hạn hẹp bất chấp rủi ro mua nhà, đất không sổ
- 10-10-2024Sếp CBRE: “Có chắc rằng đánh thuế thì nhà đầu tư không mua nhà đất nữa”?
- 08-10-2024Mua căn nhà đất trong ngõ Hà Nội 2,3 tỷ đồng, hơn 3 năm sau bán 5,4 tỷ: “Tôi không ngờ bán được giá như vậy”
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong 9 tháng đầu năm 2024, Khánh Hòa ghi nhận 20.174 giao dịch bất động sản (BĐS) với khoảng 31.802 tỉ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng quý III/2024, Khánh Hòa ghi nhận đến 8.857 giao dịch BĐS với tổng giá trị 15.234 tỉ đồng, trong khi cả năm 2023 giá trị giao dịch chỉ hơn 12.300 tỉ đồng.
Nhà ở riêng lẻ tăng mạnh nhất
Đáng chú ý, các giao dịch từ năm 2023 đến 6 tháng đầu năm 2024 chủ yếu tập trung ở phân khúc đất nền thì quý III/2024 lại ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của phân khúc nhà ở riêng lẻ. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, các giao dịch ghi nhận 8.385 đất nền và 2.233 nhà ở riêng lẻ nhưng quý III/2024 con số này là 3.628 lô đất nền và lên đến 4.874 căn nhà ở riêng lẻ cùng 355 căn hộ chung cư.
Theo anh Khánh - môi giới BĐS tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - thị trường không nhiều dự án đất nền, nhà liền kề, chung cư mở bán nên giao dịch chủ yếu ở nhà riêng lẻ trong các khu dân cư tăng.
Hiện, giá đất khu vực trung tâm Nha Trang dao động từ trên 50 triệu đồng/m2 đến vài trăm triệu đồng/m2; những khu vực lân cận từ 20-40 triệu đồng/m2. "Lượng giao dịch chủ yếu rơi vào nhóm đầu tư đến từ các tỉnh phía Bắc để phục vụ kinh doanh. Giá BĐS tại Nha Trang cũng tăng khoảng 5%-10% so với giai đoạn cuối năm 2023" - anh Khánh nhận định.
Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa (KAREB), cho rằng thị trường nhà ở riêng lẻ ghi nhận sự khởi sắc nhưng đa số chỉ cục bộ tại khu vực TP Nha Trang, các địa phương khác lượng giao dịch chưa cao. Thời gian qua, ngành du lịch Khánh Hòa phục hồi tốt, 9 tháng đầu năm 2024 địa phương đã đón 9 triệu khách lưu trú. Do đó, nhu cầu tìm mặt bằng khu trung tâm để mở các dịch vụ kinh doanh ăn uống, spa, mua sắm… phục vụ nhóm khách Hàn Quốc tăng cao. Điều này đã tạo ra nhiều giao dịch đến từ các nhà đầu tư cần mặt bằng để kinh doanh.
"Thị trường BĐS ở Khánh Hòa như người ốm dậy, cần ăn những món dễ tiêu. Nghĩa là không thể hấp thụ những phân khúc cấp cao mà đang đi về những sản phẩm có tính thanh khoản nhanh, pháp lý rõ ràng. Ngân hàng cũng dễ giải ngân những BĐS nhà phố, nhà ở riêng lẻ… Chính vì vậy, lượng giao dịch về phân khúc này đang phục hồi mạnh là điều dễ thấy" - ông Quý nhận định.
Phục hồi nhanh hơn nếu các quy hoạch hoàn thiện
Theo ông Võ Minh Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư New City, thời gian qua khi các sản phẩm đất nền "đóng băng", nhiều nhà đầu tư đất đai "ghim hàng" thì phân khúc nhà phố và căn hộ chung cư có chiều hướng hút khách. Điều này là phù hợp cho bối cảnh kinh tế hiện nay. Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS đã được thông qua và có hiệu lực thi hành, trong đó từ năm 2025 các giao dịch BĐS phải đóng thuế đúng với giá trị giao dịch. "Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đang tranh thủ để gom hàng. Xu hướng này sẽ kéo dài đến quý IV/2024 và quý tiếp theo 2025" - ông Khoa phân tích.
Ngoài ra ông Khoa, cho rằng Khánh Hòa có nhiều dự án đang tạm ngừng triển khai để điều chỉnh theo quy hoạch chung. Các địa phương trọng điểm là TP Nha Trang, Khu đô thị mới Cam Lâm, Khu Kinh tế Vân Phong… đang gấp rút hoàn thiện các quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 và dự kiến công bố một số quy hoạch ngay trong quý IV/2024. Đây sẽ là tiền đề để địa phương đấu giá, đấu thầu các dự án BĐS mới và cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp tiếp tục triển khai các dự án trước đó. "Khả năng cao thị trường BĐS Khánh Hòa sẽ phục hồi trở lại sau khi hoàn thiện các quy hoạch này" - ông Khoa nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Đình Quý, cho rằng Khánh Hòa sẽ là tỉnh đi đầu trong việc phủ quy hoạch, sớm hơn cả Hà Nội, TP HCM. Đây chính là nền móng vững chắc cho việc phát triển các dự án nhà ở, các khu đô thị, các dự án trước kia đang đầu tư nhưng vướng mắc. Đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đang vướng điều chỉnh quy hoạch cũng sẽ được tháo gỡ các nút thắt.
Bên cạnh đó, một số dự án trên địa bàn tỉnh đã đủ điều kiện mở bán, hoặc đang thực hiện, sẽ có các sản phẩm ra thị trường, như: Khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí KN Paradise với gần 3.000 sản phẩm nhà ở riêng lẻ; Dự án nhà ở xã hội Happy Home tại phường Cam Nghĩa (TP Cam Ranh), với 3.600 căn nhà ở xã hội dạng thấp tầng và 540 căn nhà ở thương mại đã khởi công; dự án nhà ở xã hội Hưng Phú 2 đang xin giấy phép xây dựng…
Đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa thống nhất đầu tư dự án Nâng cấp, mở rộng đường Phong Châu (đoạn từ Khu đô thị ven sông Tắc đến khu tái định cư Đất Lành) nối thông với Tỉnh lộ 3. Tỉnh lộ 3 kết nối với Quốc lộ 1 và cao tốc Nha Trang - TP HCM sẽ là trục kết nối mới ở phía Tây TP Nha Trang. Bên cạnh đó, các dự án khác đang xúc tiến triển khai như: đường Vành đai 3 (nối đại lộ Nguyễn Tất Thành và Võ Nguyên Giáp), Vành đai 2 nhánh bắc đang triển khai.
Theo KAREB, Khánh Hòa đang đầu tư mạnh vào giao thông như đầu tư cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, chủ trương đầu tư cao tốc Nha Trang - Đà Lạt, cao tốc Vân Phong - Nha Trang, thông tuyến cao tốc Nha Trang - TP HCM… Đây sẽ là những tiền đề quan trọng để phục hồi kinh tế, thông thương, kết nối giữa các vùng, qua đó sẽ thúc thị trường bất động sản.
Người lao động