MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giáo dục Mỹ không phải chỉ dành cho con nhà giàu như lầm tưởng!

31-12-2017 - 19:19 PM | Tài chính quốc tế

Không ít chuyên gia xã hội học chỉ trích giáo dục Mỹ rất mất công bằng và rằng chỉ những đứa trẻ giàu có được hưởng cơ hội học tập tốt, thực tế cho thấy không phải vậy.

Năm 1647, chính quyền bang Massachusetts thông qua luật thành lập trường công lập. Khi đó, nhiều người thuộc cộng đồng Thanh giáo lo ngại rằng bọn trẻ sẽ không học đủ kinh thánh, chính vì vậy chúng không tuân thủ đủ những nguyên tắc tôn giáo cần thiết. Tiền để chi tiêu cho trường học lấy từ nguồn thuế của người dân địa phương.

Dù mục tiêu của giáo dục công lập tại Mỹ đã thay đổi nhiều từ thế kỷ 17 cho đến nay, vai trò của thuế bất động sản trong cung cấp tài chính cho giáo dục vẫn không thay đổi.

Tỷ lệ tài chính dành cho giáo dục có nguồn gốc từ các loại thuế bất động sản tại Mỹ cao gấp đôi so với tất cả các nước giàu thuộc nhóm Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Nhiều chuyên gia xã hội chỉ trích rằng cách cấp tiền cho giáo dục theo hình thức này thực ra đang khiến bất bình đẳng xã hội tăng lên, những đứa trẻ khó khăn tại trường học lại chịu thiệt nhiều nhất bởi bản thân các em sống trong những khu vực nhà cửa lụp xụp và chính vì thế chính quyền địa phương cũng không lấy đâu ra thuế để chi tiêu đầu tư giáo dục cho các em.

Cựu Bộ trưởng Giáo dục Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Arne Duncan, từng khẳng định rằng việc sử dụng thuế bất động sản để phát triển giáo dục là nguyên nhân chính đằng sau tình trạng thiếu ngân sách giáo dục.

Rõ ràng rằng giáo dục công lập không phải chìa khóa cho mọi vấn đề trong xã hội. Trong số những thanh niên Mỹ mà bố mẹ không học hết trung học, chỉ 5% trong nhóm này học hành đủ để có một loại bằng cấp nào đó trong khi đó tỷ lệ này trong nhóm nước OECD chỉ là 20%.

Tuy nhiên, cách cấp tiền cho các trường học không thiếu công bằng như người ta vẫn tưởng. Ít nhất tại ba bang của Mỹ, học sinh nghèo nhận được nhiều hỗ trợ tài chính hơn so với các bạn đồng trang lứa giàu có hơn.

Có nhiều lý do lý giải cho việc tại sao thuế bất động sản lại không dẫn đến tình trạng việc phân phối nguồn hỗ trợ tài chính giành cho giáo dục trở nên mất cân bằng như người ta tưởng.

Thứ nhất, tại nhiều khu vực giàu có của nước Mỹ (ví như tại Boston), những đứa trẻ nghèo sống gần các khu vực đất đai đắt đỏ của nhiều gia đình giàu có, chính vì vậy nguồn thu thuế từ nhóm này không hề nhỏ.

Thứ hai, chính quyền nhiều bang của Mỹ thay đổi cách cấp tiền cho giáo dục chính vì vậy, mức thuế thu được có thể khác nhau tại nhiều bang nhưng bất bình đẳng vì thế không quá chênh lệch giữa các bang.

Năm 1920, 83% nguồn tiền dành cho giáo dục công lập đến từ các nguồn địa phương, theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Giáo dục quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, các số liệu mới đây nhất lại cho thấy các nguồn thu địa phương đã không còn là nguồn đóng góp lớn nhất dành cho ngân sách giáo dục.

Tỷ lệ đóng góp của nguồn thu địa phương cho ngân sách giáo dục hiện chỉ tương đương khoảng 45%, thấp hơn so với tỷ lệ đóng góp của liên bang. Tỷ lệ đóng góp của liên bang đã tăng thêm 9% trong cùng thời gian trên.

Việc nhiều nguồn thu khác đóng góp vào tổng ngân sách giáo dục bắt đầu xảy ra khá gần đây. Năm 1973, Tòa án Tối cao Mỹ khẳng định rằng việc nguồn thu thuế bất động sản không đồng đều dẫn đến nguồn tiền dành cho giáo dục không giống nhau ở các bang không hề vi hiến, tuy nhiên khi mà quá nhiều vụ lùm xùm pháp lý xảy ra xung quanh vấn đề này, chính quyền các bang cũng đã điều chỉnh chi tiêu.

Từ năm 1990 đến năm 2012, nguồn tài chính cấp cho giáo dục từ nhóm bang có mức thu nhập bình quân thấp nhất tăng khoảng 50% lên mức gần tương đương với những nhóm bang có mức thu nhập bình quân cao.

Những nghiên cứu chỉ nhìn vào mức chi tiêu khác nhau của mỗi địa phương sẽ không thể cho thấy bức tranh toàn cảnh. Ví dụ nếu các trường học thuộc bang New Jersey chỉ được nhận tiền từ các nguồn địa phương, những đứa trẻ nghèo sẽ chỉ nhận được tương đương 0,66USD so với mỗi đồng USD được chi ra để đào tạo những đứa trẻ con nhà giàu.

Tuy nhiên, khi ngân sách quốc gia tăng mạnh chi tiêu giáo dục, mỗi đứa trẻ nghèo sẽ nhận được 1,06USD trong khi đó mỗi đứa trẻ trong nhóm giàu nhận được một USD. Con số trên có thể tăng lên đến 1,08USD nếu ngân sách liên bang chi thêm tiền.

Có những bang chi tiêu cho giáo dục không công bằng, nhưng có thể khẳng định con số đó không nhiều. Nghiên cứu gần đây bởi hai giáo sư Simon Ejdemyr và Kenneth Shores thực hiện với nhiều bang trên khắp nước Mỹ cho thấy nhóm trẻ nghèo và thuộc cộng đồng dân cư thiểu số nhận được trợ cấp giáo dục cao hơn 1 đến 2% so với nhóm giàu và da trắng.

Những bang giàu có và những bang có nhiều người giàu và người nghèo sống cùng với nhau thường có chính sách tài chính cấp tiến nhất trong giáo dục. Dù tất nhiên không thể áp chung một tiêu chuẩn lên tất cả các bang, đâu đó vẫn tồn tại sự bất bình đẳng thế nhưng nhìn chung những đứa trẻ nghèo không phải chịu thiệt nhiều như nhiều chuyên gia xã hội học chỉ trích.

Tuy nhiên, điều đáng lo là ngân sách dành cho giáo dục tại nhiều bang lại cao hơn so với bang khác. Có thể kể đến ví dụ chính quyền bang Vermont chi tiêu cho giáo dục nhiều hơn nhiều so với bang Utah, ngay cả đã tính đến chênh lệch trong chi phí điều hành trường.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến ngân sách nhiều bang cạn kiệt. Tại bang Oklahoma, nguồn chi tiêu dành cho giáo dục tiểu học và trung học đã giảm 28% từ năm 2008. Chính quyền nhiều bang khác như Texas, Kentucky và Alabama cũng đã giảm mạnh chi tiêu dành cho giáo dục.

Nhiều chuyên gia giáo dục từng tranh cãi gay gắt về việc khi ngân sách tăng lên, kết quả học tập và năng lực kiếm tiền sau này của học sinh liệu có tốt lên tương xứng hay không?

Những nghiên cứu gần đây so sánh về hiệu quả của các gói chi tiêu lên kết quả học tập và tương lai của học sinh cho thấy khi ngân sách chi tiêu cho giáo dục tăng thêm 10%, thu nhập của những em học sinh tương lai đó tăng thêm 7%, khả năng họ phải sống trong đói nghèo cũng giảm đi rõ rệt.

Trong trường hợp bang Michigan, khi mức chi tiêu tăng thêm 1.000USD/học sinh, tỷ lệ các em học sinh vào được đại học cũng tăng lên đáng kể.

Tất cả những thông tin trên cho thấy rằng việc tăng cường chi tiêu cho những đứa trẻ nghèo sẽ có thể thực sự tạo ra những sự thay đổi. Như vậy có thể thấy, giáo dục Mỹ thực ra không thiếu công bằng như người ta tưởng, nhưng nếu so với nhiều nước giàu khác như Anh, giáo dục Mỹ vẫn chưa có mức độ bình đẳng tương đương.

Chính phủ Anh đã tìm ra cách để những đứa trẻ nghèo được hưởng nhiều trợ cấp tài chính trong học hành nhiều hơn, và nhìn từ phương diện đó, nước Mỹ vẫn còn có quá nhiều điều phải học.

Theo Trung Mến

BizLIVE

Trở lên trên