MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giao hàng công nghệ: Từ cánh tay phải của thương mại điện tử đến "quả bom nổ chậm" đe dọa các thành phố lớn trên thế giới

17-07-2019 - 19:41 PM | Tài chính quốc tế

Theo thống kê mới ở Thượng Hải, đã có đến 324 vụ tai nạn giao thông trong đó 5 trường hợp tử vong – liên quan đến các tài xế giao hàng trong nửa đầu năm 2019.

On - demand delivery, hay giao/nhận hàng theo yêu cầu đang thực sự tạo nên cuộc cách mạng trong ngành logistic. Giao/nhận hàng theo nhu cầu thực chất là dịch vụ kết nối trực tiếp khách hàng có nhu cầu với tài xế gần vị trí họ nhất (dựa trên hệ thống định vị GPS), giúp nhu cầu  được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Việc giao hàng theo nhóm sẽ thay thế những chuyến đi đơn lẻ đến cửa hàng, do đó giảm lưu lượng xe và lượng khí thải cacbon. Những cửa hàng cũng không bắt buộc phải ở nơi đông người qua lại, nhờ đó tăng thêm hiệu quả sử dụng không gian trong nội thành cho những cơ sở hạ tầng xã hội gồm bệnh viện hay công viên.

Trung Quốc hiện đang là thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, hơn 80% tài xế giao hàng tại đây thuộc hai "ông lớn" là Meituan Dianping và Ele.Me (thuộc Tập đoàn Alibaba).

Giao hàng công nghệ: Từ cánh tay phải của thương mại điện tử đến quả bom nổ chậm đe dọa các thành phố lớn trên thế giới - Ảnh 1.

Meituan Dianping

Tuy nhiên Văn phòng thông tin thành phố Thượng Hải - thành phố xa hoa và đông đúc bậc nhất của Trung Quốc, mới đây đã đưa ra những báo động cấp thiết: Đã có đến 324 vụ tai nạn giao thông, trong đó 5 trường hợp tử vong có liên quan đến các tài xế giao hàng trong nửa đầu năm 2019. Trong khi đó, trong năm 2017, chỉ có 117 vụ tai nạn liên quan đến giao hàng nội thành. Những con số biết nói này đã đưa đến một vấn đề toàn cầu: Các thành phố đang không có sự chuẩn bị kĩ càng cho sự phát triển "vũ bão" của thương mại điện tử.

Giao hàng công nghệ: Từ cánh tay phải của thương mại điện tử đến quả bom nổ chậm đe dọa các thành phố lớn trên thế giới - Ảnh 2.

Thượng Hải

Sự "bùng nổ" của thương mại điện tử

Ngành công nghiệp giao hàng đã phát triển theo cấp số nhân so với những ngày đầu tiên. Từ năm 2009 đến 2018, số bưu kiện được vận chuyển bởi Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ đã tăng gấp đôi với giá trị lên đến 6,2 tỷ USD mỗi năm. Ở New York, khoảng 4 trong số 10 hộ dân nhận được ít nhất 1 bưu kiện giao hàng mỗi tuần.

Tại Seattle - quê hương của Amazon, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng năm là 20% trong giai đoạn 2018 và dự kiến sẽ tăng gấp đôi số đơn hàng vào năm 2023. Tại Trung Quốc còn đáng kinh ngạc hơn: Doanh số bán lẻ trực tuyến dự kiến sẽ tăng 30% trong năm 2019 và đạt gần 2 tỷ USD, chiếm hơn một nửa tổng doanh số bán lẻ trực tuyến toàn cầu.

Năm 2018 cũng chứng kiến mức tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam với mức tăng trên 30%, quy mô ngành lên đến 7,8 tỷ USD. Con số này dự kiến sẽ là 13 tỷ USD vào năm 2020.

Nhưng sự bùng nổ này lại đem đến những mối nguy hại. Đơn cử như tại Đức, đến 80% lưu lượng giao hàng là trong nội thành và vào giờ cao điểm, tạo áp lực rất lớn cho giao thông thành phố.

Tại Luân Đôn, tuy đã áp dụng thu phí ùn tắc để làm giảm số ô tô cá nhân, nhưng những chiếc xe tải giao hàng và dịch vụ cho thuê xe (như Uber chẳng hạn) đã làm tình hình còn tồi tệ hơn. Nghiên cứu tại Seattle, Hoa Kỳ thì phát hiện ra rằng khoảng một nửa số xe tải giao hàng ở trung tâm thành phố đậu trái phép, chặn và làm chậm các phương tiện giao thông khác.

Giao hàng công nghệ: Từ cánh tay phải của thương mại điện tử đến quả bom nổ chậm đe dọa các thành phố lớn trên thế giới - Ảnh 3.

Tình trạng giao thông ở London vẫn tiếp tục tồi tệ mặc cho những cố gắng của Chính phủ

Tại Trung Quốc, Meituan – công ty chỉ giao hàng thực phẩm, đã sử dụng tới 600.000 tài xế để phục vụ 400 triệu khách hàng mỗi năm. Các tài xế chủ yếu sử dụng xe hai bánh chạy điện và đỗ dọc theo vỉa hè hoặc bất cứ nơi nào tiện cho việc giao hàng. Điều này gây nên sự phẫn nộ lớn trên các phương tiện truyền thông, khi mà nhà nước chỉ ủng hộ các công ty thương mại điện tử này mà không có biện pháp nào đáng kể cho những ảnh hưởng kèm theo.

Đi tìm giải pháp cân bằng

Tuy rằng việc "mạnh tay" phạt những xe tải giao hàng đỗ sai quy định gây tắc đường có thể giải quyết những bức xúc tạm thời, thì cần nhận ra rằng việc này mới chỉ giải quyết được "bề nổi của tảng băng chìm" mà không phải nguyên nhân căn bản.

Lượng đặt hàng vẫn tăng, số lượng xe giao hàng cũng không giảm thì vẫn tạo áp lực rất lớn cho hạ tầng giao thông.

Để giải quyết được những vấn đề này đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa các thành phố, các công ty thương mại điện tử và chủ sở hữu cũng như nhà hoạch định chính sách.

Chính quyền thành phố nên xem xét quy hoạch thêm nhiều vị trí đỗ xe. Họ cũng có thể làm việc với các công ty thương mại điện tử để thiết lập tủ đựng đồ gần khu đông dân cư nhằm giảm số lượng điểm dừng giao hàng. Về lâu dài, các công ty có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhau trong việc giao hàng và hợp nhất các lô hàng riêng lẻ.

Giao hàng công nghệ: Từ cánh tay phải của thương mại điện tử đến quả bom nổ chậm đe dọa các thành phố lớn trên thế giới - Ảnh 4.

Một tủ đựng đồ giao hàng đến và đi của FedEx

Chẳng hạn, New York và các thành phố khác đã chứng minh rằng việc cung cấp ưu đãi cho việc giao hàng ngoài giờ cao điểm, hoặc cấm hẳn giao hàng trong các giờ này có thể giúp giảm tắc nghẽn đô thị. Còn ở Thượng Hải, việc đưa vào xây dựng các điểm đỗ giao hàng sẽ cắt giảm tai nạn giao thông nội thành.

Giao hàng công nghệ: Từ cánh tay phải của thương mại điện tử đến quả bom nổ chậm đe dọa các thành phố lớn trên thế giới - Ảnh 5.

Một vitual store ở trạm chờ tàu địa ngầm tại Hàn Quốc

Cuối cùng, các chiến dịch giáo dục công cộng giúp tuyên truyền tốt hơn đến người tiêu dùng về tác động thương mại điện tử, từ đó khuyến khích giảm thiểu những đơn hàng nhỏ, không thiết yếu – mang lại những tác động tích cực đối với môi trường đô thị nói chung.

Theo Phong Ninh

Nhịp Sống Kinh Tế

Trở lên trên